Chương 48: Tầng Thứ Hai Của Cổ Lâu

Bắt đầu từ đầu
                                    

Bàn Tử dừng lại, nói với tôi: "Xem ra tôi đoán không sai, Trương gia này có thể xem như là thế gia trộm mộ lâu đời nhất, là kẻ duy nhất trên thế giới này nắm rõ sự thực lịch sử Trung Quốc. Bọn họ đã phong kín toàn bộ những bí mật họ đổ đấu ra được vào trong tòa Trương gia cổ lâu này."

Tôi nói: "Những văn tự kia rốt cuộc có ý nghĩa gì nhỉ? Anh nghĩ người xây dựng nơi này có đọc hiểu được không?"

Bàn Tử nói: "Đâu bắt buộc phải biết đến gà mái thì mới biết ăn trứng gà. Tôi đoán chắc là người Trương gia đã cung cấp hình vẽ, rồi cho Dạng thức Lôi thiết kế. Số văn tự kỳ lạ này có lẽ là những mảnh vụn của những nền văn minh cổ xưa đã bị đứt gãy, nếu tôi đoán không lầm, ở đây, càng lên trên tầng cao hơn thì càng đến gần với thời hiện đại hơn. Những bí mật cổ xưa nhất có lẽ là được chôn ở tầng lớn nhất dưới cùng của Trương gia cổ lâu, nhưng giờ đã bị chôn vùi trong cát rồi."

"Vậy chúng ta càng đi lên, há chẳng phải càng cách xa bí mật lớn nhất hơn hay sao?" Tôi nói.

Bàn Tử nói: "Chứ không phải nhiệm vụ chính của anh em ta là đi cứu người à? Cậu còn đòi tôi phải bỏ cả việc mò minh khí cơ mà, cậu đừng có mà đoán mò bậy bạ nữa, mẹ kiếp chỗ này toàn Thiên thư cả. Nhưng tôi thấy trong đó có cả Minh văn, chắc là nơi này ở vào khoảng giai đoạn trước thời Xuân Thu, lên tầng trên nữa chắc là được thấy nhiều chữ Triện rồi."

Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm thấy cơ quan có thể leo lên được ở phía Tây tầng lầu, Bàn Tử đòi đi trước.

Trèo lên tầng trên, thật không ngờ, trên tầng này lại chẳng có tượng người sắt, mà thay vào đó lại có một con rùa đen khổng lồ. Cổ và tứ chi của con rùa đen đều rất dài, thân rùa mặt người, ở phía cuối hai chi trước lại là bàn tay của con người, hai chi sau là chân rùa. Phần mặt là khuôn mặt nữ giới, có vẻ thâm độc tàn bạo, như cười lại như không cười, đại loại trông giống như một số hình người đáng sợ trong tranh Thangka Tây Tạng vậy. Trên lưng rùa đen có một cái hốc lõm xuống, trong hốc đặt một quả cầu đen, trên quả cầu có khắc đầy hình mặt người, hình như có thể lấy ra được.

Bàn Tử nhìn thấy tượng đá liền tặc lưỡi kêu lên: "Lai lịch của thứ này, cậu có biết không? Đây là hình người của nước Thị Nhân, hậu duệ Thần Nông. Sách 'Thái Bình ngự lãm' trích dẫn 'Phong tục thông' viết rằng, ngày xưa người nguyên thủy sống cuộc sống quần cư, một chồng nhiều vợ, sinh sản lộn xộn không luân lý. Để sinh sản rõ ràng, Nữ Oa chế tạo tượng người bằng bùn trong mỗi hang động quần cư để thống kê số lượng. Trong đó, tượng người bằng bùn mà nước Thị Nhân Thần Nông sử dụng có hình dạng thân rùa mặt người, về sau, hình tượng thân rùa mặt người trở thành quốc huy của nước Thị Nhân."

"Quốc huy này cũng thực là xấu xí quá, nhưng mà, chẳng phải anh tự nhận mình không có văn hóa kia mà, sao lại biết đường đi đọc sách 'Thái Bình ngự lãm'?" Tôi lấy làm lạ, hỏi.

"Tại bìa sách vẽ Nữ Oa ngực bự quá chứ còn làm sao nữa, làm ông đây còn tưởng đấy là sách gì táo bạo lắm, không ngờ lại là sách nghiêm túc." Anh ta nói, "Tôi còn nhớ trong đó có một đoạn viết thế này: 'Nước Nhất Mục, vì có một con mắt, mắt nằm trên mũi, thường mang họ Thịnh, là con cháu Phục Hy; nước Tam Thủ, người nước này đều một thân ba đầu, sau thành bề tôi Hiên Viên; nước Thị Nhân, thân rùa mặt người, là hậu duệ Thần Nông thị; Câu Mang, mình chim mặt người, con cháu Phục Hy.' Cậu đã nhớ lũ chim mặt người tụi mình từng gặp trên Vân Đỉnh chưa?"

Đạo Mộ Bút Ký - Quyển 8Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ