Chương 34: Mật Lạc Đà

629 33 0
                                    

“Trước kia, dân địa phương gọi những cái bóng trong đá này là Mật Lạc Đà.” Bóng ma nói, “Chúng tôi vẫn tưởng ý bọn họ rằng những thứ trong đá này là Mật Lạc Đà, nhưng sau khi kiểm chứng với sách cổ, chúng tôi mới phát hiện cách hiểu đó là sai. Mật Lạc Đà không phải để chỉ những thứ này, Mật Lạc Đà trong tiếng Dao có nghĩa là ‘lão tổ mẫu’, Mật Lạc Đà chính là để chỉ cả quả núi lớn này.”

“Núi?” Tôi nói phụ họa theo.

“Núi là lão tổ mẫu, những cái bóng này là con trai con gái do lão tổ mẫu sinh ra. Khi chúng tôi đến đây, người Dao vẫn còn chưa hoàn toàn được khai hóa, bọn họ vẫn tương đối coi trọng những thứ cấm kỵ trong văn hóa của mình. Lúc đó, trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã phát hiện một hiện tượng ở nơi này: những thợ săn xuất sắc nhất vùng sau khi trưởng thành sẽ xăm lên thân mình một hình vẽ rất kỳ lạ, hình xăm đó là một loài động vật có vẻ như là Kỳ Lân. Thời kỳ trước, chúng tôi đã từng rất phản đối hành động này, nhưng sau khi xem xét quá trình phát triển của hình xăm và nắm được một vài truyền thuyết bản xứ, chúng tôi phát hiện, lai lịch của thợ xăm hình có hai điểm mấu chốt.”

“Điểm thứ nhất, ông thợ xăm mình vốn là người Hán. Theo lời kể truyền miệng của các người già trong vùng, hồi đầu, hình xăm của bọn họ vốn không như thế này, ban đầu cả kỹ thuật xăm lẫn hình xăm đều rất đơn giản và nguyên thủy. Sau đó, một ông thợ xăm người Hán đến đây, dần dần truyền dạy lại cho bọn họ, cuối cùng hình xăm mới biến thành hình dạng như ngày nay.”

“Ông thợ xăm người Hán này đến Ba Nãi từ khi nào? Dựa theo suy đoán của bọn họ, có lẽ là vào khoảng thời kỳ Minh Thanh. Thông tin về người này rất ít, chỉ có một truyền thuyết kể rằng, ông ta vì trốn tội nên mới đến đây, nhưng cũng không thể kiểm chứng được nữa. Có điều, chuyện này không quan trọng. Chúng tôi đã có được một tin tức đầu tiên, đó chính là, trong vòng một ngàn năm trở lại đây, hình xăm này đã bị một người Hán sửa đổi.”

“Như vậy, hình xăm ban đầu vốn có hình dạng gì, không còn ai biết được nữa. Tuy nhiên, may mắn là, trong bước điều tra kế tiếp, chúng tôi đã tìm ra được một vài thông tin chứng cứ gián tiếp từ một bản Dao khác.”

“Nghe nói, tục lệ thợ săn Ba Nãi xăm mình này chỉ giới hạn trong một khu vực. Tương truyền, chỉ có thợ săn ở sâu trong núi Sừng Dê mới cần phải xăm mình. Trong lòng người dân Ba Nãi cổ, địa điểm núi Sừng Dê này dường như rất khác biệt so với những nơi khác.”

“Điểm thứ hai là, hình xăm này có ý nghĩa gì?”

“Chẳng lẽ là để trừ tà? Chuyên gia phong tục tập quán các dân tộc của chúng tôi đã bác bỏ giả thuyết này. Bởi nếu là hình vẽ để trừ tà, thì trong làng phải có văn hóa tương ứng được lưu truyền lại, nhưng đến khi hỏi dân làng, thì cũng chẳng ai biết hình xăm này có ý nghĩa gì cả, chỉ nói rằng, tục lệ như thế mà thôi. Hơn nữa, nếu nó mang ý nghĩa trừ tà thì không thể có sự thay đổi được, nếu ông thợ xăm người Hán kia dám thay đổi hình xăm này thì có thể nói, chắc chắn đó là đại sự diệt tộc rồi, ông thợ xăm kia không bị lột da làm trống là may.”

Đạo Mộ Bút Ký - Quyển 8Where stories live. Discover now