Chương 4. Thiếu niên du hành

133 4 0
                                    

Bồ gia bị định tội cách đây tám năm, dưới thời của Minh Tông, vị hoàng đế thứ ba sau khi loạn thế năm năm kết thúc, nhất thống thiên hạ, lập nên triều đại này, cũng là phụ thân của Hiếu Xương hoàng đế hiện tại. Lúc còn sống ngài đã tại vị trong suốt bốn mươi năm.

Nếu nói về tội mà tổ phụ Bồ Châu phạm phải, không thể không nhắc đến truyền kỳ về vị thái hoàng thái hậu Khương thị.

Khương thị xuất thân tướng môn, phụ thân nam chinh bắc chiến, chiến công hiển hách, là khai quốc công thần cùng thái tổ lập nên cơ đồ. Thái Tổ băng hà, Thái Tông kế vị, lập Khương thị làm hậu, khi đó mới mười lăm tuổi.

Khương thị không con. Mười năm sau, Thái Tông băng hà.

Thái Tông không có con đàn cháu đống, trị vì mười năm, dưới gối chỉ có duy nhất một vị hoàng tử, con của phi tần địa vị thấp Trần thị sinh được, cũng chính là Minh Tông. Năm Minh Tông đăng cơ mới chỉ mười tuổi. Khương thị tuân theo di chiếu của tiên đế, dùng thân phận đích mẫu buông rèm nhiếp chính, phụ tá ấu đế, định niên hiệu của hoàng đế là Tuyên Ninh.

Kể từ khi hoàng triều Lý thị lập quốc, phương bắc luôn phải đối diện với nguy cơ xâm lược có từ thời tiền triều. Người phương bắc lập nên một đế quốc thống nhất và hùng mạnh, kỵ binh tinh duệ, trong khi Trung Nguyên sau khi trải qua trăm năm chiến loạn, dân cư giảm mạnh, sản xuất đình trệ, ngân khố và lương thảo thiếu thốn, tuy đã nghỉ ngơi hai mươi năm nhưng quốc lực nhất thời chưa thể kịp khôi phục, đối với Bắc Địch mà nói, chỉ có thể lâm vào thế yếu phòng ngự. Khi Thái Tông băng hà, Bắc Địch ỷ binh cường mã tráng, thừa dịp hoàng vị Trung Nguyên thay đổi, phụ nhân chấp chính liền cử binh xuôi nam, ý đồ xâm lược chà đạp Trung Nguyên rõ ràng.

Kể từ khi lập quốc, võ tướng dưới triều Lý hầu hết đã lụi tàn, đại tướng khó tìm, kể cả khi tổng động viên cả nước đóng góp thuế rộng, tối đa cũng chỉ lo liệu được cho hai mươi vạn binh mã trong vòng một năm.

Đối mặt khí thế hung hãn của cường địch, đất nước ngập tràn nguy nan, triều đình thần sợ bóng sợ gió, dân chúng hoảng loạn, không ít đại thần chủ trương tiến cống cầu hoà, giữ quan điểm cho rằng chỉ cần không để xảy ra chiến tranh, số phải cống nạp ít hơn rất nhiều so với ngân khố và lương thảo dùng để nuôi quân.

Tính toán hẳn không sai nhưng lại bị Khương thái hậu lúc ấy gần hai mươi lăm tuổi bác bỏ. Dưới sức ép nặng nề, bà đề xuất chủ trương lấy chiến sự đổi lấy hòa bình. Dưới sự hỗ trợ của thân vương Định Bắc vương, mạnh dạn tiến cử lão tướng quân Trường Bình hầu và em trai mình là Khương Hổ lãnh binh nghênh chiến. Lão tướng quân nắm quyền chỉ huy, Khương Hổ dù tuổi trẻ nhưng có tài dùng binh thiên bẩm, lợi dụng Bắc Địch khinh địch, thiết kế bẫy dụ địch. Sau vài lần giao tranh, một trận đại chiến xảy ra dẫn đến Bắc Địch đại bại, nội bộ triều đình Bắc Địch rung chuyển, chư vương phân tranh. Người Địch bị ép rút quân, lui binh nghị hòa.

Cân nhắc việc triều đình lúc đấy không có khả năng đuổi đánh sâu hơn, càng không thể chèo chống cục diện chiến tranh lâu dài, trong khi mục đích ban đầu cũng đã đạt được, Khương thái hậu tiếp nhận nghị hòa. Trận đại chiến kéo dài gần một năm này cứ như vậy kết thúc.

Bồ Châu - Bồng Lai KháchWhere stories live. Discover now