Chương 110: Những Việc Cần Làm

362 22 5
                                    




Tháng hai Trần Khâm lại cất quân thân chinh đi đánh Ai Lao, lần này tôi không còn đứng ngồi không yên đòi theo nữa, ngược lại rất bình tĩnh đưa tiễn chàng ra trận. Vị quan gia nhà tôi đã cứng cáp như một gốc cổ thụ có thể che mưa tránh gió cho tôi và con dân mình.

Nửa tháng sau anh thắng trận trở về, trên người nhiều thêm một vết thương nhưng thần sắc tươi tỉnh đắc chí, vừa tan triều là sà vào người tôi ôm hôn một hồi, sau đó thì hỏi han các con một lượt.

Tôi miễn cưỡng cười gượng nói hết thảy đều ổn. Ôi chao, tôi làm sao có thể thú thật với anh ta là trong khi anh ta đang sống chết ở chiến trường thì thằng con quý tử của anh ta thường xuyên trốn nhà ra cung chơi với bọn công tử lêu lổng kia chứ. Dù tôi có khi sai người giam lỏng nó lại trong cung, bằng cách nào đó nó vẫn có thể trốn ra ngoài.

Tôi thường âm thầm oán thán với Phạm Ngũ Lão thứ võ công anh ta dạy là cái gì, có phải là công phu leo trèo hay không, ngày trước tại sao lại giấu nghề với tôi chứ?

Phạm Ngũ Lão nói võ công là tự do phát huy, phu nhân ngày đó không phải vào cung ra cung như đi chợ hay sao, trong nhà ngoài chiến trận có nơi nào là không có dấu chân của phu nhân đâu.

Thay vì oán trách thần, phu nhân nên giáo dục lại tư tưởng của con trẻ đã.

Trời ạ, con trẻ dù sao cũng mười bốn tuổi rồi, đang trong độ tuổi nổi loạn liệu anh nói nó sẽ nghe sao? Kể ra tôi còn có thể nghiêm khắc trách mắng, chị Trinh thì sao, giống như một túi nước mắt vậy. Tôi hoang mang cảm thấy người phụ nữ năm xưa cản voi chắn hổ đã đi đâu mất rồi.

Xui xẻo đúng lúc Trần Khâm trở về cũng là ngày thằng nhóc Thuyên ôm cái đầu u một cục về cung, nó vừa mở cửa phòng đã bắt gặp ngay ánh mắt của ông già nhà mình đang nhìn chăm chăm.

Ông già hỏi cớ gì mà ra nông nỗi đó, nó lại bảo là do chơi đuổi bắt với bọn ngoài phố, chúng đuổi rát quá, lại vừa đuổi vừa ném khiến nó chạy thục mạng. Lúc chạy cũng không biết là kẻ nào ném đá trúng đầu.

Ông già đang cầm quyển bài tập vài ba chữ hổ lốn của nó trên tay, tiện thể vỗ lên đầu nó, mắng:

"Chúng nó ném anh thì anh chỉ biết cắm đầu cắm cổ bỏ chạy hay sao? Còn không biết ném lại?"

"Được...được luôn ạ?" – Thằng nhóc lắp bắp.

Trần Khâm quay mặt đằng hắng mấy tiếng, lại lườm nó:

"Thật là không biết phép tắc gì!"

Trần Khâm phản ứng như thế cũng là lẽ hiển nhiên, từ trước đến nay anh ta còn chưa để mình chịu thiệt trước ai bao giờ, đến nay thằng con mình lại chẳng có chút gì giống mình thì hỏi sao không bực cho được.

Cũng may dù sao thằng nhóc Thuyên cũng mang vài phần nể phục cộng với sợ hãi đối với Trần Khâm, nạn trốn nhà đi phá làng phá xóm tạm thời được dập tắt.

Cũng trong năm đó Thượng hoàng băng. Tôi biết thế sự tre già măng mọc, Trần Khâm lại càng là kẻ giống như hiểu thấu hồng trần, trải qua hai cuộc chiến sống còn sinh tử chỉ như một giấc mộng phù vân. Thượng hoàng băng theo như anh ta nói thì chính là trở về với liệt tổ.

[Dã Sử Việt] Nào Hay Xuân Mênh MôngWhere stories live. Discover now