Những gì đã xảy ra trong chín năm giao tranh

262 0 0
                                    

Theo quyết định của Số Mệnh và thần thánh, quân Hy Lạp phải chiến đấu mười năm mới hạ được thành Tơroa. Những người Hy Lạp biết rõ điều đó. Nhưng họ không vì thế mà nản lòng, không vì thế mà ngồi chờ cho đến năm thứ mười mới tung quân vào đánh những trận quyết liệt. Ngược lại, ngay từ đầu họ đã lao vào những trận đánh lớn dường như chẳng quan tâm gì đến lời phán truyền của Số Mệnh và thần thánh. Dường như họ muốn và có hy vọng có thể kết thúc cuộc tiến công của họ trước, sớm hơn điều tiền định của thần thánh.

Đoàn thuyền Hy Lạp cập bờ biển Tơroa, dàn hàng ngang và chuẩn bị đổ bộ, nhưng họ đã thấy trên bờ biển, quân Tơroa đông nghịt cũng đã dàn ra không rõ từ bao giờ, sẵn sàng nghênh chiến. Cầm đầu đạo quân Tơroa đông đảo là dũng tướng Hector luyện thuần chiến mã, con của vua Priam giàu có. Quân Hy Lạp do dự hồi lâu rồi sau mới quyết định tiến công. Mặc dù có một lời phán truyền của Số Mệnh rằng, người Hy Lạp nào đặt chân đầu tiên lên đất Tơroa sẽ bị chết, nhưng các dũng tướng Hy Lạp không vì thế mà chùn bước. Uylix vứt tấm khiên của mình lên bờ và chàng thoắt một cái nhảy vọt lên, chân đặt lên tấm khiên rồi sau đó mới bước xuống đất để lao vào cuộc giao tranh. Làm như thế chàng sẽ chẳng phải là người hy sinh đầu tiên mà vẫn là vị tướng dũng cảm xông lên hàng đầu để lôi kéo binh sĩ. Cùng lúc với Uylix nhảy lên bờ là tướng Prôtêdilax (Protésilas). Chàng cầm đầu một vương quốc ở xứ Texxali, đưa đạo quân đông đảo thiện chiến của mình cùng với 40 chiến thuyền tham dự cuộc viễn chinh. Nhìn thấy Uylix vứt tấm khiên lên bờ, Prôtêdilax bèn chờ Uylix nhảy là mình nhảy tiếp theo, như vậy mình chẳng phải là người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Tơroa. Song Prôtêdilax hiểu sao được đầu óc tinh khôn của người anh hùng này. Và tuy nhảy sau Uylix nhưng chàng vẫn là người đầu tiên đặt chân lăn đất Tơroa. Chàng vung gươm giương khiên lao vào giao đấu với Hector. Người anh hùng con của vua Priam giàu có, bình tĩnh nhằm chàng dũng sĩ đang chạy tới trước mặt mình, phóng đi một ngọn lao ác hiểm. Mũi lao bay đi xuyên qua tấm khiên dày chắn trước ngực, cắm sâu vào trái tim người anh hùng Hy Lạp. Thế là linh hồn Prôtêdilax vĩnh viễn ra đi. Cuộc hỗn chiến bạo tàn mở đầu bằng cái chết của Prôtêdilax bắt đầu. Sau một ngày giao tranh đẫm máu, quân hai bên xác chết đầy đồng. Chiều đến quân Tơroa lui về cố thủ sau những bức tường kiên cố. Sáng hôm sau hai bên thỏa thuận ngừng chiến để thu nhặt các tử sĩ và làm lễ an táng. Những ngày tiếp sau, quân Tơroa vẫn cố thủ trong thành, còn quân Hy Lạp thì bắt đầu công việc xây dựng chiến lũy. Họ kéo tất cả những chiến thuyền lên bờ để tập trung lại thành một dãy dài rồi đắp một bức tường cao che chắn lại. Trước bức tường và một con hào sâu và rộng. Doanh trại của quân Hy Lạp đóng dài từ đầu đến cuối bức tường. Lều của chủ tướng Agamemnông nằm ở quãng giữa. Khi xây dựng thành lũy và sắp đặt việc canh gác, phòng thủ đã xong, quân Hy Lạp bèn cử một phái đoàn do tướng Mênêlax và Uylix vào thành Tơroa thương thuyết. Lão tướng Ăngtênor (Anténor), anh rể của vua Priam tiếp đãi đoàn sứ giả Hy Lạp rất trọng thể. Ông là người có thiện chí và rất mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng thương lượng. Vua Priam được tin có đoàn sứ giả Hy Lạp đến liền cho lệnh triệu tập ngay Đại hội Nhân dân để cho mọi người được công khai biết rõ mọi sự việc và bày tỏ thái độ. Những người Tơroa mời Mênêlax và Uylix tới dự và trình bày chủ kiến. Mênêlax lên tiếng trước. Chàng nói ngắn gọn, bày tỏ ý muốn người Tơroa giao trả lại cho mình nàng Hêlen cùng với những của cải mà họ đã cướp đi. Tiếp đến Uylix. Với tài nói hùng hồn, uyển chuyển, hấp dẫn, chàng thuyết phục người Tơroa nên giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng của Mênêlax, như vậy tránh cho con dân hai bên khỏi đổ máu mà lại mở ra mối bang giao hòa hiếu sau này. Những người Tơroa nghe Uylix nói như uống từng lời. Người ta bảo, không phải Uylix nói mà là chàng đang rất mật ong vàng pha với rượu vang mời mọi người cùng thưởng thức. Lão tướng Ăngtênor cũng đứng lên thuyết phục nhân dân nên chấp nhận những đòi hỏi khiêm tốn của quân Hy Lạp. Nhưng ngược lại, những người con trai của vua Priam không muốn thế. Người chống lại quyết liệt nhất là Parix. Chàng coi Hêlen là báu vật mà nữ thần Tình yêu và Sắc Đẹp Aphrôđitơ ban cho mình. Chẳng nhẽ chàng lại bị cướp không tặng vật thiêng liêng mà chàng đã được trả công xứng đáng trong cuộc phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng. Tặng người đẹp nhất? Parix lôi kéo được một số anh em tán thưởng với mình, thậm chí Angtimác (Antimaque), một người em của Parix, lại đưa ra những đòi hỏi quá khích. Y kêu gào mọi người phải bắt ngay Mênêlax và Uylix đưa ra xử tội trước Đại hội Nhân dân. Nhưng vua Priam và dũng tướng Hector đứng lên phản đối. Một hành động quá khích như vậy là vi phạm vào những đạo luật thiêng liêng che chở cho những sứ giả, đạo luật do thần Dớt ban bố. Hội nghị Nhân dân nghe rất nhiều ý kiến trái ngược nhau nên chưa thể quyết định theo một ý kiến nào. Đang lúc nhân dân còn chưa định liệu được thái độ của mình thì Hêlênôx (Hélénos) em của Parix, đứng lên hô hào những người Tơroa hãy tiếp tục cuộc chiến tranh. Hêlênôx cất tiếng dõng dạc, bừng bừng nhiệt tình nói những lời lẽ như sau:

Thần thoại Hy LạpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ