Chương 79: Hào khí Đông A

31 1 0
                                    

Tháng mười, từng cơn gió bấc đầu mùa tràn vào, người ta đã bắt đầu mặc thêm tầng tầng lớp lớp áo khoác bên ngoài cho đỡ lạnh. Ấy thế mà với những binh sĩ hừng hực khí thế đang ngày đêm tập luyện ngoài bờ sông thì cái giá rét đó cũng chẳng thấm vào đâu. Ý chí sắt đá, lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người con của đất Việt từ bao đời nay vẫn luôn mạnh mẽ vươn lên để vượt qua mọi chướng ngại, đánh đuổi mọi loài giặc thù xâm lăng.

Trời đổ mưa phùn mấy hôm thì hửng nắng. Hôm ấy trời quang, trong và xanh, Trần Khâm thân hành đi thuyền ngự ra bến Đông Bộ Đầu xem điều quân thủy bộ tập trận.

Quân chủ lực nhà Trần gồm cấm quân và quân các lộ. Quân các lộ ở đồng bằng gọi là chính binh, ở miền núi gọi là phiên binh. Năm Kỷ Hợi [1239], tiên đế Thái Tông ra lệnh tuyển lính, chia làm ba bậc thượng, trung, hạ. Cấm quân được chú ý xây dựng, gọi là quân túc vệ. Bảy năm sau, lại đặt ra các vệ tứ thiên, tứ thánh, tứ thần và chọn người khỏe mạnh sung quân:

Quân các lộ Thiên Trường, Long Hưng nhập vào quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần.

Quân các lộ Hồng châu, Khoái châu nhập vào các quân tả hữu Thánh Dực.

Quân các lộ Trường Yên, Kiến Xương nhập vào các quân Thánh Dực, Thần Sách.

Năm Đinh Mão [1267], Thái Tông lập thêm Toàn Kim Cương đô, Chân Thượng đô, Cấm vệ thủy dạ xoa đô, Chân Kim đô. Đứng đầu mỗi quân là một đại tướng quân. Mỗi quân có ba mươi đô, chỉ huy mỗi đô có chánh phó đại đội. Mỗi đô có năm ngũ, đứng đầu mỗi ngũ là đầu ngũ. Ước tính số cấm quân khoảng hai vạn người đóng ở Thăng Long, Tức Mặc và một số địa phương quan trọng. Đây là quân chuyên nghiệp, là lực lượng tinh nhuệ nhất, tuyển chọn kỹ lưỡng, chủ yếu có nhiệm vụ bảo vệ hoàng gia và triều đình.

Cấm quân ở kinh thành Thăng Long có thích chữ "Thiên tử quân" vào trán do tông thất hoặc người được đặc biệt tin tưởng chỉ huy, gọi là Điện tiền chỉ huy sứ (gọi tắt lá điện súy). Cấm quân là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh chống ngoại xâm, có thể được điều động đi các lộ để tác chiến.

Ngoài ra, khi có lệnh của vua, các vương hầu được phép chiêu mộ quân riêng. Gồm hai loại: Sương quân là quân của các đại gia tộc hay các quan quyền thế nhưng không thuộc hoàng tộc. Và vương hầu quân do các quý tộc thuộc hoàng gia chiêu mộ, tự tổ chức huấn luyện và trang bị.

Hàng ngày, tất cả các binh lính, tướng sĩ ngoài rèn luyện thân thể ra thì đều phải học binh thư do Hưng Đạo vương dốc tâm huyết soạn thảo là Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư.

...

Giữa trưa, thuyền rồng cập bến Đông. Bước ra khỏi khoang thuyền, gió lạnh từ mặt sông lùa vào chỉ khiến Trần Khâm rùng mình trong giây lát, chàng nán lại trên mui, phóng tầm mắt ra xa toàn cảnh khu vực Đông Bộ Đầu tấp nập chiến thuyền neo đậu. Từng hàng, từng hàng thuyền chiến nào là Mông Đồng, Lưỡng Phúc, hay những Châu Kiều, Đinh Sắt, Cổ Lâu đủ các loại lớn nhỏ cùng cờ tiết sặc sỡ của các vương hầu nối đuôi nhau dàn thành đội hình ngay ngắn, trải dài khắp bến sông. Sự chú mục của chàng dừng lại trên lá cờ lớn màu vàng thêu sáu chữ Phá Cường Địch, Báo Hoàng Ân đang vươn mình tung bay cuối dãy, trong đầu đột nhiên hiện ra hình ảnh cậu thiếu niên Hoài Văn hầu năm nào, tuy tuổi còn trẻ nhưng ý chí và sự gan dạ lại chẳng kém cạnh bất kỳ ai.

[FULL] Vãng Sự Vi Phong  - truyện dài,  cảm hứng sửWhere stories live. Discover now