Chương 115: Người đi dưới đường hầm, kiếm treo trên đỉnh đầu

Începe de la început
                                    

Minh Nghi nói: "Nghề của ta mà."

Nói xong dường như phát hiện điều gì không đúng, Minh Nghi nhặt sợi dây dưới đất lên xem thử, đoạn ngẩng đầu hỏi Sư Thanh Huyền: "Sao thứ vặt vãnh này mà ngươi cũng giãy không ra?"

Tạ Liên cũng quan sát thật kỹ, sợi dây đó nào chỉ không phải pháp bảo? Căn bản chỉ là một sợi dây thừng bình thường. Với pháp lực cao cường của Phong Sư, làm sao có thể bị vật như thế giam cầm cả buổi trời cũng giãy không thoát?

Sắc mặt Sư Thanh Huyền cứng ngắc, Minh Nghi đột nhiên túm lấy cổ tay trái của hắn, nét mặt lạnh lùng hẳn, hỏi: "Xảy ra chuyện gì vậy?"

Tạ Liên cũng nắm cổ tay phải của Sư Thanh Huyền, thăm dò chốc lát rồi kinh ngạc nói: "Phong Sư đại nhân, sao lại thế này?"

Trong cơ thể Sư Thanh Huyền, thế mà chẳng có chút pháp lực nào!

Ngay sau đó, Tạ Liên kịp phản ứng: "Là chén thuốc kia sao?"

Nhớ đến nước thuốc vừa rồi Sư Vô Độ cố đút Sư Thanh Huyền uống, cộng thêm động tác chống cự của Sư Thanh Huyền, Tạ Liên lập tức ngồi xổm xuống kiểm tra thứ thuốc kia. Sư Thanh Huyền lại nói: "Không phải."

Đích thực không phải vấn đề của thuốc. Tạ Liên cũng biết đôi chút về lý thuyết y học, ngửi mùi hương này, theo y thấy đây hẳn là thuốc giảm đau và an thần, có lẽ còn có chút tác dụng gây buồn ngủ, nhưng cũng không có gì kỳ lạ. Xem ra hồi ở đài Khuynh Tửu, Sư Vô Độ vừa nắm tay em trai đã biến sắc như thế, chắc hẳn lúc đó đã phát hiện rồi. Hắn đút Sư Thanh Huyền uống thuốc này hẳn vì muốn tốt cho Sư Thanh Huyền, nhưng không hiểu sao Sư Thanh Huyền lại chẳng hề cảm kích.

Thảo nào Sư Thanh Huyền không đáp trả thông linh của y, chỉ vì pháp lực cao cường ngày trước giờ đã mất sạch rồi, nhìn kiểu nào cũng chẳng khác gì người phàm. Tạ Liên vô thức thốt lên: "Phong Sư đại nhân, ngươi bị giáng chức ư?"

Bằng không sao tự dưng lại biến thành thế này? Nhưng trên người Sư Thanh Huyền lại không có gông nguyền rủa, hơn nữa nếu ai đó bị giáng chức, vậy làm sao giấu được, tin tức sẽ truyền khắp Thượng thiên đình và Trung thiên đình trong nháy mắt ấy chứ. Sắc mặt Sư Thanh Huyền tái mét, có vẻ đứng không vững, Tạ Liên cố sức đỡ hắn, hỏi: "Tại sao Thủy Sư đại nhân lại trói ngươi?"

Lúc này Sư Thanh Huyền mới tỉnh táo lại, nói: "Đúng rồi, anh ta. Thừa dịp anh ta không ở đây, chúng ta mau đi thôi. Rời khỏi đây trước rồi nói sau!"

Dứt lời vội chui xuống dưới giường, Tạ Liên ngồi xổm xuống gọi: "Phong Sư đại nhân!"

Dưới giường thế mà lại có một hang động, chẳng biết thông đến nơi nào, Sư Thanh Huyền vừa chui vào đã mất bóng. Minh Nghi cũng cúi đầu chuẩn bị vào, Tạ Liên suy đi nghĩ lại vẫn quyết định đuổi theo, Minh Nghi lại lui trở ra, nói: "Thái tử điện hạ, ngươi đừng xen vào."

Bị Minh Nghi ngăn cản, Tạ Liên hơi sửng sốt: "Phong Sư đại nhân nhiều lần trượng nghĩa tương trợ, lần này hắn gặp nạn, ta không thể khoanh tay đứng nhìn."

Minh Nghi nói: "Thường ngày hắn trượng nghĩa nói lời công đạo nhiều lắm, khoanh tay đứng nhìn khi xảy ra chuyện mới là số đông."

Tạ Liên nói: "Người khác thế nào không liên quan đến ta, chỉ cần biết rõ đầu đuôi ngọn ngành chuyện này, xác định không cần ta giúp, ta tự khắc sẽ rút lui không hỏi nhiều."
Giọng của Sư Thanh Huyền ở dưới giường truyền đến: "Các ngươi chưa theo nữa hả? Động sắp đóng rồi!"

Quả nhiên, hang động dưới giường đang dần dần thu nhỏ. Thấy thế, Minh Nghi tức tốc chui vào, Tạ Liên cũng đuổi theo. Ba người bò một hồi trong đường hầm mà Minh Nghi mở, Tạ Liên quay đầu lại nhìn, cửa động vậy mà đã khép lại, quả là thần kỳ tột độ. Y hỏi khẽ: "Địa Sư đại nhân, đường hầm này đào bằng cách nào thế? Ta chưa từng nghe nói có thể đào động dưới tiên phủ ở Tiên kinh." Phải biết rằng, nền của Tiên kinh không phải đất đai ở nhân gian.

Hỏi rồi mới biết, thì ra ngày xưa Địa Sư Minh Nghi là một người thợ tay nghề cao siêu ở dân gian, cả đời xây cầu, sửa đường, phá núi, dựng nhà, tạo phúc vô số, nhờ vậy mới phi thăng. Bây giờ nhân gian có công sự gì lớn, trước khi thi công đều phải vái lạy Địa Sư, cầu mong công sự thuận lợi. Sau khi phi thăng, Địa Sư luyện được một loại pháp bảo, là một cái xẻng Nguyệt Nha (trăng non, trăng lưỡi liềm). Nghe đồn trên đời không có núi nào mà xẻng thần này không thể dời, không có động nào mà xẻng này không thể mở, chẳng có phòng nào mà xẻng này không thể vào. Minh Nghi đến chợ Quỷ nằm vùng, điểm này rất có ưu thế, gặp mật thất gì muốn mở thì xúc xẻng một cái, sau đó còn khép lại như cũ được. Lần trước nếu không bị Hoa Thành đánh cho hộc máu, pháp lực tổn hại nặng nề, nói không chừng có thể dùng xẻng quý này trốn khỏi hầm giam.

Trước đây Địa Sư chưa từng thử xẻng này ở tiên phủ của vị thần quan nào, cũng chưa bao giờ lấy pháp bảo này ra khoe khoang, chỉ toàn cất đó thôi. Không khoe cũng tốt, phần lớn pháp bảo của chư vị thần quan Thượng thiên đình cũng xem như trang nhã phóng khoáng, nào sách vở nào bút lông, nào bảo kiếm nào quạt giấy, nào đàn cổ nào sáo ngắn, nếu trong này có một thần quan suốt ngày vác cái xẻng ra ra vào vào, vậy thì hơi lạc quẻ và mất hình tượng. Nghe xong, Tạ Liên nhịn không được nghĩ thầm, Bồ Tề quán xập xệ của mình muốn sớm ngày sửa xong, phải chăng cũng nên vái lạy Địa Sư?

Bò một hồi, Tạ Liên nghe Minh Nghi đằng trước hỏi Sư Thanh Huyền: "Bạch Thoại Chân Tiên làm hả?"

Tạ Liên cũng muốn biết có phải là vậy không. Nếu thật sự là Bạch Thoại Chân Tiên hại Sư Thanh Huyền ra nông nỗi đó, tin này truyền ra tất sẽ gây chấn động mạnh ở Thiên giới, dấy lên nỗi kinh hoàng tột độ. Một loại yêu ma có thể khiến thần quan mất hết pháp lực, biến thành người phàm chỉ trong thời gian ngắn! Khỏi nói cũng biết, chắc chắn sẽ khiến người người hoảng loạn. Chuyện nghiêm trọng như thế, Sư Thanh Huyền lại im lặng giây lát rồi mở miệng: "Bất luận là ai làm, chuyện này dừng ở đây thôi."

Phản ứng này quá đỗi bất thường.

Nếu bị gài bẫy hãm hại, nói sao cũng không nên tỏ thái độ này, nhất là Sư Thanh Huyền nào phải người bị lừa sẽ im lặng chịu thiệt.

Trong nháy mắt, Tạ Liên bỗng nhiên có một suy đoán không lành. Mặc dù không lành, nhưng lại có thể giải thích tất cả mọi chuyện.

Lúc này, Minh Nghi chợt lên tiếng: "Ngậm miệng."

Ba người trong đường hầm đồng loạt ngừng thở ngay tức khắc. Minh Nghi nổi một ngọn lửa trong lòng bàn tay, khẽ khàng rọi sáng chừng một tấc đất, hai người còn lại nhìn về phía hắn.

Dường như Minh Nghi vốn định thông linh, nhưng hiện tại Sư Thanh Huyền đã mất hết pháp lực, không có cách nào dùng tinh thần truyền âm biểu đạt suy nghĩ, Minh Nghi bèn đổi cách khác, dùng ngón tay viết chữ trên không trung. Nơi đầu ngón tay xẹt qua để lại một vết mực, trông như mực đậm nhỏ vào nước trong rồi lan ra. Sư Thanh Huyền và Tạ Liên đều thấy rõ, Minh Nghi viết rằng: "Đừng lên tiếng, cũng đừng nhúc nhích. Chờ đi."

Nhìn xong, bọn họ lẳng lặng thổi một cái, hàng chữ ấy tan biến giữa không trung. Tạ Liên còn thừa chút pháp lực chưa dùng hết, bèn nhấc tay viết thêm một hàng: "Chờ cái gì? Chờ đến khi nào?"

Minh Nghi viết: "Chờ người hiện đang ở trên đi khỏi."

Tạ Liên và Sư Thanh Huyền không hẹn mà cùng ngẩng đầu nhìn lên trên. Thì ra đường hầm mà Minh Nghi dùng xẻng quý đào ở Tiên kinh thông qua một vài tiên phủ và điện thần. Có lẽ lúc này đây, vừa khéo có một vị thần quan đang ở trên đỉnh đầu họ.

Tập trung dỏng tai nghe, quả nhiên có một tiếng chân trầm ổn đang chậm rãi sải bước, dường như đang đi dạo trong phòng. Nghe tiếng bước chân này, Tạ Liên đoán người nọ hẳn là Võ Thần. Năm giác quan của đa số Võ Thần rất nhạy bén, nếu phát ra chút tiếng động đáng ngờ, nhỡ đâu sơ suất sẽ bị bắt tại trận thật. Sư Thanh Huyền thông linh không được mà viết chẳng xong, chỉ có thể dùng khẩu hình lẳng lặng trách móc. Tạ Liên nhìn mấy lần mới hiểu những gì hắn nói là: "Minh huynh, sao huynh không né điện thần và đạo quán? Đào dưới đường Thần Võ không được sao?"

Minh Nghi hờ hững viết: "Ban đầu điện này không có ai, bây giờ dưới đường Thần Võ toàn là hố."

Tạ Liên cũng viết: "Đúng đó. Vừa nãy trên đường tới đây ta cũng thấy rồi, đường cái mấp mô đầy hố, thậm chí có hố sâu tận vài thước, nếu đào hầm bên dưới, ngộ nhỡ vừa ngẩng đầu sẽ chạm mặt ai không biết chừng."

Thế là ba người không hó hé tiếng nào, hóa thành ba cục đá thừ người ra, kiên nhẫn giữ im lặng chờ vị thần quan bên trên đi khỏi. Chờ một lúc lâu, Sư Thanh Huyền lại dùng khẩu hình hỏi: "Đi chưa?"

Minh Nghi lắc đầu, Sư Thanh Huyền nổi gân xanh đầy trán, thế mà lại có bảy phần tương tự dáng vẻ tức giận vừa rồi của anh trai, hắn nói thầm: "Ai mà rề rà quá vậy, giờ có phải giờ ngủ đâu, huống chi làm gì có thần quan còn ngủ chứ, trên đó là nhà xí hay đâu thế?"

Trên thực tế, nghiêm túc mà nói, thần quan cũng không cần đi nhà xí. Lúc Sư Thanh Huyền dùng khẩu hình nói đến hai chữ "nhà xí", Tạ Liên chợt thấy lông tóc dựng đứng, thình lình đẩy hai người phía trước một cái, đồng thời đạp chân chủ động ngã ra sau.

Từ trên đường hầm, một thanh kiếm sắc nhọn bất chợt đâm xuống, khí thế hung hãn, đằng đằng sát khí, vừa khéo cắm ngay khoảng đất giữa hai chân Tạ Liên.

*Chú thích tiêu đề:

* - Nguyên văn "剑悬于顶" (kiếm huyền vu đỉnh): nghĩa là "kiếm treo trên đỉnh đầu", trong câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng "The Sword of Damocles" (Thanh gươm của Damocles), theo như Cicero kể, vào một ngày nọ, sự bức bối của nhà vua lên đến đỉnh điểm khi một nịnh thần tên là Damocles đã tuôn ra hàng lời khen ngợi và nhận xét rằng cuộc sống của Dionysius phải hạnh phúc đến nhường nào. "Vì cuộc sống của ta làm ngươi vui thích", Dionysius khó chịu trả lời, "ngươi có muốn tự mình nếm trải thử và xem ta may mắn đến chừng nào không?" Khi Damocles đồng ý, Dionysius đặt y lên một chiếc ngai vàng và ra lệnh cho một toán người hầu phục vụ y. Y được thiết đãi bằng những miếng thịt ngon và được tắm đẫm với nước hoa và dầu xức.

Damocles không thể tin được vận may của mình, nhưng ngay khi y bắt đầu tận hưởng cuộc sống của một vị vua, y nhận ra Dionysius đã treo một thanh gươm sắc như dao cạo trên trần nhà. Thanh gươm trỏ vào đầu Damocles, treo lơ lửng chỉ bằng một sợi lông ngựa. Từ đó về sau, sự lo sợ của viên nịnh thần về sự sống của mình khiến cho y không thể tận hưởng được sự xa hoa của các bữa tiệc hoặc sự phục dịch của đám người hầu. Sau nhiều lần lo lắng liếc nhìn về lưỡi gươm treo lủng lẳng trên đầu mình, y cầu xin được miễn thứ, nói rằng không còn muốn được may mắn như vậy nữa.

Đối với Cicero, câu chuyện của Dionysius và Damocles hàm ý rằng những người cầm quyền luôn luôn bị giày vò bởi bóng ma của sự lo lắng và cái chết, và rằng "không thể có hạnh phúc cho một người luôn phải lo sợ." Truyện ngụ ngôn này sau này trở thành một mô típ quen thuộc trong văn học thời trung cổ, và cụm từ "thanh gươm của Damocles" hiện thường được sử dụng rộng rãi như một cách nói ẩn dụ để mô tả một mối nguy hiểm hiển hiện. Tương tự như vậy, câu nói "ngàn cân treo sợi tóc" đã trở thành cách nói để chỉ một tình huống đầy nguy hiểm hoặc bấp bênh.

Ý chỉ một người đang ở trong tình thế nguy hiểm có thể xảy ra điều bất không may vào bất cứ lúc nào.

Thiên Quan Tứ PhúcUnde poveștirile trăiesc. Descoperă acum