TRUNG TÂM QUỸ - Phạm Việt Long - (Tiếp 6)

27 4 0
                                    


Tiếp chúng tôi tại Trung tâm quỹ là một người đàn ông dáng vóc xương xương, đeo kính cận, vẻ hoạt bát. Đó là thủ thư cao cấp Bruc-Gum. Nhanh chóng vào việc, anh bật máy vi tính, truy cập mạng và hướng dẫn chúng tôi về website của Trung tâm đang hiện trên màn hình lớn phía trước chúng tôi. Trang web này giới thiệu chi tiết về Trung tâm, hoạt động của nó và về những quỹ hỗ trợ nghệ thuật. Trung tâm Quỹ là một tổ chức dịch vụ quốc gia độc lập được thành lập bởi các quỹ vào năm 1956. Theo tài liệu của Quỹ FORD thì đây là tổ chức hàng đầu ở Mỹ về tài trợ của các tổ chức và chuyên phục vụ cho những người tìm kiếm tài trợ, những nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông và công chúng. Nhiệm vụ của Trung tâm Quỹ là hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động hảo tâm của các tổ chức thông qua quỹ, việc nâng cao hiểu biết của công chúng về lĩnh vực này và giúp đỡ những người tìm kiếm tài trợ thành công. Để làm được điều này, Trung tâm thu thập, tổ chức và truyền bá thông tin về hoạt động tài trợ ở Mỹ; tiến hành và hỗ trợ công tác nghiên cứu về các xu hướng phát triển trong lĩnh vực này; cung cấp giáo dục đào tạo về quá trình tìm kiếm tài trợ, và giúp công chúng có thể tiếp cận với thông tin và dịch vụ qua trang Web của Trung tâm, thông qua các ấn phẩm, thông qua 5 thư viện hoặc trung tâm học tập, và thông qua một mạng lưới các sưu tập hợp tác trên toàn quốc. Một trong những nhiệm vụ của Trung tâm là cung cấp thông tin và những tham khảo chuyên môn cho công chúng tại 5 thư viện của Trung tâm Nghệ thuật với hơn 200 tổ chức khác trên cả nước.

Ngay bên cạnh phòng mà chúng tôi ngồi nghe thuyết trình là một thư viện của Trung tâm. Phòng đọc của thư viện này trang bị khoảng hai chục máy vi tính có kết nối mạng. Chúng tôi thấy máy nào cũng có người ngồi tra cứu thông tin. Giống như 4 thư viện khác của Trung tâm, phòng đọc này mở cửa miễn phí, cho phép độc giả truy cập vào một bộ sưu tập độc đáo các tài liệu về các hoạt động hảo tâm. Các thủ thư với khả năng chuyên môn cao luôn có mặt để giúp người sử dụng biết cách nghiên cứu về công tác tài trợ thông qua các ấn phầm của Trung tâm và các nguồn thông tin in và điện tử khác, bao gồm những mẫu đơn xin tài trợ, sách và những xuất bản định kỳ về quản lý tài trợ từ thiện và phi lợi nhuận, báo cáo hàng năm của quỹ và báo cáo về việc tài trợ của các công ty, các website và các tài liệu khác tập trung vào hoạt động từ thiện.

Trung tâm Quỹ cung cấp các chương trình đào tạo miễn phí hoặc chỉ phải chịu chi phí cơ bản về nghiên cứu tài trợ, giới thiệu cho các nhà tài trợ và các khoản tài trợ của họ và các chủ đề có liên quan ở cả 5 văn phòng của Trung tâm cũng như ở các địa điểm khác, bao gồm: Cơ sở để tìm kiếm tài trợ, một tài liệu miễn phí ra hàng tuần về quá trình nghiên cứu tài trợ dành cho các tổ chức phi lợi nhuận; các chương trình miễn phí về tài trợ của các công ty, cách sử dụng hữu hiệu các nguồn thông tin trên mạng, giới thiệu cách tra cứu nhanh thông tin, cách viết thư xin tài trợ, tìm kiếm tài trợ dành cho cá nhân, danh sách các nhà tài trợ, phim về việc gây quỹ. v.v.

Trung tâm Quỹ xuất bản Niên giám các Quỹ - một tài liệu tham khảo kinh điển dành cho những người tìm kiếm tài trợ, hiện đã có trên CD-ROM, trên mạng và sách in, cùng với khoảng 50 niên giám, hướng dẫn và báo cáo khác.

Khả năng chuyển tải thông tin của trang web do trung tâm điều khiển làm cho tôi thật sự khâm phục. Được cập nhật và được mở rộng hàng ngày, trang web của Trung tâm Quỹ (http://www.fdncenter.org) nhấn mạnh và phân tích các xu huớng tài trợ gần nhất, cung cấp danh sách các nhà tài trợ hàng đầu, thông tin về các chương trình đào tạo do Trung tâm tài trợ và các hội thảo, cung cấp khả năng truy cập dễ dàng vào một loạt các nguồn gây quỹ trên mạng, bao gồm: Điểm tin từ thiện - một dịch vụ thông tin hàng tuần với các bài viết liên quan đến từ thiện; Niên giám trên mạng của trung tâm - một dữ liệu đáng tìm kiếm về 10.000 Quỹ lớn nhất ở Mỹ; nối mạng với hàng trăm trang web của các nhà tài trợ và các trang web của các tổ chức phi lợi nhuận khác.

Trung tâm Quỹ còn cung cấp thư viện ảo trên mạng (http://www.fdncenter.org/onlib/) mà ai cũng có thể truy cập chỉ với một máy vi tính có nối mạng lnternet. Các ứng dụng trên thư viện ảo này bao gồm: Trả lời ngay những câu hỏi bằng E-mail, Công cụ tìm kiếm Quỹ (một công cụ tra cứu miễn phí với thông tin cơ bản về 50.000 nhà tài trợ Mỹ), các khoá học ngắn hạn về viết thư xin tài trợ, giới thiệu về quá trình tìm kiếm tài trợ, Tài liệu trên mạng về khu vực phi lợi nhuận (một dữ liệu với nhiều thư mục về 18.000 đoạn trích dẫn, có nhiều bản tóm tắt), và Kệ sách trên mạng (một phiên bản tóm tắt của những chuyên khảo quan trọng của Trung tâm về gây quỹ và quản lý phi lợi nhuận).

Trong khi giới thiệu về các ấn phẩm và website của Trung tâm, viên thủ thư cao cấp này nhắc đi nhắc lại là các CD-ROM do Trung tâm xuất bản và phát hành có giá rất đắt, chỉ những trường học hoặc các cơ quan lớn cần sử dụng cho nhiều người khai thác mới mua, còn những người khác nên truy cập những thông tin có trong CD-ROM này qua mạng ở 1 trong 200 điểm truy cập miễn phí được bố trí trên nhiều địa điểm thuộc nước Mỹ. Thấy cách thức tổ chức thông tin trên CD-ROM này quá hay, tôi định mua một đĩa về cho anh em kỹ sư tin học của cơ quan tôi tham khảo, thì thủ thư cao cấp nhắc lại rằng giá nó rất cao, và muốn mua thì cần đến nơi bán - đó là một quầy nhỏ nằm trong thư viện ở ngay gian nhà bên cạnh. Nghĩ rằng một CD-ROM đắt lắm cũng vài ba trăm USD là cùng, khi tham quan thư viện, tôi tạt vào quầy bán ấn phẩm, và giật mình trước biển giá CD-ROM: 1.150 USD/1 đĩa! Giá truy cập mạng để khai thác thông tin này cũng không phải rẻ: 150 USD một tháng! Như thế, phát hành CD-ROM và tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin trên mạng cũng là một nguồn thu không nhỏ của Trung tâm. Và như thế, nội dung thông tin trên mạng được "bán" với giá rất cao, trong khi đó tiền chi cho việc truy nhập mạng lại rất thấp. Điều đó trái ngược với thực trạng In-tơ-nét ở nước ta: các nhà cung cấp thông tin (ICP) không những không thu được tiền mà còn phải nộp tiền thuê đường truyền, và bao nhiêu lợi lộc thu được từ việc truy cập mạng khai thác thông tin đều đổ dồn vào ngành Viễn thông! Có điều đáng chú ý là các khoản thu này cũng như những lợi tức thu được qua các dịch vụ khác như bán hàng lưu niệm, bán đồ ăn uống mà Trung tâm quỹ cũng như các tổ chức văn hoá khác thực hiện, đều được miễn thuế.

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng để tiến hành hàng loạt những công việc như trên, Trung tâm quỹ chỉ có 5 người!

DU KHẢO HOA KỲ SAU THẢM HỌA 11 THÁNG 9 - Phạm Việt LongWhere stories live. Discover now