Chương 4: Tạ Doãn.

100 5 0
                                    

“Vượt qua sông Tẩy Mặc” là câu nói thường xuyên treo cửa miệng của các đệ tử trẻ 48 trại, cũng giống như “làm thịt ngươi” hay “hôm nào mời ngươi ăn cơm” vậy, chỉ là một câu nói tùy tiện mà thôi, không có ý nghĩa thực tế gì.

Mà căn nguyên của câu này nói ra thì rất dài.

Từ khi tam trại chủ làm phản năm xưa, 48 trại đại thương nguyên khí, mấy năm nay, bên ngoài Nam Bắc đối đầu, nhiều thế lực tranh đấu càng thêm hỗn loạn phức tạp, 48 trại đã chứa chấp không biết bao nhiêu khâm phạm triều đình, đành phải quản lý nghiêm khắc chặt chẽ.

Nơi đây nhiều núi, dọc theo đường núi có các mật đạo và trạm gác công khai và bí mật đan xen nhau đếm không xuể, bên nào có động tĩnh khác thường là tin tức có thể lập tức truyền khắp Thục Trung, người của mình ra vào đều cần để lại thông tin, là ai, có chuyện gì, đi bao lâu,… phải ghi hết đầy đủ ngọn nguồn ngóc ngách để có thể lật ra bất cứ lúc nào, mỗi người đều có lệnh bài riêng, bên trên có tên họ rõ ràng nên cũng không thể trộm lệnh bài của người khác.

Tiểu đệ tử chưa xuất sư không được phép tùy tiện xuống núi, được tính là xuất sư hay chưa do sư phụ của mỗi nhà tự mình quyết định, sư phụ không gật đầu thì dù có bản lĩnh bay trên trời hay độn thổ dưới đất cũng không được. Nhưng có một tình huống ngoại lệ, đó là có thể dùng năng lực của một người vượt qua sông Tẩy Mặc.

Sông Tẩy Mặc là nơi duy nhất trong cả 48 trại không có trạm gác ngày đêm thay phiên, nằm ở đầu mút đông nam, vách núi cao hai bên tựa Ngưu Lang Chức Nữ bị ngăn cách bởi sông Tẩy Mặc rộng lớn ở giữa, đúng là một cái rạch trời.

Có vô số truyền thuyết dân gian về sông Tẩy Mặc, vì nước con sông này không xanh không biếc mà đen thui như mực, từ trên cao nhìn xuống như một khối mã não đen khổng lồ, năm xưa khi lão trại chủ còn sống từng bỏ hơn ba năm, tiêu hao vô số sức người sức của dọn sạch sẽ cây cối và mài đá tảng hai bên vách núi khiến vách núi như mặt gương lớn bị nước sông phản chiếu một màu đen nhánh, như vậy hai vách núi này không những không dễ leo mà còn có thể bị người đi tuần núi vừa liếc mắt là thấy rõ mồn một.

Dù thực sự có người khinh công tuyệt đỉnh, có thể đi trên mặt sông cũng không sợ, ngay giữa sông Tẩy Mặc còn có một lão tiền bối không biết đã bao nhiêu tuổi, không rõ ngọn nguồn gốc gác ra sao, Chu Phỉ cảm giác từ khi mình sinh ra ông ấy đã ở đó rồi, người trong trại đều gọi ông là “Ngư lão”, chính là một vị thần của 48 trại.

Sông Tẩy Mặc trừ Ngư lão ra còn có vô số cơ quan cạm bẫy.

Chu Phỉ nhớ khi mình còn nhỏ, việc ra vào 48 trại còn chưa nghiêm ngặt như vậy, có một đám sư huynh xui xẻo không biết uống lộn thuốc gì, có cửa không đi mà cứ muốn thăm dò độ nông sâu của sông Tẩy Mặc, vài người khinh công tốt nhất qua sông, ngày hôm sau đều không ai ngoại lệ, tất cả bị trói dây thừng treo lên vách đá.

Ngư lão cực kỳ theo đuổi sự ngay ngắn, không chỉ trói họ lại, còn xếp chân họ cho chỉnh tề, dựa theo chiều cao xếp thành một hàng, từ xa xa nhìn lại ngay ngắn đến mức vô cùng vui mắt.

Lúc đó Lý Cẩn Dung vừa sai người kéo đám đệ tử không biết trời cao đất dày kia lên vừa nói đùa rằng sau này nếu ai có thể vượt qua sông Tẩy Mặc thì xem như xuất sư. Lời này vừa thốt ra đã kích thích lòng nhiệt tình muốn cố gắng vượt sông của hết đám đệ tử này tới đám đệ tử khác, tiếc là đều thất bại.

Hữu Phỉ - tác giả Priest.Where stories live. Discover now