NGƯỜI MỸ: SIÊU DẲNG VỀ THÔNG TIN/TRUYỀN THÔNG (2)- Phạm Việt Long - 20

22 3 0
                                    


Tiếp đó, giáo sư Đan Mác-tin trình bầy một loạt vấn đề liên quan đến việc xây dựng và phát triển trang web, trong đó tập trung vào quá trình lập kế hoạch.

Cuối buổi, giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói nửa đùa nửa thật:

- Muốn tìm thông tin về một nước nào đó thì hãy vào trang web của CIA - đó là trang phong phú nhất. Bây giờ CIA đang có nhu cầu tuyển mộ lính mới, nhất là những người biết tiếng Arập (mọi người đều cười). Tôi có nói chuyện với một thương gia người Trung Quốc, ông này tỏ ý băn khoăn về nạn chảy máu chất xám – những người có trình độ của Trung Quốc đều bị thu hút về Mỹ. Một trong những lý do của việc này là vì ở Trung Quốc họ không truy cập được In-tơ-nét – không tiến bộ được.

Không biết rằng thông tin do giáo sư Mác-tin Su-lơ-man thu nhận được từ nguồn nào, chứ theo thông tin tôi có, thì Trung Quốc phát triển khá mạnh In-tơ-nét, có dạo đã bùng nổ các quán cà phê In-tơ-nét, chứ làm gì có chuyện một trí thức không thể truy cập In-tơ-nét để đến nỗi phải chạy sang Mỹ?

Cũng không hiểu từ nguồn thông tin nào, mà giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói: "Việt Nam cũng thấy khi dùng In-tơ-nét sẽ có nhiều nguy cơ. Tôi không nói đến việc có nguy hiểm hay không khi dùng In-tơ-nét, mà nói đến việc hiểu nhau. Hãy nghĩ đến mặt trái nếu không dùng In-tơ-nét, và người Việt Nam phải quyết định cho mình chứ không phải người khác quyết định." Tôi rất quý giáo sư Mác-tin Su-lơ-man bởi tính chân thực và nhiệt tình của ông, nhưng cũng thấy băn khoăn về việc những thông tin về Việt Nam đến với ông thường không toàn diện, khiến ông có thể hiểu sai một đất nước mà ông đã hai lần đặt chân đến. Tôi phải giải thích với giáo sư rằng Việt Nam có cảnh báo về những nguy cơ khi không quản lý tốt In-tơ-nét, nhưng về cơ bản, thì Việt Nam khẳng định In-tơ-nét là công cụ hữu hiệu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cần phát triển, và thực tế Nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp phát triển In-tơ-nét. Nhân đó, tôi thông báo với các bạn Mỹ rằng vào buổi sáng ngày 12 tháng 10, trước khi lên máy bay bay sang Hoa Kỳ mấy tiếng đồng hồ, tôi đã dự buổi hội thảo qua cầu truyền hình Việt - Mỹ về thương mại điện tử. Trong buổi hội thảo này, từ Oa-sinh-tơn, ông Giám đốc Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có nhận thức đúng đắn về thương mại điện tử và đã có biện pháp xúc tiến nó, Chính phủ Việt Nam vừa thấy lợi ích của nó, vừa thấy những nguy cơ mà nó có thể đem lại; nhìn chung, so với 51 nước mà ông giám đốc Ngân hàng Thế giới đã tiếp xúc, thì Chính phủ Việt Nam tích cực hơn trong kế hoạch xúc tiến thương mại điện tử. Như thế chứng tỏ Việt Nam không bài xích In-tơ-nét, mà ngược lại, đang chủ động nắm bắt, làm chủ nó, đưa nó vào cuộc sống. Các bạn Mỹ đều tỏ ra ngạc nhiên về thông tin này. Rõ ràng là giáo sư Su-lơ-man rất đúng khi nói rằng mọi người cần hiểu nhau.

Nhìn chung, xuyên qua những vấn đề có tính lý thuyết và kỹ thuật trong các buổi thảo luận về thông tin/truyền thông, về In-tơ-nét, điều mà chúng tôi thấm thía là cần nhanh chóng sử dụng công nghệ thông tin, In-tơ-nét phục vụ hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh vai trò của thông tin trong việc tuyên truyền, đưa văn hoá, nghệ thuật đến với công chúng. Nói cho khách quan, thì đó là điều còn khá xa lạ đối với những người quản lý các đơn vị nghệ thuật ở nước ta, tất nhiên, họ không bài xích nó, nhưng họ chưa có đủ hiểu biết và khả năng làm chủ nó.

DU KHẢO HOA KỲ SAU THẢM HỌA 11 THÁNG 9 - Phạm Việt LongWhere stories live. Discover now