VIỆN GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT TRUNG TÂM LIN-CON - Phạm Việt Long - 9

19 5 0
                                    

Mặc dù đến muộn, chúng tôi vẫn được đón tiếp chu đáo bởi một dàn cán bộ của Viện, toàn là phụ nữ. Các chị em giới thiệu với chúng tôi tấm bảng đồng ghi lời người sáng lập ra Trung tâm này rồi mới mời vào phòng làm việc.

Những ý tưởng tốt đẹp cho sự hình thành và hoạt động của Viện bắt nguốn từ thực tế. Người ta vẫn hay lưu truyền những câu chuyện về sự thiếu hụt trong nhận thức về nghệ thuật của học sinh, coi đó là chuyện khôi hài, cần phải khắc phục. Nữ giám đốc thông tin của Trung tâm kể với chúng tôi rằng, 13 năm trước, có một học sinh 13 tuổi sau khi xem múa Ấn Độ đã tỏ ra rất nuối tiếc, vì em nói rằng trên thế giới có một nền nghệ thuật độc đáo như thế này mà nay em mới được biết đến! Bà Giám đốc chương trình giáo dục cấp cao nhắc đến ông Mát Trubát, người sáng lập Trung tâm Lin-côn (ông mất cách đây một năm rưỡi) với thái độ kính trọng, và kể: Lúc đầu, khi tổ chức cho học sinh xem biểu diễn một chương trình nghệ thuật, ông Mát Trubát đã ngồi chung với khán giả và được nghe lời trao đổi giữa thầy giáo và học sinh như sau:

- Em có hiểu người ta đang diễn gì không?

- Thưa thầy không! Còn thầy?

- Thầy cũng không hiểu gì cả!

Từ lời hội thoại ấy, ông Mát Trubát nhận ra rằng nếu chỉ đưa nghệ thuật đến diễn tại trường thì không có hiệu quả, mà phải có sự giáo dục nghệ thuật, muốn vậy, đầu tiên phải từ các thầy giáo. Từ đấy, định hướng hoạt động của Viện là kết hợp người nghệ sĩ với người làm công tác giáo dục để phổ cập nghệ thuật trong học sinh, từ lớp mẫu giáo đến cấp 2,3 trong bối cảnh nước Mỹ không bắt buộc giáo dục nghệ thuật trong các trường học.

Các chương trình đưa nghệ thuật vào giáo dục cho học sinh và giáo viên được thực hiện thông qua việc hợp tác với các cụm trường học ở Niu-Yoóc, Connéchticút và Niu Giơ-sây, đào tạo các nhà giáo dục để họ sẽ cùng với học sinh của mình tìm hiểu về nghệ thuật thông qua những hình thức đi thực tế có tác dụng hỗ trợ cho việc học hỏi nhiều hơn trong chương trình giảng dạy.

Trong 25 năm qua, Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn đã xây dựng và chuẩn hoá cách tiếp cận với nghệ thuật và giáo dục riêng rất nổi tiếng của mình, đó là thách thức học sinh phải học về nghệ thuật và học thông qua nghệ thuật. Cùng hợp tác với các nhà giáo, Viện đã phát triển những nghiên cứu thực tế tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm múa, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và kiến trúc. Cách thức dựa vào quá trình này thể hiện vai trò toàn diện mà nghệ thuật có thể và nên giữ trong giáo dục. Bằng cách khuyến khích học sinh hỏi và tìm hiểu, Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn hỗ trợ việc học trong suốt chương trình học, xây dựng kỹ năng tư duy phân tích phê bình và khuyến khích khả năng cảm nhận và sáng tạo của học sinh. Kết quả là, nhiều mối liên kết được tạo ra không ngờ, nhiều quan điểm khác nhau được cân nhắc, những điều phức tạp được tìm hiểu và cánh cửa đến với những thế giới tưởng tượng mới mẻ được mở ra.

Hoạt động của Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn dựa trên nguyên lý giáo dục mỹ học. Dựa vào những bài viết của những nhà giáo dục cách tân như Giôn Đơuây, Mắc-xin Grin và Hô-uốt, Gát-nơ, ''giáo dục mỹ học'' mở rộng giớí hạn truyền thống của giáo dục tiên tiến tới thế giới nghệ thuật. Nguyên lý đó phát biểu rằng các tác phẩm nghệ thuật cung cấp một nguồn vô tận cho việc tìm hiểu, suy xét, và thấu hiểu. Mỗi cá nhân, không phân biệt tuổi tác, đều có khả năng phản hồi trước một tác phẩm nghệ thuật theo những cách phản hồi thách thức lại những quan điểm đã định trước, khuyến khích những cái nhìn tươi mới, và khuyến khích những hiểu biết sâu hơn. Không bị hạn chế bởi những câu trả lời "đúng" hay "sai", quá trình phản xạ này xây dựng khả năng nhận thức theo những cách thức cơ bản và có sức mạnh. Đồng thời, giáo dục mỹ học cũng phát triển một khả năng hiểu biết nội tại những lựa chọn nghệ thuật đóng góp cho bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Học sinh biết đánh giá sâu sắc nghệ thuật, có được những phân tích thực tế trước bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào, tăng cường những kỹ năng cơ bản ví dụ như tư duy trừu tượng, kỹ năng giải quyết khó khăn và sẵn sàng áp dụng những kỹ năng đó vào học tập và vào cuộc sống.

DU KHẢO HOA KỲ SAU THẢM HỌA 11 THÁNG 9 - Phạm Việt LongWhere stories live. Discover now