Chương 52: Nguy hiểm ở thành Thăng Long (1)

625 28 8
                                    

Ngày hôm sau, tôi và Trần Quang Khải chia biệt nhau tại bãi bồi. Y cùng đám binh lính xuôi đường đi họp quân, còn tôi cùng các tỳ nữ thì đi chạy nạn bốn phương.

Tôi nhìn bóng dáng hiên ngang của Trần Quang Khải trên lưng ngựa. Y đội mũ đâu mâu, với dải tua lông công cắm trên chóp mũ, mày kiếm uy nghi, mắt phượng sáng rõ.

Trần Quang Khải mỉm cười với tôi, nhưng y không phải là người thích trễ nãi chuyện đại sự. Y quay người nhanh chóng đánh dây cương. Ngựa chiến hí lên và chạy về phía trước. Trong tích tắc, bóng dáng của y khuất dần sau con đường mòn, chỉ còn một đoàn quân nghiêm chỉnh xếp thành hàng đi bộ theo sau. Khi ấy nước mắt của tôi không thể kìm nén được nữa mà rơi xuống.

Đêm qua, lúc ở trên thuyền, đó là lần thứ hai Trần Quang Khải tỏ lòng với tôi. Hơn chục năm trước, lúc y nói thích tôi, tôi chỉ coi đó là xúc động nhất thời của một chàng trai trẻ, thời gian trôi đi chúng tôi nhất định sẽ cách lòng. Nhưng, hơn chục năm rồi, y vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt thủy chung như vậy, trái tim tôi dù có là sỏi đá thì cũng phải biết vấn vương.

Nhưng đúng như Trần Quang Khải nói, đây không phải là lúc để chúng tôi bàn chuyện tư tình, đây là lúc tất cả con dân Đại Việt hướng về tổ quốc.

Thích một người là chuyện trong giây lát, yêu một người là chuyện cả ngàn năm. Trần Quang Khải muốn tôi đợi y về rồi cho y một đáp án. Có lẽ, y đang muốn hứa với tôi rằng y sẽ bình an trở về.

Tôi cũng hứa với y, tình yêu của tôi dù chậm trễ, nhưng nhất định sẽ đến gặp y vào ngày khải hoàn.

***

Năm 1285, triều đình đã cho tiêu hủy những của cải, lương thực không thể mang theo ở Thăng Long. Đồng thời, yết bảng ở khắp nơi, chỉ rằng: phàm các châu huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến nên liều chết mà đánh, hoặc sức chống cự không nổi thì phải trốn vào trong rừng, không được đầu hàng... Hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình, ở kinh thành và các vùng địch chiếm đóng, nhân dân ta thực hiện kế sách "thanh dã", tức vườn không nhà trống, triệt nguồn lương thực tại chỗ của chúng.

Người đời vẫn bảo, nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất. Nhưng Thăng Long, sẽ không phải là điểm ẩn náu lý tưởng cho chúng tôi. Thời Trần không giống như thời chống Mỹ, không có hầm trú an toàn. Nếu có thì cũng chẳng đủ để cả chủ và tớ, trên dưới trăm người cùng ẩn náu.

Trước khi rời nhà, tôi cũng cho bỏ lại hết gấm vóc lụa là, chỉ mang đủ quần áo, thảo dược và lương thực. Chuyến này đi xa, sống chết còn chưa rõ. Nếu đi thành một đoàn người số lượng đông thì rất dễ bị lộ tung tích. Binh lính ở trong đoàn vốn ít, cũng chỉ đủ lực lượng để bảo vệ các nữ quý tộc, chứ chẳng thể lo được cho an nguy của kẻ hầu.

Tôi cũng nói với kẻ dưới, nếu ai vì sợ mà muốn rời đi, tôi cũng không ép buộc họ ở lại, liền sai quản gia phát cho họ mấy quan tiền. Sau này chờ ngày thái bình, nếu có lòng, họ hãy quay về Thái ấp. Trần Quang Khải và tôi vẫn chào đón họ trở về.

Nghe vậy, cũng phải hơn phân nửa người xin phép rời đi. Tôi thấy họ quỳ lạy tạ lỗi thì cũng hiểu. Thế là đoàn người của tôi còn có khoảng dưới bốn mươi người.

Lai Sinh Chi Nhật, Nguyện Vi Phu Phụ Như SơWhere stories live. Discover now