Ta giật mình, sợ hãi lắc đầu:

- Thiếp không muốn làm hoàng hậu. Chỉ cần hoàng thượng nghĩ đến thiếp là đã đủ rồi.

Hoàng đế thở dài, dịu dàng vỗ về lưng ta:

- Như vậy với trẫm là chưa đủ. Trẫm biết một hoàng đế tốt phải đối xử công bằng với cả hậu cung. Nhưng trẫm lại chỉ muốn ở bên nàng, chỉ muốn cùng nàng nằm hóng gió dưới gốc đại thụ ở Cẩm Tước cung, chơi đùa với bầy phiến vỹ tước... Lúc trước, trẫm luôn sợ nghĩ về tương lai, luôn lo lắng không biết ngày mai nơi nào sẽ có biến loạn, lúc nào sẽ có thích khách xuất hiện... Nhưng chỉ cần ở bên nàng, trẫm cảm nhận được hi vọng, trẫm mong đợi đến ngày hài tử của chúng ta chào đời, mong đợi được cùng nàng đầu bạc răng long...

Lời nói của hoàng đế như một dòng nước ấm áp chảy qua trái tim ta. Ta không hiểu vì sao bỗng nhiên hoàng đế lại nói ra những lời này, nhưng ngẫm lại, xưa nay đã bao giờ ta thật sự hiểu hắn đâu. Trong lòng ta chỉ hiểu rõ duy nhất một điều: dù rằng đó có là mong ước hão huyền, ta cũng thành tâm thành ý muốn cùng hắn bách niên giai lão.

Ta hơi cúi đầu, hôn nhẹ lên tóc hoàng đế, nửa đùa nửa thật mà nói:

- Hoàng thượng, người biết là chỉ một mình thiếp thôi thì không sinh được hài tử, phải không?

Hoàng đế phì cười, nhéo yêu bên hông ta một cái:

- Nàng đúng thật là...

Ta cũng cười theo:

- Thiếp nói sai sao?

Lớp sương mờ bi thương đang bao phủ lấy chúng ta thoáng chốc tan biến. Khi hoàng đế ngẩng lên nhìn ta, đôi mắt trong trẻo của hắn lại trở về bình thản như thường ngày. Hắn mỉm cười ngọt ngào, nhẹ nhàng gỡ hai tay ta khỏi cổ hắn, khẽ đặt một nụ hôn lên mỗi bàn tay:

- Trẫm hứa với nàng, chúng ta nhất định sẽ con đàn cháu đống, đầu bạc răng long.

Ta cúi đầu, tựa trán vào trán hắn:

- Quân vô hí ngôn, hoàng thượng nhất định không được nuốt lời.

***

Mờ sáng ngày hai mươi tám tháng bảy, năm Quang Nhật thứ mười một, hoàng cung Bách Phượng hân hoan đón mừng thọ yến lần thứ năm mươi tư của Huệ Từ thái hậu.

Tháng trước, Khâm Thiên Giám bẩm báo rằng thiên tượng dịch chuyển bất thường, sợ sẽ gây bất lợi cho phượng thể của thái hậu nương nương. Quốc sư Lưu Thiên cho rằng thái hậu phúc trạch sâu dày, không việc gì phải quá lo âu, chỉ cần thọ yến lần này tổ chức thật trang trọng, vui tươi, dùng phúc khí đẩy lùi tai ương là được. Cũng vì lẽ ấy mà dù chưa hết hạn cấm túc, Triệu Lam Kiều vẫn được đặc cách cho phép đến tham dự thọ yến.

Hoàng đế hết mực hiếu kính với thái hậu, vậy nên thọ yến năm nay xa hoa không sao kể xiết, các vị trọng thần cùng nữ quyến đều được mời tham dự.

Chưa đến giờ Tuất, điện Triều Minh đã muốn kín người.

Lúc này, hoàng hậu không còn, việc sắp xếp chỗ ngồi cũng vì vậy mà có chút thay đổi nhỏ. Vị trí tôn quý nhất đương nhiên là của hoàng đế và thái hậu. Ta ngồi phía bên trái hoàng đế, còn ghế đối diện ta, ngay cạnh thái hậu là của Triệu Lam Kiều. Chúng phi dựa theo phân vị mà chia thành mấy hàng ngồi dọc hai bên điện. Phía dưới, triều thần cũng theo cấp bậc mà phân chia chỗ ngồi.

Mọi người ai nấy đều mặc lễ phục chỉnh tề, cùng nhau nói cười rôm rả.

Chúng ta tán chuyện, thưởng trà được chừng nửa canh giờ thì thái hậu mới được hoàng đế đón đến nơi.

Thời gian gần đây, bệnh tình của thái hậu không ổn định, có đôi khi trở nặng đến mức không xuống nổi giường. Son phấn hoa lệ cùng với triều phục uy nghi cũng không che lấp được dáng vẻ hốc hác, tiều tụy của bà.

Yến tiệc diễn ra đúng như quy củ. Sau phần chúc thọ của phi tần và bá quan văn võ là một màn ca kịch. Nghe nói, hoàng đế vì muốn làm đẹp lòng thái hậu nên đã lệnh cho phường múa Quán Ca danh tiếng nhất kinh thành tích cực luyện tập một vở kịch tên gọi Phượng Lâm suốt mấy tháng ròng. Để mang lại bầu không khí mới mẻ, màn ca kịch này cũng độc đáo hơn hẳn thường khi: các ca cơ không vẽ mặt mà mỗi người mang một chiếc mặt nạ được tô vẽ vô cùng tinh xảo.

Mở đầu vở kịch là cảnh vườn đào, quân vương lần đầu diện kiến Mộc Lan thị, thiên hạ đệ nhất mỹ nhân. Quân vương hát rất nhiều lời ca ngợi mỹ mạo của Mộc Lan, cùng nàng thề non hẹn biển. Mộc Lan ngược lại rất kiệm lời, thỉnh thoảng mới cất đôi câu ca ngắn ngủi - nhưng điệu múa thanh thoát như chim hồng khiến nàng có sức lôi cuốn kỳ lạ, không hề bị người kép hát vai quân vương lấn lướt.

Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Tiếp theo đương nhiên là cảnh quân vương rước Mộc Lan thị hồi cung, ân sủng vô hạn. Mộc Lan hiền lương thục đức, không chỉ quân vương mà tất thảy mọi người đều đem lòng yêu mến, kính trọng nàng.

Ta ít khi xem kịch nên không rành rẽ lắm, chỉ nhớ mang máng ngày xưa ở Tùy Khâu, phụ hoàng cũng thường cho diễn những vở kịch tương tự để làm gương cho hậu cung. Thể loại kịch này, có lẽ ai cũng từng xem ít nhất vài lần.

Trên đài ca múa mê say, dưới đài quan khách người người ngán ngẩm, nhưng có lẽ sợ bị khép tội phạm thượng nên chẳng ai dám ho he gì. Xa xa, có vị đại thần còn lén lút che miệng ngáp dài một cái. Ngay cả kẻ giỏi giả vờ như Triệu Lam Kiều cũng phải kín đáo sửa tướng ngồi mấy lượt, đủ thấy nàng ta cũng phát ngấy rồi.

Ta quan sát mọi người một lượt rồi mới nhìn sang thái hậu, thấy bà vẫn chăm chú xem kịch nhưng ánh mắt lại hết sức lạnh lùng, phượng nhan như bị mây đen che phủ, không thể đoán được là đang nghĩ gì. Ta hết nhìn thái hậu lại nhìn đến một bàn cao lương mỹ vị còn đầy ắp trước mặt hoàng đế và thái hậu, lòng chợt dâng lên dự cảm chẳng lành. Từ lúc nhập tiệc đến nay đã hơn một canh giờ, nhưng cả hoàng đế lẫn thái hậu đều chưa hề động đũa. Ngay cả rượu cũng chẳng thấy vơi đi.

Đương lúc ta đang suy nghĩ vẩn vơ thì trong điện chợt vang lên một tiếng thét kinh hoàng cùng nhiều tiếng xì xầm kinh hãi, tất thảy người trong điện đồng loạt hướng về phía sân khấu, ai nấy đều như nhìn thấy quỷ.

Ta vội ngoảnh lại trông theo, hơi thở như bị bóp nghẹt trong lồng ngực.

[Cung đấu] Thâm CungNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ