Chương 14: Quyết định của công chúa (1)

428 23 2
                                    

Vài ngày sau, chim én liệng quanh, trời xanh mây trắng mập mờ bén gió. Đợi khi Quốc mẫu mồ yên mả đẹp, tôi cùng Trần Quang Khải đi thuyền tới Thiên Trường.

Dù sắc mặt xanh xao, ruột gan cồn cào khi thuyền lướt nhẹ trên mặt nước, nhưng tôi không hề nôn ra những thứ ô uế nữa.

Chắc bụng đang bận buồn chuyện Trần Quang Khải giao cho nhiệm vụ coi sóc thái ấp, làm gì có tâm tư mà kêu gào nhảy múa?

Tôi đã trăn trở rất nhiều. Nếu bản thân ăn cơm nhà Trần Quang Khải, được gia nô của y hầu hạ chăm sóc, tính ra chuyện cai quản thái ấp không hề là quá đáng. Nhưng cả thái ấp rộng lớn bạt ngàn, trên dưới vài trăm người, để quán xuyến được không phải chuyện dễ. Tôi không ngại nắng mưa khó nhọc, chỉ cần nỗ lực cố gắng, cùng với sự giúp đỡ của quản gia, chắc tôi sẽ làm được.

Bất quá, nếu làm tốt, có khi nào Trần Quang Khải sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khác? Đấy là điều tôi không muốn nhất.

Nhưng, làm không tốt, để tiền trong thái ấp luồn ra ngoài, kẻ hầu người hạ cơm ba bữa không đủ ăn, trong lòng ai oán trách móc chủ... tôi cảm giác có lỗi với lương tâm.

Người chèo thuyền vừa dừng tay, cột dây lên cọc. Trần Quang Khải xuống trước đỡ tôi, Đào xách túi hành lý theo sau. Tưởng phải ngồi kiệu thêm một lúc nữa, nào ngờ đã đến thái ấp.

Thấy tôi đứng im tại chỗ, ngơ ngác nhìn hết chỗ này sang chỗ khác, Trần Quang Khải nhắc nhẹ: "Đi thôi."

Sau này mới biết, bao quanh vòng ngoài của thái ấp là sông Tiểu Giang nằm ở phía Nam, Châu Giang ở phía Bắc, Ninh Giang và sông Sắt nằm ở phía Đông. Sông Tiểu Giang đối với thái ấp Độc Lập là huyết mạch giao thông cực kỳ quan trọng, có thể từ đây lên kinh đô Thăng Long, ra Tức Mặc - Thiên Trường hoặc lui về căn cứ địa Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình).

Vòng trong bao quanh thái ấp là các con ngòi - nhánh của sông Tiểu Giang, như ngòi Am, ngòi Cầu Đất, tạo thành hào - đường.

Thái ấp Độc Lập giống như một hòn đảo nhỏ, vừa tiện phát triển nông nghiệp, thương nghiệp, vừa tiện phòng thủ.

Thật sự là quá vi diệu rồi!

Đi vào trung tâm thái ấp, có diện tích khoảng năm mẫu, nằm trên một roi đất, bốn mặt đắp tường cao hơn hai mét.

Thái ấp đang trong quá trình xây dựng, trừ phòng ngủ được tân trang trước, xung quanh ngổn ngang ngói mũi sen, đám gia nô luôn tay khuân vác, gia công kèo gỗ, chỉ nhìn thôi tôi cũng thấy bận bịu.

Lúc tôi ngồi trong sân xem bọn trẻ con chơi ô ăn quan, quản gia mang sổ sách tới xin ý kiến, hỏi chuyện thái ấp phải xử lý thế nào.

Giá mà lúc ấy có quyền trợ giúp hỏi tổ tư vấn tại chỗ, chắc tôi cũng chẳng phải ngớ người đến vậy.

Lật vài trang giấy, mùi mực tàu thơm nhẹ, chi tiêu ngân sách chạy loạn trước mắt, tôi không biết rõ sự tình nên cực kỳ thận trọng: "Ngươi lui xuống trước, ta sẽ xem xét rồi cho gọi ngươi sau."

Thật ra tôi chưa quyết định, nên quán xuyến việc nhà, hay là một kẻ vụng chèo khéo trống, nói hay hơn làm?

Quản gia nhận lại sổ sách, cúi người nhìn lên, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, bên miệng nở một nụ cười nho nhã: "Dạ vâng. Mong người sớm khỏe lại, tiếp quản công việc trong thái ấp."

Trần Quang Khải đã giao phó tôi trông nom thái ấp, chuyện liên quan tới tiền nong, quản gia không dám vượt mặt. Nhưng tôi thì luôn ước y thích "cầm đèn chạy trước ô tô".

Khổ nỗi thời Trần chỉ có nến, không có đèn.

Vài ngày sau quản gia lại tới diện kiến, tôi vẫn viện cớ như lần trước, kêu thân thể mệt mỏi, tạm thời nhờ cậy y.

Quản gia xem ra hơi thất vọng.

Đến lần thứ tư, nhìn y đặc biệt hướng tôi tín nhiệm, tôi áy náy, chẳng còn cách nào khác bèn đưa ra ý kiến: "Trước mắt, ta có thể xây vườn cây cảnh phía trước, bên là vườn cờ."

Chiêu Minh vương đặc biệt thích chơi cờ người.

Tôi nghĩ một chút rồi nói: "Còn chuyện chọn gạch, trang trí, hẳn phải để sau."

Dạo gần đây, nhiều vương công quý tộc thích xây dinh thự theo kiến trúc nội công ngoại quốc, chọn toàn gạch ngọc để phô trương sự giàu có. Nhìn từ ngoài vào, thái ấp hào nhoáng như một tòa lâu đài xa xỉ, khắp thiên hạ khó mà tìm được nơi thứ hai, nhưng nếu quan sát kỹ, lầu các xây như vậy rất kém tinh tế.

Trước đó, tôi từng ghé thái ấp Lựu Phố thăm thú.

Nhà bốn mái lợp bằng ngói mũi sen, mặt trước hai bên chạm thông phong hoa văn nhánh cúc. Mặt sau, bên cạnh hoa văn hoa thị, khắc các đường gờ nổi song song với nhau. Sự kết hợp này vừa hay bắt đúng điểm động, tĩnh, đại biểu cho quốc hồn quốc túy của người Việt, đồng thời thể hiện tính cách riêng của gia chủ.

Thế mới nói, không nhất thiết lúc nào cũng phải dát vàng, nạm ngọc mới là đẹp, dùng nhiều loại gạch kết hợp, trên có hoa văn cách điệu cốt lên cái thần sang quý, vừa thiết thực, dễ giữ gìn, lại tiết kiệm. Tôi cho rằng, đấy mới là thượng sách.

Khi tôi chỉ ra những điểm mà quản gia chưa nghĩ đến, y im lặng hơn, ánh mắt hòa hoãn đôi chút.

Tôi chỉ biết đại lược là thế, còn đào sâu vấn đề cặn kẽ, thì chưa tìm hiểu. Với tay lấy giấy trên bàn, nhúng bút lông vào nghiên, viết ra những loại cây sẽ trồng trong khuôn viên, rồi đưa cho quản gia.

Ngay lập tức, y tiến tới đỡ lấy: "Dạ vâng. Con xin làm theo những gì người căn dặn."

Quản gia lui ra, không hề hỏi thêm gì.

Tôi dựa vào ghế, day trán, thở hắt một hơi.

Ban nãy, quản gia nhìn chằm chằm tôi không hề nao núng, đôi mắt y sắc bén như thể vô cùng kính trọng và tin tưởng nữ chủ nhân của thái ấp.

Liệu y có kể với Trần Quang Khải về tôi không?

Làm ơn đừng!

Trong phim ảnh, nam chính vì phát hiện ra những điểm tốt của nữ chính mà đem lòng yêu nàng. Dẫu biết con đường phá đảo từ vai phụ mờ nhạt thành vai chính còn quá xa, nhưng tôi vẫn rất lo. Vì đến cả chuyện xuyên không còn vận lên người tôi được, dăm ba cái tiểu thuyết ấy có đáng là gì.

Tôi từng nghĩ, hay là cùng quản gia quán xuyến chuyện trong phủ, nhưng ngầm thương thảo với y, nói với Trần Quang Khải rằng tất cả đều do y gánh vác. Còn tôi, vẫn hâm hâm cho đời thanh thản, lảm nhảm cho đời thêm vui.

Làm vậy sẽ ổn đúng không?

***

Nguồn tư liệu:

1. Phạm Trọng Thanh, Về Độc Lập chiêm ngưỡng Chiêu Minh đại vương và Phụng Dương công chúa (2010), đăng trên báo điện tử.

2. Thu Hường (2015), Đình và miếu Cao Đài - Di tích thái ấp của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải (Thời Trần), Số 3 (52) - 2015 - Di sản văn hóa vật thể.

3. Viết Dư, Đặc sắc mô hình nhà thời Trần, mục Văn Hóa - Nghệ Thuật in trên báo Nam Định.

Lai Sinh Chi Nhật, Nguyện Vi Phu Phụ Như SơWhere stories live. Discover now