PHÁC HỌA CHÂN DUNG BA NGƯỜI BẠN - TIM ĐO-LING - Phạm Việt long - 23

18 2 0
                                    


Tim Đô-ling có thân hình cao dong dỏng, mềm mại, bước đi nhẹ nhàng, thể hiện một phong cách kín đáo và tế nhị. Là người Anh, có vợ người Việt, lại làm cho quỹ FORD của Mỹ, Tim Đô-ling nói tiếng Việt rất sõi và có vốn hiểu biết khá rộng về văn hoá của cả ba nước. Anh là người chủ chốt hướng dẫn đoàn chúng tôi trong chuyến khảo sát văn hoá trên đất Hoa Kỳ này.

Ngay khi gặp nhau ở sân bay Ken nơ đi lúc các bạn trong quỹ FORD ra đón chúng tôi, Tim Đô-ling đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng tôi nối nhịp cầu hữu nghị với các bạn Mỹ, bởi anh biết tiếng Việt. Mọi thứ cần biết về nước Mỹ, về quỹ FORD hay về những người bạn mới, chúng tôi đều có thể hỏi trực tiếp anh mà khỏi qua người phiên dịch. Những lúc trước đám đông ồn ào mà chúng tôi cần trao đổi với anh, anh hay ghé mái tóc mềm mại mầu tro và gương mặt thanh tú sát chúng tôi để nghe cho rõ và để nói thì thầm đủ cho chúng tôi nghe, không ảnh hưởng đến người khác. Anh lặng lẽ làm những công việc của mình, mà qua những ngày cùng đi trên đất Mỹ với anh, tôi hiểu đó là việc tổ chức cho chúng tôi tiếp xúc với những tổ chức văn hoá hay những người hoạt động văn hoá ở Mỹ, dịch tài liệu cho chúng tôi... 

Chính nhờ sự chu đáo, khoa học, cũng như cách đặt vấn đề sát hợp của anh, mà các buổi làm việc của chúng tôi đều được thực hiện chính xác theo lịch với chất lượng cao. Đến đâu, chúng tôi cũng được những người có trách nhiệm chính trong tổ chức đón tiếp, thuyết trình cặn kẽ, cung cấp đầy đủ tài liệu. Hôm mới sang Mỹ, trên ô tô, Tim Đô-ling nói rằng lịch làm việc có thay đổi chút ít, Ban Tổ chức sẽ có văn bản sau. Vậy mà sáng hôm sau, tôi đã thấy người ta đưa đến cho mỗi người trong đoàn một tập giấy 8 trang đánh máy vi tính tiếng Việt ghi lịch làm việc từng ngày. Trong điều kiện xa Việt Nam, văn bản tiếng Việt được làm nhanh và được gửi đến chu đáo như thế, chỉ có anh Tim mới làm được mà thôi. Xem văn phong của các bản dịch tài liệu sang tiếng Việt mà Ban Tổ chức cấp, tôi hiểu ngay đó là do người nước ngoài "dịch ngược", đó là lối hành văn rất chuẩn xác nhưng hơi cứng. Tôi đã đi nước ngoài nhiều lần, nhưng chưa lần nào được cung cấp tài liệu đầy đủ và chu đáo như thế. Bên cạnh những tài kiệu giới thiệu về bối cảnh nước Mỹ, văn hoá Mỹ cũng như những tổ chức mà chúng tôi sẽ đến làm việc, còn có danh mục những số điện thoại, địa chỉ để liên lạc, các số máy khẩn cấp ở Niu-Yoóc, Oa-sinh-tơn, của bản thân anh Tim và từng thành viên trong Ban tổ chức, của khách sạn mà chúng tôi ở. Nhờ sự chu đáo, tận tâm của anh Tim và các bạn trong Ban Tổ chức, tôi đã thu nhận được khối lượng thông tin kha khá phục vụ cho công tác quản lý của mình, cũng như để bổ sung cho nội dung cuốn sách này. Những công việc mà anh Tim làm với trách nhiệm cao ấy thường ở hậu trường, âm thầm nhưng mang tính quyết định tới thành bại của chuyến đi. Còn trước cử tọa, rất ít khi anh phát ngôn. Tôi đã thấy nhiều lần người phiên dịch dịch chưa đủ ý, anh kín đáo nhắc khẽ để cô dịch bổ sung. Có khi, hình như băn khoăn trước một từ, một câu dịch chưa chính xác mà mình cũng chưa dịch được, anh Tim lặng lẽ giở Từ điển ra tra cứu, sau đó khẽ khàng đưa cho cô phiên dịch tham khảo. Trong các buổi làm việc, anh Tim bận rộn với việc ghi chép, ghi hình, chụp ảnh hoạt động của đoàn, có lẽ đó là trách nhiệm của anh, trách nhiệm xây dựng một bộ tư liệu đầy đủ về chuyến khảo sát Hoa Kỳ do quỹ FORD tài trợ. Quan sát hoạt động của Tim Đô-ling, tôi nghĩ đến một câu nói mà người Việt chúng ta hay đem ra đùa: "Phớt Ăng lê!", nếu hiểu câu này có nghĩa là người Anh phớt lờ mọi chuyện thì không đúng, nhưng nếu hiểu đó là cách làm việc âm thầm và tỉnh táo, thì hoàn toàn phù hợp với "phong cách Anh" của Tim Đô-ling.

Thấy người châu Âu hay châu Mỹ rất ít đi lại bằng máy bay thời gian này, mà anh Tim thì phải đi lại như mắc cửi quanh cái trục Việt Nam - Anh - Mỹ, tôi hỏi anh có ngại không? Tim Đô-ling cười mỉm với đôi môi mỏng cương nghị và trả lời nhẹ nhàng: "Công việc mà!"

Sau chuyến đi với chúng tôi, Tim Đô-ling sẽ bay về Anh thăm mẹ, rồi trở lại Việt Nam với công việc của quỹ FORD và chăm nom người vợ trẻ của anh - anh chị sắp có cháu bé! Chúc đứa con đầu lòng mang giòng máu hai dân tộc của anh chị được mạnh khoẻ và lớn lên trở thành công dân tốt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

DU KHẢO HOA KỲ SAU THẢM HỌA 11 THÁNG 9 - Phạm Việt LongWhere stories live. Discover now