Chương 44: Hoạn nạn mới hiểu được chân tình (1)

445 24 0
                                    

Nguyên Chí Nguyên năm thứ 21.

Tháng 12, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta.

Trần Quang Khải nhận được tin mà tức giận khôn cùng, ném cuộn giấy viết thư tín một cách mất bình tĩnh. Y lập tức ra lệnh cho gia nô, lính tráng, thu dọn đồ đạc và một phần của cải đi thuyền về Thăng Long. Trong thư, Thượng Hoàng - trước là Vua Trần Thánh Tông triệu tập một số đại thần trong triều và các bô lão ở điện Diên Hồng để ban yến và hỏi kế đánh giặc.

Dẫu tôi không được tham dự hội nghị, nhưng đã rõ quyết sách của các bô lão. Trong sách giáo khoa thời trung học có viết, tại hội nghị Diên Hồng, các bô lão muôn người như một, hô vang khí thế, nhất định phải: "Đánh."

Thiết nghĩ, từ xưa, quân dân nhà Trần nổi danh với hào khí đông a, nồng nàn yêu nước, nay hà cớ gì mà Thượng Hoàng lại phải ban yến rồi mới ra quyết sách? Thượng Hoàng làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi của bậc trưởng lão mà cảm kích hăng hái lên thôi.

Đêm mùa đông, mặt trăng hình bán nguyệt lúc mờ lúc ảo, treo trên mũi thuyền. Tiếng mái chèo vỗ vào sóng nước như cõi lòng lăn tăn, đầy những lo âu của tôi. Lại một đêm nữa trằn trọc không ngủ, tôi đứng ở cạnh mạn thuyền vắt óc nghĩ ngợi.

Chiến tranh chống quân Mông Nguyên lần hai, dẫu tôi đã biết trước quân ta sẽ dành chiến thắng, nhưng trong lòng không khỏi chất đống những lo toan. Trong đầu tôi cứ hình dung về một nỗi buồn mênh mang khi chiều đông đến, có hàng trăm thân xác nằm phơi mình trên đồng cỏ, máu nhuộm thành sông, dệt lên một trang lịch sử huy hoàng, nhưng lại tàn khốc một cách đau thương. 

Tôi và Trần Quang Khải thành thân gần ba mươi năm, có với nhau bốn (*) đứa con, một chặng đường đủ dài với bao thăng trầm cảm xúc, có ghét, có yêu và có hận.

(*Tính cả con trưởng đã mất)

Giữa giây phút khói lửa chiến tranh này, tôi không thể nào so đo về những tổn thương người đó đã dành cho tôi, tôi không hề bận tâm về sự thờ ơ lạnh lùng của người đó nữa, tâm trí tôi chỉ sợ lúc ra chiến trường, người đó lỡ bị trúng tên, bị thương, hoặc kịch bản xấu nhất là trở thành kẻ tàn phế.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra tôi đã yêu một người sâu đậm. Lần đầu tiên sau những đêm trường tĩnh lặng, tôi muốn dũng cảm bày tỏ tiếng lòng của mình.

Có thể những tháng ngày dài rộng về sau, người đó vẫn bình an. Nhưng nếu không may tôi có cơ sự gì, hai người âm dương cách biệt, tôi sẽ không thể nào cho người ấy biết tình cảm tôi luôn giữ kín trong tim.

"Người đâu! Có hỏa hoạn."

Tiếng hét của tên gia nô kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man. Tôi chạy vài bước tới nhà bếp, liền thấy một đám lửa đang dần lan rộng, vài xấp lính tráng đang xắn tay áo lên bắp tay lực điền, hối hả lấy nước dập lửa. Từ đám cỏ lau ở hai bên bờ, tới năm sáu con thuyền nhỏ đang từ từ chèo mái thuyền về phía này, ngồi trên thuyền là những tên lính tráng mặc áo vải nâu, giống hệt trang phục dân dã của thường dân thời Trần.

Lai Sinh Chi Nhật, Nguyện Vi Phu Phụ Như SơWhere stories live. Discover now