Chương 2: Ông nội của con ơi

998 10 0
                                    

Chương 2: Ông nội của con ơi

Bây giờ Thanh Nghi đã hiểu rõ vì sao mối thù gia tộc đi đòi nhiều đời vẫn chưa lấy lại được. Lý do là kẻ địch quá mạnh, mà người nhà họ Vương toàn chết sớm trước khi thành công. Thật là tủi thân quá mức! Vậy mà ngày xưa phụ thân còn nắm tay y dặn dò.

“Thanh Nghi, con tuy là phận nữ nhi nhưng tài năng tuyệt đối không thua người. Kẻ duy nhất có thể lấy mạng Ngọc thối tha, báo thù cho cha chắc chắn chỉ có thể là con.”

Phụ thân nói xong thì ho ặc ặc hai tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng. Thanh Nghi cùng mẫu thân gào khóc hết nước mắt, từ đó nàng quyết chí luyện võ để đòi nợ máu. Nàng không biết Ngọc thối tha có thù hằn gì với tổ tiên Vương gia. Nhưng ông nội muốn báo thù, phụ thân liền dùng cả đời báo thù. Phụ thân nói bản thân do Ngọc thối tha hại, Thanh Nghi ngay lập tức coi lão như kẻ giết cha mình.

Từ lúc ba tuổi, dù là con gái vẫn bị bắt ra đứng tấn luyện quyền. Người nhà họ Vương bác học tinh thâm, không có môn nào không luyện qua. Ngoại hình quyền: mỗi ngày đấm đá với tượng gỗ có khắc chữ Ngọc. Cung tiễn, phi đao, ám khí: Ném vào bia có dán chữ Ngọc. Lấy kiếm đánh vào gốc cây có chữ Ngọc, lấy roi quất vào con ngựa đặt tên Ngọc. Con chó trong nhà cũng đặt tên Ngọc, để thời khắc nào cũng có đối tượng thoá mạ. Mùng một ngày rằm đứng trước bàn thờ, phun một ngụm nước bọt xuống đất, mắng chửi Ngọc đê tiện một tràng dài cho tổ tiên vui lòng.

Thậm chí đi đường thấy tiệm buôn bảo vật có chữ Ngọc cũng muốn đạp đổ. Kết quả là của cải trong nhà lần lượt ra đi vì những vụ trả thù cực đoan kiểu này. Ngọc chân nhân ngày càng được mọi người tung hê ca ngợi như thánh sống thì gia tộc họ Vương ngày càng lụn bại. Anh em bất hoà, phân chia tài sản bỏ đi, chỉ còn một mình phụ thân của Thanh Nghi trung thành với con đường của nội tổ đã đề ra.

Mười năm trước sau khi đi báo thù, cha nàng về nhà liền đóng cửa luyện công, đóng được ba năm thì bò ra với bộ dạng hấp hối. Trước khi qua đời ông chỉ tay về hướng núi Long Thủ mà gửi gắm mối thù gia tộc. Thanh Nghi là đứa con duy nhất của ông, không gửi gắm cho nàng thì biết gửi gắm cho ai.

Mẹ của Thanh Nghi vì cái chết của chồng nên mù quán tin theo lời dặn. Con gái ngay lập tức được nuôi dạy theo chế độ tử sĩ báo thù, không thành công thì cũng thành nhân. Thi thư lễ nghĩa, công dung ngôn hạnh hoàn toàn có thể dẹp bỏ. Chỉ có một chữ “dũng” là được đem ra làm phương châm giáo dục của bà. Đánh người? Được lắm, rất oai dũng. Trộm đồ? Tốt, ấy là có dũng khí. Nói bậy? Đó là cái dũng mãnh của nam nhi. Ức hiếp kẻ yếu? Tư thế rất hùng dũng.

Lúc nhỏ làm lưu manh, lớn lên là bá vương. Sau khi phụ thân qua đời, mẫu thân gom góp hết tiền bạc gửi nàng vào hắc bang học nghề ám sát. Chưa từng mặc váy, bới tóc, cài trâm; nàng đã bị biến thành ma đầu anh tài đầy triển vọng của giới tà đạo. Đến giờ này, ai mà nhìn được gã thiếu niên mười bảy tuổi da đen như than, tóc cháy như râu bắp là nữ nhi cho được. Mở miệng ra là văng tục, nhấc tay lên là đánh người. Cử chỉ thô lỗ, tính tình đê tiện, gương mặt lại giảo hoạt một cách đáng sợ. Ấy vậy mà mới tháng trước về nhà, mẫu thân lại mừng rỡ đến rơi nước mắt. Bà ôm chặt Thanh Nghi, hô lớn nhà họ Vương có hy vọng rồi.

Báo thù kýWhere stories live. Discover now