Chương 2

185 5 2
                                    

Trấn Phúc Lộc nơi nàng đang sinh sống là một trấn nhỏ nằm ở biên giới, được thành lập trong quá trình xây dựng dịch xá. Ban ngày đứng ở đầu trấn cũng có thể nhìn thấy đến điểm cuối. Vùng đất nhỏ bé này chỉ mới được sát nhập cách đây không lâu, cách xa quận Hà Tây, nếu khoái mã ra sức phi nhanh cũng mất tới mấy ngày đi đường. Những năm đầu trong trấn chỉ có vài tốp binh lính ở các trạm báo động, trấn thủ vùng ranh giới và đốt lửa phát tín hiệu, đến khi dịch xá hoàn thành xong thì nhanh chóng trở nên đông đúc. Ban ngày trên đường người ngựa nối liền nhau không dứt, cũng không thiếu thương lái dị vực, nếu thời tiết thuận lợi, thậm chí còn có thể tổ chức chợ phiên, hết sức náo nhiệt.

Khoảng cách từ Dương gia đến dịch xá cùng lắm chỉ bằng một mũi tên bắn, đi vài bước đã đến nơi. Có những đêm khó ngủ, Bồ Châu thậm chí còn có thể nghe rõ những thanh âm ồn ào khi đoàn nhân mã tiến vào dịch xá. Mỗi lúc như thế, nàng đều không kìm lòng được mà nghĩ tới phụ thân.

Không giống sự kính sợ đặc biệt đối với tổ phụ, Bồ Châu vừa nghĩ tới phụ thân, trong lòng liền tràn ngập cảm giác vừa ấm áp vừa chua xót.

Phụ thân có một đôi mắt sáng, là nam tử anh tuấn nhất, nho nhã nhất, cũng ôn hòa nhất. Người hoàn toàn có thể giống những đệ tử thế gia vọng tộc khác, dựa vào ân ấm tổ phụ tại kinh thành mà đoạt lấy chức quan thanh nhàn. Nhưng ở tuổi mười tám, người rời khỏi Ngọc Môn quan, đi về phía tây, bắt đầu hành trình làm quan ngắn ngủi nhưng vẻ vang. Người băng qua những vùng tử địa, đến thành Ngân Nguyệt, bái kiến vị đại trưởng công chúa Kim Hi từng gả xa đến Tây Địch, thay mặt Thái hoàng thái hậu Khương thị, mẫu thân công chúa mang theo quốc lễ và những lời dặn dò riêng đối với nàng. Người du thuyết [1] đến nhiều nơi, hóa giải hiềm khích, một lần nữa làm thông suốt những con đường thương đạo bị cắt đứt. Khi bờ tây và bờ đông không còn bị ngăn trở, sứ thần đến từ những đất nước khác nhau nối đuôi nhau không dứt đến triều bái, cống nạp, người lại được bắt gặp đang dẫn binh tiến tới vùng loạn lạc, không sợ hiểm nguy, thong dong điều binh, bình định phản loạn, danh chấn Tây Vực.

[1] du thuyết: du thuyết (Thời xưa gọi chính khách đi thuyết khách là du thuyết, đi đến các nước, dựa vào tài ăn nói của mình thuyết phục vua các nước áp dụng chủ trương của mình) (Nguồn: hvdic.thivien.net)

Đến tận bây giờ, trên con đường đi về phía tây vẫn có thể bắt gặp rất nhiều lão binh, từng người một vẫn còn nhớ rõ phong thái cưỡi ngựa ngang qua của vị sứ quan năm ấy.

Khi Bồ Châu còn nhỏ, niềm hân hoan lớn nhất của nàng là được phụ thân ôm lên đặt trên đầu gối. Người dạy nàng ngôn ngữ phiên bang, vừa chỉ lên địa đồ vừa kể về những gì người được thấy trên đường đi sứ Tây Vực.

Bồ Châu đến nay vẫn còn nhớ lần cuối cùng đi sứ của phụ thân. Đêm trước khi lên đường, người chỉ vào nơi có tên là Ngân Nguyệt thành ở phía tây, thủ thỉ với nàng rằng cha lại muốn đến đó, chẳng mấy chốc sẽ về.

Nhưng phụ thân lừa nàng, lần này vừa đi liền không thể trở lại. Trên đường hồi kinh, người bị quân Âm Ly là một nước phụ thuộc Đông Địch tập kích. Đoàn tùy tùng chỉ có hơn mười người bị vây khốn, bất hạnh lâm nạn, lúc qua đời có người tuổi còn chưa quá hai mươi.

Bồ Châu - Bồng Lai KháchWhere stories live. Discover now