Chương 78: Lời hứa

17 1 0
                                    

Từ hồi Quan gia và Thượng hoàng cùng các vương hầu tướng lĩnh họp bàn ở Bình Than, nhân dân Đại Việt lại bắt đầu rục rịch. Đi về bất cứ nẻo đường nào cũng đều nghe thấy tiếng rèn đúc khí giới, tiếng quân lính tập luyện reo hò sôi nổi, và từng đoàn người tấp nập chuyển tải quân lương. Ai ai cũng có nhiệm vụ của mình, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.

Ngay cả Lưu Vân thường ngày ham chơi cũng đã theo cha chuyên tâm học y thuật, phòng khi có việc cần đến. Bởi thế, dạo gần đây An Tư không còn xuất cung nữa, nàng tự biết thân biết phận không muốn hoàng huynh lo lắng, càng không muốn người thương phân tâm để mà lo việc nước việc quân. Thay vào đó nàng cùng các cung nhân bận rộn đan giỏ đựng tên, may túi vải, may áo mền mùa đông cho các binh sĩ, cũng gọi là góp chút công sức của mình. Có mỗi hôm vừa rồi nhân hội thề ở Đồng Cổ, nàng đánh liều xin hoàng hậu cho xuất cung cốt cũng chỉ để nhìn hắn một lát cho thỏa cái nỗi nhớ nhung bấy lâu. Trông hắn có vẻ gầy hơn, sắc mặt cũng mệt mỏi nhưng ánh mắt vẫn kiên cường, sáng ngời ngợi như sao mai lấp lánh.

Trời tối muộn, cơm nước xong xuôi An Tư lại đi đến chiếc bàn gần cửa sổ đang để ngổn ngang vải vóc và kim chỉ, nàng cầm chiếc áo gấm màu xanh đang thêu dở hai chữ "Trần Viễn" nơi ngực trái, và tiếp tục đưa mũi kim thêu nốt những nét còn lại.

***

Sau khi hội thề kết thúc, Trần Viễn theo lệnh Quan gia lên mạn Tây Bắc thị sát, mãi cho tới tận hôm nay mới trở về. Trời nhá nhem tối, vừa vào thành hắn đã vội tiến cung diện kiến vua để bẩm báo lại những điều đã thấy.

Đại tư xã cấu kết với gian thương Hồi Hột đẩy giá mua cỏ dại lên cao, dân chúng thấy lời lãi nên đổ xô đi trồng cỏ thay vì trồng lúa như mọi năm, dẫn đến hậu quả là khan hiếm lương thực. Cũng may vụ việc được phát hiện kịp thời, nên đã xử trí tên Đại tư xã đó và vận động dân trên ấy quay lại với nghiệp làm nông thuần túy.

Trần Khâm gặp hắn trong đình cạnh hồ Thủy Tinh, gió hè mát rượi xua tan đi cái oi ả khiến người ta cũng dễ chịu hơn. Sau khi nghe hắn bẩm báo xong, chàng im lặng một hồi rồi đột nhiên giữa khoảng không gian đặc quánh đang bị bao trùm bởi bóng tối, chàng bỗng buột miệng hỏi người đối diện về kế sách chống giặc. Hệt như năm xưa Tiên đế cũng từng hỏi cha hắn khi giặc Thát tràn vào.

Trần Viễn kinh ngạc trong giây lát, nhớ lại cách đây ít ngày khi hắn quay về Yên Sơn thăm sư phụ, nhân tiện cũng hỏi việc này. Bấy giờ ông ấy trầm ngâm hồi lâu rồi dùng ngón trỏ làm bút, nước trà làm mực viết lên mặt bàn một chữ "dân". Lúc này khi được vua hỏi, hắn cũng làm tương tự, dùng ngón tay miết lên bàn đá lạnh ngắt chữ "dân".

Trần Khâm cau mày, có khi hiểu cũng có khi không hiểu, mù mờ như sương đêm dưới mặt hồ. Chàng bèn hỏi:

"Ý chú là...?"

Trần Viễn trầm tư hướng ra mặt hồ lăn tăn gợn sóng, không gian yên tĩnh thi thoảng còn nghe được cả tiếng loài cá quý quẫy đuôi nghịch nước. Hắn đáp:

"Bẩm, Tuân Tử thời Chiến Quốc từng viết Quân giả, chu dã, thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tái chu, thủy tắc phúc chu. Nghĩa là vua là thuyền, dân là nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền. Qua đó cũng thấy được vai trò quan trọng của dân. Muốn củng cố giang sơn, đánh đuổi giặc thù thì phải làm cho dân chúng đồng lòng, một lòng ủng hộ triều đình. Muốn thế trước tiên phải khiến dân chúng tin tưởng, toàn tâm toàn ý dốc sức cùng triều đình bảo vệ non sông."

[FULL] Vãng Sự Vi Phong  - truyện dài,  cảm hứng sửWhere stories live. Discover now