Cái chết của Orphê

Bắt đầu từ đầu
                                    

Dòng sông Hêbrôx đưa cây đàn vàng và chiếc đầu của Orphê đi ra biển cả. Hòn đảo Lexbôx(2) đón lấy chiếc đầu của Orphê và cây đàn. Từ đó, tiếng đàn ca lại vang lên trên hòn đảo này. Thần Apôlông xin với thần Dớt cho phép cây đàn vàng được bay lên trời cao sống giữa các chòm sao(3). Còn những nàng Muydơ đi thu thập thi hài của người danh ca vĩ đại và làm lễ an táng cho chàng dưới chân núi Ôlanhpơ.
[(2) Lesbos một hòn đảo ở ven biển Tiểu Á, ngày nay là Mytilène.
(3) Chòm sao Lyre ở giữa chòm sao Véga.]
Linh hồn Orphê về dưới âm phủ. Chàng gặp lại người vợ yêu dấu thân thiết của mình. Họ chẳng bao giờ xa lìa nhau nữa. Và từ nay trở đi, Orphê có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt dịu hiền và xinh đẹp của vợ mình mà không một lần nào phải hối hận. Hơn nữa, họ cũng chẳng bao giờ phải chịu cái cảnh kẻ đi trước, người theo sau! Và Orphê cũng chẳng bao giờ phải lo âu về nỗi không biết Ơriđix có đi theo kịp mình không.

Có truyền thuyết kể, Orphê bị chết không phải vì tội đã "căm ghét" phụ nữ, khước từ những tình cảm của họ mà và vì đã khước từ lời mời tham dự nghi lễ Orgi của những người Băccăng, Mênađ, một nghi lễ tôn giáo cuồng loạn, phóng túng, buông thả trong Hội Điônidôx. Một nguồn khác kể, Orphê bị Điônidôx trừng phạt vì tội đã tận tụy thờ thần Apôlông, do đó gây nên sự coi thường việc thờ cúng Điônidôx. Nhìn chung, dù Orphê bị những Băccăng, Mênađ giết hay bị Điônidôx giết, đều cho ta thấy có sự ''cạnh tranh'' giữa sự thờ cúng hai vị thần Apôlông và Điônidôx.

Huyền thoại Orphê là một trong những huyền thoại được lưu truyền phổ biến nhất trong thế giới cổ đại. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được khá nhiều bức vẽ trên tường (fresque) những bình vại có vẽ tích chuyện Orphê. Ở những hầm mộ ta thấy vẽ Orphê ngồi gẫy đàn, xung quanh là ác thú vật ngồi ngoan ngoãn, hiền lành chăm chú lắng nghe. Thiên Chúa giáo sơ kỳ trong những thế kỷ đầu sau công nguyên, coi Orphê là người sáng tạo ra thế giới, là người báo trước sự xuất hiện nhà tiên tri của Kinh Cựu ước.

Ngày nay, trong văn học thế giới, Orphê là biểu trưng cho người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng, xuất sắc, là đồng nghĩa với người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng. Người ta lấy tên Orphê để đặt cho một cuộc thi ca nhạc nào đó và đặt giải thưởng mang tên Orphê.
***
Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có khá nhiều chuyện về âm nhạc. Chắc chắn rằng, những huyền thoại về sức mạnh của âm nhạc, tài năng âm nhạc của thần thánh hoặc con người chỉ có thể ra đời vào một thời kỳ muộn hơn ít nhất cũng từ chế độ thị tộc phụ quyền. Thật ra thì chỉ vào thời kỳ chế độ thị tộc phụ quyền mới xuất hiện khá phong phú loại thần thoại anh hùng. Nhân vật anh hùng là những dũng sĩ đã giết quái vật, trừng trị bạo chúa, phò nguy cứu khốn. Nhưng nhân vật anh hùng còn là người thợ giỏi, người nghệ sĩ, phản ánh trình độ phân công trong xã hội và trình độ văn minh đã phát triển. Có ba câu chuyện về âm nhạc khiến chúng ta không thể không chú ý:

1. Truyện Marxiax thách thức thần Apôlông thi tài âm nhạc, kết quả Apôlông thắng, lột da Marxiax để trừng trị về tội phạm thượng.

2. Truyện thần Păng mời Apôlông thi tài âm nhạc, kết quả Apôlông thắng, kéo tai vị giám khảo "đức vua" Miđax dài ra thành đôi tai lửa.

3. Truyện Orphê, người ca sĩ danh tiếng.

Ở hai truyện đầu, trong hai cuộc thi tài âm nhạc, vua Miđax đều được mời làm một thành viên trong ban giám khảo. Và cả hai truyện đó, Miđax đều đã không "bỏ phiếu" cho Apôlông. Và, ở hai cuộc thi đó, Apôlông đều giành giải nhất song đều nổi giận và giáng đòn trừng phạt. Lần thứ nhất, Apôlông trừng phạt kẻ thua cuộc theo một cam kết trước giữa hai đối thủ: kẻ thua phải nộp mình cho người chiến thắng. Thần không hề tức giận vì giám khảo Miđax mà chỉ tức giận tên Marxiax đã thách thức thần đua tài. Lần thứ hai, Apôlông lại không trừng phạt thần Păng, kẻ dã thách thức mình đua tài mà trừng phạt vị giám khảo Miđax. Đòn trừng phạt cũng khác. Lần đầu thật tàn ác, khủng khiếp. Lần sau thật nhẹ nhàng và chẳng có gì đau đớn... Nhưng xét kỹ ra thì "đau" vô cùng. Ta có thể phỏng đoán rằng truyện đầu ra đời vào một thời kỳ sớm hơn, vào lúc các vị thần còn tràn đầy "thói tự ái" kiêu căng, chưa quen với việc hạ mình đua tài với một đối thủ không đứng trong hàng ngũ các vị thần. Còn truyện sau hẳn rằng phải ra dời vào một thời kỳ muộn hơn. Chắc chắn rằng xã hội phải đã phát triển đến một trình độ như thế nào đó những cuộc đua tài trong các hội hè phải phát triển phong phú đến mức độ như thế nào đó thì mới xuất hiện "vấn đề giám khảo", thì mới xuất hiện nỗi bực tức, giận dữ đối với một vị giám khảo ngu dốt. Mặc dù Apôlông vẫn thắng trong cuộc thi, mặc dù quyết định của vị giám khảo Miđax chẳng mảy may có một chút ảnh hưởng gì đến ngôi thứ, vị trí.của Apôlông trong cuộc thi nhưng Apôlông vẫn cứ tức giận, vẫn cứ nổi cơn thịnh nộ. Đã giành được giải nhất rồi thì vui mừng, phấn khởi và yên tâm ra về chứ còn bực tức mà làm gì? Mà thử hỏi bực tức vì cái nỗi gì cơ chứ? Phải chăng đây là thói quen hống hách của các vị thần? Không đâu! Đó là một sự phẫn nộ chính đáng, một sự bực tức rất đáng quý mà loài người chúng ta phải biết ơn Apôlông và chúng ta có thể và cần phải biết bực tức và có nỗi bực tức như Apôlông. Giành được giải nhất rồi mà Apôlông vẫn bực tức. Bực tức vì nỗi không hiểu vì sao có một vị vua ngu dốt đến như thế mà lại làm giám khảo, mà dám làm giám khảo! Hoặc ngược lại, không hiểu vì sao mà lại có một vị giám khảo ngu dốt đến thế? Phải trừng trị cái sự ngu dốt của vị giám khảo này. Nhưng cách trừng trị lần này không dã man như lần trước. Lần này Apôlông trừng trị một cách văn minh hơn: kéo tai vị giám khảo ngu dốt - nhà vua Miđax thành đôi tai lừa. Sự ngu dốt đã bị kết án. Sự ngu dốt đã bị thích chàm vào mặt, đóng một cái dấu chích vào trán. Hiển nhiên ý thức xã hội phải phát triển đến một trình độ như thế nào đó mới có thể nảy sinh ra một câu chuyện lý thú đến như thế, sâu sắc đến như thế. Và ý thức của con người cũng phải đã trưởng thành đến một trình độ như thế nào đó mới có thể có cái tâm lý như vua Miđax: xấu hổ về đôi tai lừa của mình, muốn che giấu đôi tai lừa tức sự ngu dốt của mình. Nhưng người xưa không nhân nhượng với sự ngu dốt. Vì thế sự che giấu của Miđax hoàn toàn thất bại, hoàn toàn vô ích. Cấm gì thì cấm, che giấu gì thì che giấu chứ cấm sao được miệng thế gian, che giấu sao được miệng thế gian. Bác thợ cạo phải nói ra bằng được cái sự thật: vua Miđax có đôi tai lừa, thì mới khỏi ấm ức, bứt rứt trong lòng. Còn nhân dân thì bao giờ cũng là sức mạnh của sự thật. Nhân dân vẫn kháo chuyện "... Vua Miđax, có đôi tai lừa!...", "... Vua Miđax có đôi tai lừa!", "... Vua Miđax chỉ được mỗi cái làm vua chứ còn dốt ơi là dốt, chỉ được mỗi cái giàu chứ còn ngu ơi là ngu, ngu như lừa...". Một câu chuyện huyền thoại, vô lý nhưng mà dễ sợ thật, đáng giật mình thật. Vì lẽ đó chúng ta càng hiểu được vì sao C.Mác gọi sự ngu dốt là một "sức mạnh ma quỷ", và ông đã chỉ ra cho chúng ta thấy một sự thật đơn giản: đối với lỗ tai không thích âm nhạc thì âm nhạc hay nhất cũng không nghĩa gì cả.." " .. Nếu anh muốn hưởng thụ nghệ thuật thì anh phải là con người được huấn luyện về nghệ thuật...".

Thần thoại Hy LạpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ