Chương 107: Nỗi Canh Cánh Của Quốc Hiện

273 13 3
                                    


Lần này thắng lợi Trần Khâm phá lệ phong thưởng rất hậu. Công lớn như cha tôi thì được phong tước đại vương, anh cả là Khai quốc công, anh ba thì phong là Tiết độ sứ, Phạm Ngũ Lão được ban cho Thánh Dực quân, còn ông già Nguyễn Khoái cũng được phong Liệt hầu và một hương làm Thái ấp gọi là Khoái lộ.

Lão ta đắc ý một hồi, lần này lỗ tai không phải chịu cảnh tra tấn nữa. Mấy bà vợ già ở nhà thì đưa về Khoái Lộ lập làng, lập ấp, cai quản kẻ dưới chăn nuôi trồng trọt, chính mình thì cùng với bà vợ lẽ đã ngoài ba mươi tận hưởng cuộc sống thích chí an nhàn nép dưới bóng vua. Ông già này ấy vậy mà vẫn còn khỏe lắm.

Về phần nhà tôi có thể nói là một bước đạt tới đỉnh vinh quang, cả cha, anh ruột và cả anh rể đều được phong tước, nhưng tôi chỉ thắc mắc rằng tại sao anh cả và anh ba được phong còn anh hai và anh tư thì không thấy nhắc tới?

Trần Khâm lúc này đang ngồi hưởng thụ tôi xoa bóp vai, vừa lim dim mắt vừa lười biếng đáp:

"Anh hai em cự tuyệt ban thưởng, chỉ xin được cùng vợ từ nay không màng việc binh nữa, trở về thái ấp khai hoang mở chợ trồng dâu nuôi tằm, dạy việc bán buôn."

Tôi à một tiếng, hóa ra là học đòi theo ngài Chử Đồng Tử giúp đời giúp dân, chỉ hy vọng nửa đường không nhảy ra một Hồng Vân công chúa. Với tính tình của anh hai tôi ấy mà, cái bẫy sắc đẹp anh ta làm sao mà vượt qua. Lúc đó chỉ sợ chị dâu hai lại không được hiền thục như Tiên Dung, với tính tình mạnh mẽ của chị ta thì...

Ái chà, quả thật là vui nhà vui cửa.

"Thế còn anh tư?"

Nhắc tới Quốc Hiện Trần Khâm lại hơi cau mày, tôi biết ý lại đưa ngón tay lên xoa xoa. Trần Khâm nói:

"Ngày đó Thoát Hoan rút lui, trước tôi đã lệnh cho chú ba không được đuổi cùng giết tận. Anh tư của em khi đó dưới trướng ngài lại vẫn cho quân đón đánh không tha. Tôi là người muốn giết chết Thoát Hoan hơn ai hết thảy, nhưng không phủ nhận được nước ta là nước nhỏ, nếu như bọn chúng cứ ghi hận mà đeo mãi không buông thì dân chúng làm sao mà sống nổi?"

Tôi không dám bàn tới chuyện chốn quan trường, nhưng cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc mà Trần Khâm nói.

Không phải đương không mà chỉ sau nửa tháng Đại Việt ta phải đi sứ sang Nguyên để dâng cống phẩm, dâng biểu tạ tội và trao trả tù binh, dù việc bị đấm trả một cú rồi nhận lời xin lỗi đối với Nguyên triều cũng không được tính là vẻ vang gì. Chừa cho nước lớn mặt mũi cũng là chừa đường lui cho chính ta.

Sau này có lần tôi hỏi dò anh tư Quốc Hiện về nguyên do, anh ấy chỉ không mặn không nhạt nói:

"Lúc đó không nghĩ được nhiều như vậy, chỉ biết khi có cơ hội đuổi giết Thoát Hoan thì trong đầu anh chỉ canh cánh mỗi việc ngày trước Bình Trọng đã chết đi như thế nào. Hiếm khi có dịp, bây giờ nghĩ lại cũng cảm thấy không hề hối hận. – Lại thở dài – Quan gia không trách phạt, đã rộng lượng lắm rồi."

Tôi không ngờ tới anh tư lại là người trọng tình nghĩa như thế. Ngày trước anh ta và Trần Bình Trọng vốn là kỳ phùng địch thủ, chẳng biết được trong lòng anh tôi Trần Bình Trọng quan trọng hơn cả sự nghiệp công danh. Vậy mà trước giờ tôi vốn nghĩ anh tư là kẻ tùy hứng không tính toán tới sự thiệt hơn.

[Dã Sử Việt] Nào Hay Xuân Mênh MôngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ