NGƯỜI MỸ: SIÊU ĐẲNG VỀ KIẾM TIỀN - Phạm Việt Long - 18

29 2 0
                                    


Vào một ngày chủ nhật, chúng tôi đi thăm phố phường, vào các cửa hàng. Ai ra nước ngoài cũng có cái thú đi ngắm nghía các cửa hàng, mua sắm quà cáp. Người nước ngoài cũng vậy, khi đến Việt Nam, thế nào các bạn cũng dành thời gian đi "sốp pinh". 

Có dịp dự một hội nghị ở Phi-lip-pin, tôi cũng thấy những đại biểu của các nước có nền kinh tế phát triển như Singapo, Brunây luôn luôn tỏ ra thú vị khi rủ nhau đi "sốp pinh", nhưng hầu như chẳng mua gì. 

Có lẽ, bây giờ đi siêu thị không còn đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế nữa, mà đã mang ý nghĩa văn hoá. Bởi vì người ta đi xem là chính, như là đi xem triển lãm về một nền kinh tế vậy. Chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc trước thành quả của sự đổi mới trên đất nước ta, nó in bóng cả vào hành động của những người Việt Nam chúng ta khi đi nước ngoài. Thời bao cấp, đi nước nào cũng xăng xái mua sắm hàng tiêu dùng, khệ nệ khuân vác đến bệ rạc, còn bây giờ thì tay đút túi quần, đi để nhìn ngó cho vui mắt là chính, có mua sắm cũng chỉ quanh quẩn mấy thứ hàng lưu niệm hoặc đồ dùng cao cấp. 

Một điểm đáng chú ý là nước Mỹ cũng nhập khẩu khá nhiều, trong đó nhiều nhất là hàng hoá của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ đồ điện tử, quang học tới hàng đệt may. Hàng của Trung Quốc có giá thấp hẳn so với giá các mặt hàng cùng loại của Mỹ, và chất lượng tốt hơn hàng nhập vào Việt Nam. Có lẽ Trung Quốc là nước "thống soái" về chiếm lĩnh thị trường hàng nhập khẩu ở Mỹ. Đi đâu, vào cửa hàng nào cũng thấy hàng Trung Quốc, nào là quần áo, dày dép, túi xách, đồng hồ, nào là xoong nồi, dao thớt... Người Trung Quốc đã tạo nên cả một khu phố buôn bán nổi tiếng ở Niu-Yoóc có tên là Chinathao mà tại đó hầu hết là hàng quán, hàng hoá của Trung Quốc, do người Trung Quốc quản lý. Hàng năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ đôi giày dép các loại, trong số đó hàng Trung Quốc chiếm từ 60 đến 70%. Riêng hàng may mặc, Mỹ nhập khẩu khoảng 50% cho nhu cầu trong nước, thì Trung Quốc chiếm 80% số hàng đó. Ông bố cậu Vinh, một Việt kiều sang đây từ năm 1983 mà chúng tôi tới thăm nhà, cho chúng tôi biết nhờ có hàng hoá Trung Quốc mà hàng hoá nói chung bên Mỹ giảm giá hẳn đi, rất có lợi cho người tiêu dùng. Nhiều hãng sản xuất của Mỹ như RCA, APEX (sản xuất hàng điện tử) cũng thực hiện phương thức đầu tư sản xuất hàng hoá tại Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp, rồi nhập về bán tại thị trường trong nước với giá rất dễ chịu. Có điều, người Mỹ khá rành mạch, hàng nước nào ghi nhãn nước ấy, không lập lờ đánh lận con đen như một số nhà kinh doanh ở ta. 

Riêng hàng của Việt Nam thì chúng tôi thấy hầu như chẳng có gì, ngoài việc nghe nói có cá tra, có tôm chua. Mà việc nhập hàng vào nước Mỹ không dược tự do, nếu mặt hàng nào có sức cạnh tranh lớn, có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ, mặt hàng ấy lập tức bị các giới hữu trách Mỹ ngăn chặn. Tiêu biểu là loại cá tra, cá ba sa của nước ta. Trong một bữa ăn, khi dùng đến món cá tra, Vinh nói rằng vừa rồi Hiệp định Thương mại Việt Mỹ bị chậm thông qua cũng bởi các cuộc tranh luận trong Quốc hội Mỹ về việc nhập cá của Việt Nam vào Mỹ. Do chất lượng tốt, giá thành hạ, cá tra, ba sa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh khá lớn đối với loại cá nheo mà người Mỹ nuôi thả. Sau đó, do những lợi ích khác, Mỹ đã thông qua Hiệp định Thương mại với Việt Nam. Thế nhưng, vào ngày 4 tháng 10 năm 2001, Hạ viện Mỹ lại thông qua dự luật HR 2964 không cho phép bất cứ loài cá nào không thuộc họ cá nheo Mỹ Ictaluridae (họ cá được nuôi phổ biến tại Mỹ) được mang tên thương mại là cá "catfish". Tiếp theo đó, ngày 25 tháng 10 năm 2001, Thượng viện Mỹ lại thông qua dự luật HR 2330 về phân bố ngân sách cho khu vực nông nghiệp năm 2.002, trong đó có điều khoản sửa đổi số SA 2.000 với nội dung "Không cho phép Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm sử dụng bất kỳ khoản ngân sách nào vào việc cho phép nhập khẩu cá hoặc sản phẩm cá có tên "catfish", trừ các sản phẩm cá thuộc họ Ictaluridae". Hai việc làm nói trên hoàn toàn sai trái, nhằm mục đích tạo thế độc quyền cho ngành sản xuất cá nheo của Mỹ, hoàn toàn đi ngược tinh thần Hiệp định Thương mại Việt Mỹ. Nói một cách nôm na, thì Mỹ đã loại cá ba sa, cá tra của Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật. Đã vậy, giới chủ các trại cá Mỹ còn bỏ ra nhiều tiền và công sức phối hợp với giới truyền thông mở các đợt công kích vào cá ba sa, cá tra Việt Nam, trong đó có một luận điệu cực kỳ nguy hiểm là loại cá này sống trong môi trường bị nhiễm chất độc da cam của Mỹ thời kỳ chiến tranh! Mà thực tế, cá của Việt Nam được nuôi thả trong môi trường hoàn toàn trong lành, đã được các tổ chức về vệ sinh thực phẩm quốc tế công nhận. 

DU KHẢO HOA KỲ SAU THẢM HỌA 11 THÁNG 9 - Phạm Việt LongWhere stories live. Discover now