PHÁC HOẠ CHÂN DUNG BA NGƯỜI BẠN: Ma-ri-sa Lốp-pơ - Phạm Việt Long - 22

24 2 0
                                    


Là điều phối viên địa phương, Ma-ri-sa Lốp-pơ phục vụ hết sức chu đáo đoàn chúng tôi. Gốc Tây Ban Nha, dáng người thon thả và nhanh nhẹn, Ma-ri-sa Lốp-pơ bao giờ cũng đáp ứng kịp thời những mong muốn của chúng tôi ngay cả khi mọi người chưa nói ra. Khi chúng tôi vừa sang đến Mỹ, đang còn băn khoăn chưa biết làm cách nào gửi gói quà mà người bạn nhờ chuyển cho người nhà, thì Ma-ri-sa đã nhanh nhẹn nhận đem ra bưu điện chuyển giúp. Trong tất cả các buổi làm việc, trong khi chúng tôi ngồi thì cô đi lại nhẹ nhàng quanh phòng làm những việc sự vụ như phân phát tài liệu, chuyển quà... Cô đến bên từng người thì thào hỏi xem muốn uống gì, chè hay cà phê, và rồi thoăn thoắt di chuyển, đem tới chúng tôi mỗi người một ly nước theo yêu cầu. Khá nhạy cảm, thoáng thấy người nào đó trong chúng tôi lẳng lặng ra khỏi phòng, là cô biết ngay người ấy cần gì và lách mình theo... Tại nhiều công sở ở Niu-Yoóc, nhà vệ sinh thường bị khóa cửa. Giá không có cô với sự tinh tế, chạy đi mượn chìa khoá mở cửa và hướng dẫn, chắc cũng có không ít người trong chúng tôi lúng túng, khó xử.

Ma-ri-sa có hoàn cảnh không thuận lắm - cha mẹ ly hôn, ở với bà từ nhỏ. Khi còn là học sinh, cô phải làm thêm bằng cách bán sách. Có anh bạn đùa rằng ở Việt Nam có câu "Cô hàng bán sách lim dim ngủ", Ma-ri-sa có như vậy không? Cô chỉ cười. Không, giữa nhịp sống sôi động ở Mỹ, đôi mắt mầu hạt dẻ trong sáng và lanh lợi núp dưới hàng mi cong kia làm sao mà lim dim ngủ được? Đôi mắt giống đốm lửa lung linh vô tư như chứng tỏ một con người dù sống trên đất Mỹ vẫn không bị thói thực dụng vụ lợi kiểu Mỹ làm hoen ố, đang thắp lên niềm vui cho những người bạn mới quen. Vừa bán sách bù vào chi tiêu, cô vừa chăm chỉ học, và đã thi đỗ vào trường đại học Ca li phoóc ni a, một trường nổi tiếng của Mỹ. Ngay cả khi học đại học, với mức đóng góp cao (5.000 USD cho một học kỳ), Ma-ri-sa vẫn phải vừa bán sách vừa học, không hiểu bao nhiêu cuốn sách đã từ tay cô đến với độc giả?

Khi chúng tôi hỏi về thảm hoạ 11 tháng 9, Ma-ri-sa trầm hẳn xuống. Cô bảo rằng người yêu của cô có một anh bạn thân tử vong trong đống đổ nát đó, để lại người vợ và một đứa con nhỏ. Cô nói:

- Sau 11 tháng 9, tôi nhìn nhận lại cuộc đời mình mới thấy những cái mà tôi có đây nó giá trị như thế nào. Sau sự kiện này, người Niu-Yoóc xích lại gần nhau, tỏ sự yêu thương, quan tâm đến nhau mà trước kia không bao giờ có cả. Sự kiện bi thảm đó cũng giúp chúng tôi nhớ lại những giá trị thật là quý giá mà chúng tôi cần phải chia xẻ với nhau.

Khoảng 28 tuổi, người thon chắc, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng như con mèo, Ma-ri-sa không nề hà việc gì, bám sát phục vụ đoàn chúng tôi trong suốt thời gian làm việc hết sức khẩn trương. Đoàn chúng tôi làm việc từ 9 giờ sáng tới 7 - 8 giờ tối, trong lúc ăn cũng thảo luận. Làm việc thông tầm, không nghỉ trưa, đi bộ nhiều, ăn uống vạ vật, thất thường, đó là đặc điểm của những chuyến đi công tác nước ngoài mà tôi từng tham gia. Cường độ làm việc như vậy đòi hỏi sức khoẻ và sự cố gắng cao của những ai muốn đạt kết quả tốt trong những chuyến du khảo nước ngoài ngắn ngày. Vậy mà Ma-ri-sa, một người Mỹ, cũng cùng gánh chịu với chúng tôi nỗi vất vả ấy. Thậm chí, có lúc cô còn vất vả hơn chúng tôi. Hôm làm việc tại Thư viện cộng cộng Niu-Yoóc xong, chúng tôi phải tiếp tục làm việc tại trường Đại học Niu-Yoóc cho nên chỉ có một chút thời gian ăn trưa. Thoắt một cái, chúng tôi đã thấy cô trong quầy bánh. Hoá ra cô đã đặt sẵn xuất ăn cho chúng tôi Khẩu phần của mỗi người gồm một túi xách bằng giấy, trong đựng bánh mỳ kẹp thịt và chai nước khoáng. Cô dẫn chúng tôi ra vườn hoa để vừa nghỉ tạm vừa ăn trưa. Dưới ánh nắng vàng nhưng vẫn lành lạnh, có rất nhiều người ngồi, đứng trong vườn hoa này. Người thì ăn, người thì đọc sách, người thì ngồi trò chuyện, lại có cả hai cô cậu ôm nhau thắm thiết trên một chiếc ghế băng... không ai để ý đến ai. Chúng tôi ngồi trên hàng ghế đá, vừa ăn vừa xem một nhóm thiếu niên diễn mấy trò vui. Nhưng Ma-ri-sa thì không được ung dung như chúng tôi. Ăn chưa hết chiếc bánh, nhìn đồng hồ, cô đã vội đứng dậy. Cô cần về trước trường Đại học Niu-Yoóc để bố trí phòng làm việc cho chúng tôi. Theo cô nói thì giáo sư Đan Mác-tin, người sắp thuyết trình trong buổi làm việc với chúng tôi, rất nguyên tắc. Vì thế, cô phải về trước để liên hệ cho đúng quy định.

Trước ngày chia tay, chúng tôi tặng Ma-ri-sa một món quà nhỏ, đó là chiếc khăn trải bàn trắng có thêu cảnh đồng quê Việt Nam. Cô hỏi: "Ma-ri-sa giở ra xem được không?". Thấy chúng tôi vui vẻ tán thành, cô mở ra xem và chỉ vào những hình thêu, nói ríu rít: "Đẹp quá! Đây là con trâu phải không? Con đò và sông nước nữa, sao đẹp thế!" Cứ thế, cô xem từng hình thêu, vừa cười líu ríu vừa tỏ sự cảm động chân thật. Cô hẹn:

- Vào dịp mà các anh chị đến được, Ma-ri-sa sẽ mời các anh chị ăn cơm tại nhà, và Ma-ri-sa sẽ trải chiếc khăn này trên bàn tiệc!

Cô quấn quýt, bịn rịn với chúng tôi như người em gái trước khi phải chia tay những người ruột thịt. Cô tặng mỗi người một món quà nhỏ. Với tôi, quà của Ma-ri-sa là một chiếc mũ lưỡi trai có thêu dòng chữ "Niu-Yoóc"! Chúng tôi đều mong gặp Ma-ri-sa tại Việt Nam vì cô đã có kế hoạch sang làm việc tại đây vào cuối năm nay.

DU KHẢO HOA KỲ SAU THẢM HỌA 11 THÁNG 9 - Phạm Việt LongWhere stories live. Discover now