Thần thoại Hy Lạp

By snowflake6201

139K 1K 34

Nguyễn Văn Khoả More

Nguồn gốc của thế gian và của các vị thần
Crônôx lật đổ Uranôx
Thần Dớt(1) ra đời
Dớt lật đổ Crônôx cuộc giao tranh với các Tităng(1) (Titanômakhi)
Cuộc giao tranh với các Gigăngtôx (Gigăngtômakhi)(1)
Cuộc giao tranh với Tiphông
Nguồn gốc của loài người năm thời đại
Prômêtê(1) và loài người
Người đàn bà đầu tiên trên thế gian-Păngdor và tai hoạ giáng xuống loài người
Nạn hồng thủy Đơcaliông (Deucalion) và Piara (Pyrrha) Giống người đá
Dớt trừng phạt Prômêtê
Thế giới Ôlanhpơ và mười hai vị thần tối cao
Pôdêiđông(1) và các thần biển
Thế giới âm phủ của Hadex(1)
Nữ thần Hêra(1)
Hêra và Iô
Thần Apôlông
Apôlông diệt trừ con mãng xà Pitông và lập đền thờ Đenphơ
Mối tình của Apôlông với tiên nữ Đaphnê(1)
Apôlông trừng trị hai tên khổng lồ con trai của Alôex(1)
Apôlông và các nàng Myudơ(1)
Apôlông lột da tên Marxiax
Apôlông trả thù cho Axclêpiôx(1)
Nữ thần Artêmix(1)
Artêmix trừng trị Niôbê(1)
Artêmix biến Actêông thành hươu
Nữ thần Atêna(1)
Atêna thắng Pôdêiđông được cai quản miền đồng bằng Attích(1)
Atêna biến Arakhnê thành con nhện
Thần Hermex
Thần chiến tranh Arex(1)
Nữ thần Aphrôđitơ(1)
Aphrôđitơ ban phúc cho Pigmaliông
Aphrôđitơ giáng họa xuống Narxix (Narcisse)
Mối tình của Aphrôđitơ với Ađônix (Adonix)
Thần Quypiđông và Psikhê
Thần thợ rèn Hêphaixtôx(1)
Nữ thần Đêmêtê(1) và nàng Perxêphôn(2)
Đêmêtê truyền nghề cho Tơriptôlem (Triptolème)
Đêmêtê trừng phạt Êridikhtông (Érysichthon)
Thần rượu nho Điônidôx(1)
Điônidôx bị vua Liquyếcgơ (Licurgue) bạc đãi
Điônidôx trừng phạt những kẻ chống đối
Điônidôx thoát khỏi tay bọn cướp biển
Điônidôx trọng thương Icariôx
Thần Điônidôx và tên vua Miđax tham vàng
Điônidôx trở thành một vị thần Ôlanhpơ
Hội Điônidôx (Dionysies)
Thần Păng(1) và những mối tình tuyệt vọng
Păng thi tài với Apôlông
Mối tình của Xêlênê (Séléné) với Ăngđimiông (Endymion)
Cuộc phiêu lưu của Phaêtông(1)
Truyện những nàng Đanaiđ(1)
Truyện người anh hùng Perxê (Persée) giết ác quỷ Mêđuydơ
Perxê trùng phạt Atlax
Perxê cứu công chúa Ăngđrômeđ (Andromède)
Phinê (Phinée) mưu cướp Ăngđrômeđ
Perxê trở về quê hương
Sự ra đời của người anh hùng Hêraclex(1)
Mười hai kỳ công của Hêraclex
Hêraclex cưới Đêdania thực hiện lời hứa với vong hôn Mêlêagrơ
Hêraclex làm nô lệ cho nữ hoàng Ôngphan (Omphale)
Hêraclex đánh phá thành Tơroa
Hêraclex được gia nhập vào hàng ngũ các vị thần của thế giới Ôlanhpơ
Những con cháu của Hêraclex (Héraclides)
Hội Ôlanhpich(1)
Truyện vua Xidip (Sisyphe) phải chịu cực hình
Chiến công và cái chết của dũng sĩ Benlêrôphông (bellérophon)
Tăngtan (Tantale) khinh thị thánh thần
Pêlôp sinh cơ lập nghiệp ở đất Hy Lạp
Tội ác và sự thù hằn giữa hai anh em Atơrê (Atrée) và Tiextơ (Thyeste)
Truyện hai chị em Prôknê (Procné) và Phitômen (Philomème) biến thành chim
Mối tình của Dớt với nàng Ơrôp (Europe)
Truyện hai vợ chồng Cađmôx (Cadmos) biến thành rắn
Truyện anh em sinh đôi Dêtôx (Zétos) và Ăngphiông (Amphion)
Đêđan (Dédale và Icar (Icare) thoát khỏi cung điện Labiranhtơ (labyrinthe)
Labiranhtơ (Labyrinthe)
Cuộc săn con lợn rừng Caliđông cơn giận và cái chết của Mêlêagrơ
Cuộc giao tranh giữa anh em Điôxcuya với anh em Apharêiđ(1)
Nỗi buồn của chàng Kiparixxôx (Kiparissos)
Cái chết của chàng Hiakintôx
Truyện vợ chồng Kêphan (Céphale) và Prôcrix (Procris)
Mối tình chung thủy của danh ca Orphê(1) (Orphée) với nàng Ơriđix (Eurydice)
Cái chết của Orphê
Truyền thuyết về những người Argônôt(1)
Sự tích bộ Lông Cừu Vàng
Giadông chiêu tập các chiến hữu chuẩn bị cho cuộc hành trình
Những ngày ở đảo Lemnôx
Những gì đã xảy ra khi con thuyền Argô dừng lại ở đất Midi (Mysie)(1)
Chuyện không may xảy ra ở bán đảo Kidích(1)
Cuộc xung đột với người Bêbrik ở xứ Bitini
Trôi vào đất Thraxngười Argônôt cứu cụ già Phinê thoát khỏi tai họa lũ Harpi
Qua Xinplêgađ (Symplégades)
Đến đảo Arêxiađ (Arétiade)
Giadông đến gặp vua Aiêtex.
Mêđê giúp đỡ Giadông
Giadông đương đầu với những thử thách
Mêđê giúp Giadông đoạt bộ Lông Cừu Vàng
Hành trình trở về của những người Argônôt
Giadông và Mêđê giết Pêliax
Cái chết của Giadông
Truyền thuyết về cuộc chiến tranh Tơroa
Nguồn gốc cuộc chiến tranh thành Tơroa
Quân Hy Lạp tập trung ở cảng Ôlix đổ bộ lên đất Midi
Quân Hy Lạp lại tập trung ở Ôlix
Tướng Philôctet bị bỏ lại ở dọc đường
Những gì đã xảy ra trong chín năm giao tranh
Mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnông với Akhin
Không thể chấm dứt chiến tranh định ước đấu tay đôi
Quân Hy Lạp tấn công. Chiến công của tướng Điômeđ
Hector từ giã Ăngđrômác trước khi xuất trận
Dớt thực hiện lời hứa với nữ thần Thêtix: Quân Tơroa phản công thắng lợi
Agamemnông nhận ra lỗi lầm xin Akhin xuất trận
Uylix và Điômeđ đột nhập vào doanh trại quân Tơroa trinh sát
Quân Tơroa tiến công vào doanh trại quân Hy Lạpvào khu vực chiến thuyền
Hector giết chết Patơrôclơ
Akhin nguôi giận hòa giải với Agamemnông
Akhin xuất trận đánh đuổi quân Tơroa phải chạy về thành
Akhin giết chết Hector
Lão vương Priam đi chuộc xác con
Akhin giết chết nữ hoàng Păngtêdilê (Panthésilée)
Akhin giết chết chủ tướng Memnông cầm đầu đạo quân Êthiôpi
Akhin tử trận
Agiắc Lớn con của Têlamông tự tử
Chiến công của Uylix Philôctet tham chiến
Thành Tơroa thất thủ
Những biến cố trong hành trình trở về của quân Hy Lạp
Ôđixê
Hành trình đi tìm cha của Têlêmac
Tới Pilôx
Đến Xpart
Hành trình trở về của Uylix
Thoát khỏi hang tên khổng lồ Pôliphem ăn thịt người
Người khổng lồ Lettơrigông tiêu diệt,thuyền 12 chiếc chỉ thoát 1 thuyền Uylix
Cứu đồng đội thoát khỏi kiếp lợn trong tay tiên nữ - phù thủy Kiếckê
Cuộc hành trình xuống thế giới âm phủ của thần Hađex
Ăn thịt bò của thần Hêliốt đoàn thủy thủ bị trung phạt riêng Uylix sống sót
Uylix thoát khỏi sự giam cầm của tiên nữ Calipxô
Thần Pôdêiđông gây bão đắm bè. Uylix trôi dạt vào bờ biển xứ Phêaki
Uylix gặp công chúa Nôdica. Công chúa đưa chàng về thành
Vua Ankinôôx tiếp đãi và cho thuyền chở chàng về quê hương
Uylix trừng trị bọn cầu hôn đoàn tụ với gia đình

Những chiến công vĩ đại của người anh hùng Têdê (Thésée)

427 1 0
By snowflake6201

Têdê là một trong những vị anh hùng lớn nhất, vĩ đại nhất của người Hy Lạp ở vùng đồng bằng Attich. Những người Aten coi Têdê như một nhân vật lịch sử. Têdê đã tham dự vào nhiều cuộc chinh phạt, lập được nhiều chiến công hiển hách, trải qua nhiều thử thách lớn lao, vì lẽ đó mà xưa kia ở Aten lưu truyền một câu tục ngữ: "... Chẳng có gì mà lại không có Têdê..." Lão vương Êgiê là con trai của Păngđiông (Pandion), cháu của Kêcrôp - vị vua đầu tiên của đô thành Aten đã phân xử vụ tranh giành quyền bảo hộ Aten giữa nữ thần Atêna và thần Pôdêiđông - nối nghiệp vua cha cai trị đô thành Aten. Cuộc đời của ông thật là vẻ vang. Cha ông lúc còn cầm quyền đã bị những tên nghịch tặc đoạt mất ngôi báu, phải đưa ông, lúc đó còn nhỏ, chạy trốn sang cư ngụ ở nơi đất khách quê người. Trưởng thành nhờ anh em giúp đỡ, ông đem quân về trả được mối thù xưa, khôi phục lại quyền thế. Ông đã cầm quyền trên đất Aten khá lâu mà ngai vàng vẫn vững, đức độ vẫn bền, lòng dân vẫn suy tôn tín nhiệm. Cuộc đời cứ thế tưởng chẳng có điều chi phải buồn phiền ân hận. Ấy thế mà lão vương Êgiê ngày đêm vẫn vương vấn trong lòng một nỗi buồn, một nỗi ân hận lớn. Đó là ông vẫn hiếm hoi, chưa sinh được một mụn con nào để ký thác niềm hy vọng kế thừa sự nghiệp. Ông đã trải qua hai đời vợ mà vẫn không có lấy được một mụn con. Không nhẽ chịu kéo dài mãi cái cảnh sống cô quạnh buồn phiền, Êgiê đem lễ vật đến đền thờ thần Apôlông ở Đenphơ để cầu xin một lời chỉ dẫn. Cô đồng Piti, người được thay mặt vị thần ánh sáng tiếp xúc với người trần tục, phán truyền lời thần. Nhưng lời phán truyền mập mờ, bí ẩn đến nỗi lão vương Êgiê không sao hiểu được ý nghĩa. Nhà vua bèn quyết định sang đô thành Tơrêden (Trézène) để nhờ Pittê (Pitthée), vị vua ở đây, nổi tiếng là một người học vấn uyên thâm, có tài tiên đoán, tường giải hộ. Nghe Êgiê tường thuật, Pittê đoán biết được rằng, Êgiê sẽ sinh hạ được một đứa con trai và chính đứa con này, sau này sẽ là người anh hùng kiệt xuất của đất Attich của đô thành Aten. Biết thế, Pittê nảy ra ý định phải giành cho đô thành Tơrêden của mình cái vinh quang là quê hương của người anh hùng. Nhà vua bèn gả con gái của mình cho Êgiê. Cuộc hôn nhân ngẫu hứng không hẹn mà nên này giữa Êgiê và Êthra (Ethra) đã sinh ra Têdê. Song người xưa cho biết, Têdê thật ra không phải là con của Êgiê mà là con của thần Pôdêiđông. Thần Pôdêiđông đã bằng những phép lạ của mình, ái ân với Êthra. Mà có lẽ phải như thế mới đúng. Vì một người anh hùng kiệt xuất như Têdê không thể là con của người trần tục, phải có ít nhiều huyết thống của thần thánh, thì mới được thần thánh thương yêu, chăm nom, giúp đỡ, ban cho nhiều đặc ân, đặc quyền, đặc lợi, gặp khi nguy nan, gian khổ thần mới xót giọt máu của mình mà chạy đông chạy tây nhờ vị thần này thần khác giúp đỡ. Perxê, Hêraclex, Điônidôx... rõ ràng đều từ giọt máu thiêng liêng của thần mà nên anh hùng.

Nhưng Êgiê không ở lại đô thành Tơrêden. Nhà vua phải về Aten để lo công việc triều chính. Sau khi nghe Pittê tường giải lời sấm truyền và kết bạn cùng Êthra, với hy vọng nàng sẽ sinh cho mình một đứa con trai, một đứa con ứng nghiệm với lời phán truyền của thần thánh, Êgiê dặn lại nàng Êthra:

- Nếu nàng sinh một đứa con trai, nàng hãy nuôi nó lớn khôn. Ta chỉ cầu xin nàng có một điều đó. Đến khi nó trưởng thành nàng hãy dẫn nó ra tảng đá lớn dưới chân núi Tơrêden, bảo nó nhấc tảng đá đó lên. Ở dưới đó ta để một thanh gươm và một đôi dép. Đó là kỷ vật của ta, là những dấu hiệu thiêng liêng để cha con ta nhận ra nhau. Con ta sẽ mang theo những kỷ vật đó bên người, tìm đến đô thành Aten để nhận ra người sinh ra nó.

Têdê ra đời và lớn lên trên quê ngoại. Tuổi thơ ấu của chú bé Têdê chỉ biết có mẹ và ông ngoại. Ông ngoại chú vốn là bậc hiền minh trí giả cho nên rất quan tâm đến dạy dỗ đứa cháu mà ông tin rằng như lời sấm truyền, sau này sẽ trở thành một vị anh hùng danh tiếng lẫy lừng. Rất nhiều thầy được mời đến để truyền dạy cho Têdê đủ mọi môn võ nghệ cũng như nhiều môn khác. Trong số những người thầy nổi tiếng, tài cao học rộng ta phải kể đến Xăngtor Kharông. Ngay từ khi còn nhỏ, Têdê đã bộc lộ ra khẩu khí của một con người khác thường. Có một lần Hêraclex, trong một cuộc hành trình vì sự nghiệp của mình, dừng chân nghỉ lại ở cung điện của Pittê. Bước vào nhà, Hêraclex cởi tấm áo khoác bằng da con sư tử Nêmê ra và bỏ chiếc mũ đầu sư tử xuống nền nhà. Trông thấy bộ áo và chiếc mũ sư tử, đám gia nhân của Pittê hoảng hồn, bỏ chạy sạch cả. Chẳng một tên nào dám đến gần. Thế nhưng chú thiếu niên Têdê chẳng hề tỏ ra sợ hãi. Chú đứng lại và rút luôn thanh gươm đeo bên mình ra như sẵn sàng chấp nhận cuộc giao tranh. Khá khen thay tuổi nhỏ mà chí lớn. Ông ngoại của chú càng tin rằng chú có thiên tướng, ắt hẳn mai sau lớn lên sẽ lập được nghiệp lớn.

Khi Têdê tuổi tròn mười bảy thì chàng đã sức vóc hơn người. Kể về hình đáng thì chàng đẹp hơn hẳn những bạn cùng lứa tuổi. Thân hình cao lớn, cường tráng nhưng cân đối. Khuôn mặt xinh xắn, cương nghị. Còn kể về sức lực thì ở cái tuổi "mười bảy bẻ gãy sừng trâu" của chàng, chưa từng có một đối thủ nào bẻ gãy được chàng trong các cuộc thi đấu võ nghệ.

Têdê đã trưởng thành. Tuân theo lời chồng dặn, một bữa kia Êthra sắm sửa hành lý cho con lên đường đi tìm cha. Chàng thanh niên Têdê lúc này đã đủ sức nâng bổng tảng đá to ở chân núi Tơrêden đặt sang một bên để lấy đôi dép xỏ vào chân và lấy thanh gươm đeo vào bên sườn.
Chàng lên đường đi Aten. Ông ngoại chàng và người mẹ kính yêu của chàng muốn chàng đi Aten bằng đường thủy, như vậy vừa nhanh vừa tránh được rất nhiều gian khổ và nguy hiểm. Mặc dù hai người ra sức thuyết phục chàng, bày tỏ lời hơn lẽ thiệt nhưng chàng vẫn không tuân theo. Chàng cho rằng là trang nam nhi mà lại chọn con đường dễ dãi, không dám đương đầu với những thử thách nguy hiểm là không xứng đáng, nhất là đối với chàng, dấn thân vào cuộc hành trình này là mở đầu cho sự nghiệp, là phải chấp nhận những thử thách để giành lấy chiến công.
Chiến công của Têdê trên đường tới Aten. Hành trình của Têdê thật là gian khổ. Từ đô thành Tơrêden đi ngược lên phía Bắc đâu có phải chỉ dăm ngày đường là tới được Aten. Chặng đường đầu chàng phải hoàn thành là tới được đô thành Êpiđor(1) trong vùng đồng bằng Argôliđ. Đi ròng rã không biết bao ngày, bữa kia Têdê đặt chân đến địa phận Êpiđor.
[(1) Epidaure, một đô thành ở bờ biển phía đồng vùng đồng bằng Argolide trên bán đảo Péloponèse]
Bỗng đâu một tên khổng lồ chân thọt chạy ra cản đường chàng. Tay hắn cầm một chiếc.côn sắt nặng dễ đến ngàn cân. Chiếc côn này vừa là vũ khí của hắn vừa là chiếc nạng để hắn đi lại cho đỡ khó khăn. Hắn xưng danh là Pêriphêtex(2) con của vị thần Thợ Rèn chân thọt Hêphaixtôx và nàng Ăngticlê (Anticlée). Hắn đòi Têdê phải nộp mạng vì đây là lãnh địa của hắn, xưa nay không một ai xâm phạm vào mà lại đi thoát được. Chiếc côn sắt của hắn chưa chịu đói máu người bữa nào. Nghe những lời nói ngang ngược, Têdê tức khí tuốt ngay gươm. Cuộc giao tranh diển ra quả là đáng sợ. Tên khổng lồ tuy to lớn nhưng chân lại thọt cho nên xoay chuyển không dễ dàng. Gặp phải một đối thủ võ nghệ cao cường và lại thông minh như Têdê nên chỉ sau vài đòn hắn đã thấy chờn chờn. Chàng trai thông minh con của thần Pôdêiđông vĩ đại nhanh chóng tìm ra được nhược điểm của đối thủ. Và chàng đã kết thúc số phận gã khổng lồ một cách nhanh chóng, tước luôn cây côn sắt của hắn.
[(2) Périphétès, còn có tên Korinet nghĩa là người cầm côn]
Muốn đi tới Aten, Têdê phải đi qua đô thành Ixtmôx nằm trên eo đất Côranhtơ. Đây là một giải đất rất hẹp hai bên là biển nối liền miền Bắc Hy Lạp với miền Nam. Đô thị Côranhtơ nằm trấn ngay đầu eo đất. Têdê vừa đặt chân tới Ixtmôx thì gặp ngay chuyện chẳng lành. Chàng đang đi trong một rừng thông, đưa mắt ngó nhìn đây đó để ý tìm ngôi đền thờ thần Pôđêiđông thì bỗng đâu một tên cướp nhảy xổ ra chặn đường toan trấn lột. Tên hắn là Xinix (Sinis), một đạo tặc khét tiếng gian ác. Khách bộ hành nào đi qua vùng này đều bị hắn sau khi cướp, lột sạch rồi giết chết rất là thê thảm. Cậy có sức khỏe hơn người, hắn bắt nạn nhân trói căng ra giữa hai ngọn thông, treo lơ lửng kẻ xấu số như thế. Đùng một cái, hắn vít hai ngọn thông xuống khiến cho hai cây thông cong đi giống như khi ta níu một cành táo hay một cành ổi xuống để hái quả. Khi hái đã chán ta buông tay ra thì cành cây bật mạnh làm quả rơi rụng. Cũng thế, Xinix níu vít hai ngọn thông xuống rồi buông tay ra khiến cho hai ngọn thông bật mạnh giằng xé tan xương nát thịt người bị treo.

Nhưng với Têdê, có lẽ nào chàng lại chịu để cho tên cướp đường khát máu này hoành hành như vậy. Chàng quát lớn "Hỡi Xinix! Tên đạo tặc không biết kinh sợ thần linh và luật pháp của Dớt ban truyền! Bay đã đến ngày phải đền tội! Người con trai của thần Pôdêiđông vĩ đại, Têdê này, không trừng trị được mày quyết không ló mặt đến Aten!...". Chàng nhảy xổ vào tên cướp dùng đôi tay gân guốc, rắn rỏi của mình giao đấu với hắn, quyết bắt sống hắn. Với những miếng võ siêu việt, Têdê phút chốc đã quật ngã và khóa chặt tên cướp dưới đất rồi lấy dây trói hắn lại. Bây giờ thì cho hắn hưởng cái hình phạt mà hắn đã bày ra để giết hại lương dân. Nhờ chiến công này của Têdê mà con đường qua lại giữa eo đất được thông suốt, nếu không thì muốn tránh Xinix, người ta chỉ còn cách vượt biển để đi ngược hoặc về xuôi. Để ghi nhớ chiến công của mình và để hiến dâng cho người cha vĩ đại của mình là vị thần Pôdêiđông lay chuyển mặt đất, Têdê bèn chế định ra Hội Ixtmicơ . Hội mở hai năm một lần vào mùa hè ở Ixtmôx, trong khu rừng thông gần Côranhtơ nơi có đền thờ thần Pôdêiđông Ixtmicơ. Hội Ixtmicơ không to và trọng thể, chặt chẽ bằng Hội Panatênê, Hội Ôlanhpich hay Hội Điônidôx, Hội Pitich. Người xưa còn kể, sau khi thanh trừ được tên cướp Xinix, Têdê lấy con gái hắn là Pêrigunê (Périgouné) sinh được một người con trai đặt tên là Mêlanippôx (Mélanippos).

Tiếp tục cuộc hành trình đến Aten, Têdê đi tới đâu hễ gặp khó khăn ngang trái là chàng san bằng. Chàng giết chết tên cướp Xkirông (Skirông) hoành hành ở vùng Mêgarit. Có người nói tên này là con trai của Pêlôp, có người bảo y chính là con yêu của thần Pôdêiđông. Xkirông xưng hùng xưng bá ở một quãng đường cực kỳ hiểm trở, cheo leo. Đó là một quãng đường dài chạy qua hết sườn núi này đến sườn núi khác, còn một bên là núi cao, dốc hiểm, rừng cây rậm rạp. Xkirông có thói quen ngang ngược chặn được khách bộ hành bóc lột của cải rồi bắt bưng nước rửa chân cho y. Khi nạn nhân rửa chân cho y xong, kéo lùi chậu nước toan đứng dậy thì y co cẳng đạp mạnh và người đó cho lộn nhào xuống biển. Những mỏm đá nhô ra thụt vào nhọn sắc ở vách đá xé tan xác nạn nhân. Một con rùa khổng lồ dưới biển chỉ chờ cho người ngã xuống là đến hưởng một bữa ăn ngon lành. Biết thói cường hào của phường lục lâm, Têdê vờ tuân theo mọi điều Xkirông sai bảo. Khi Têdê rửa chân cho y xong, vừa kéo lùi cái chậu ra toan đứng dậy thì y co cẳng đạp, Têdê đã đề phòng trước. Chàng khẽ né người tránh đồng thời đưa tay ra tóm lấy chân y giật mạnh một cái. Thế là Xkirông phải đền tội ác của hắn. Con rùa khổng lồ được hưởng bữa thịt người cuối cùng và chắc chắn nó không thể ngờ được là nó đã ăn thịt cái người mà xưa nay nó từng chịu ơn.

Đi chưa tới Êlơdix thì chàng lại phải giao đấu với Kerkiông (Cercyon) một tên khổng lồ hung bạo. Cũng giống như tên khổng lồ Ăngtê, tên này thường đón đường, chặn lối, thách thức khách bộ hành buộc phải giao đấu với hắn. Chẳng ai thắng được hắn cả cho nên hắn càng cậy thế làm càn. Têdê không hề run sợ. Chàng chấp nhận cuộc giao đấu và đã dùng đôi cánh tay cứng rắn như cây sồi của mình bóp chết Kerkiông, tên khổng lồ bá quyền ở đất Êlơdix. Sau đó Têdê giải thoát cho con gái hắn là Alôpê (Alopé). Vì sao Alôpê lại bị cha giam giữ? Nguyên do là thần Pôdêiđông. Chẳng hiểu bằng những phép lạ gì thần đã làm cho nàng Alôpê yêu mình say đắm. Mối tình vụng trộm này để lại cho Alôpê một người con. Sợ bị cha trừng phạt, Alôpê đem đứa bé sơ sinh bỏ vào rừng. Một con ngựa cái dùng sữa của mình nuôi đứa bé và sau đó những người chăn chiên đón được. Tin đồn bay đến tai Kerkiông. Nhà vua truy tìm ra sự thật, nổi giận, bắt con gái giam xuống hầm sâu, toan chôn sống. Têdê giải thoát cho Alôpê và trao lại quyền cai quản đất Êlơdix cho Hippôtôôx (Hippothoos), con trai của Pôdêiđông và Alôpê. Có nguồn khác kể, không phải Têdê giải thoát cho Alôpê mà thần Pôdêiđông đã biến nàng thành một con suối. Lại có người nói Hippôtôôx là con trai của Kerkiông.

Chiến công cuối cùng của Têdê trên đường tới Aten là thanh trừ tên cướp đường Prôcuyxtơ (Procuste hoặc Procruste). Cuộc đụng độ xảy ra ở gần thung lũng Kêphix thuộc vùng đồng bằng Attich, khi Têdê rời khỏi lãnh địa Êlơdix. Đây cũng là một tên đạo tặc có thân hình to lớn chẳng khác gì một gã khổng lồ. Hắn chẳng phải chỉ có một tên là Prôcuyxtơ, mà còn hai tên khác nữa là Đamatex (Damatès) và Pôlipêmông (Polypémon). Nhưng người ta quen gọi hắn bằng cái tên Prôcuyxtơ có nghĩa là: "Kẻ kéo căng người ra" . Gọi hắn như thế là vì hắn có một cách hành hạ những khách bộ hành hắn bắt được rất độc ác. Hắn bắt nạn nhân nằm trên một cái giường, chiếc giường chuyên dùng để hành tội con người như giá treo cổ, dàn lửa hay một bục gỗ để đao phủ chém đầu tội nhân. Nạn nhân nằm trên giường nếu người ngắn không vừa khít giường thì Prôcuyxtơ buộc dây vào hai chân và đầu kéo căng ra cho vừa. Còn nếu người dài hơn giường thì Prôcuyxtơ lại chặt chân hoặc chặt đầu đi cho vừa. Thật là kinh khủng.

Têdê quyết trừng trị tên quỷ sống này. Chàng dùng võ thuật để bắt sống hắn. Prôcuyxtơ người tuy to nhưng chỉ là to xác. Hắn không thể nào địch nổi những miếng võ điêu luyện hiểm hóc của Têdê. Cuối cùng hắn bị quật ngã và không còn sức để gượng dậy đánh trả. Têdê trói hắn lại và đưa hắn nằm lên chiếc giường tội ác của hắn. Hẳn rằng chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết được chiếc giường là quá ngắn đối với thân hình Prôcuyxtơ. Và Têdê phải dùng gươm để "sửa lại" cho Prôcuyxtơ vừa với giường. Ngày nay trong văn học thế giới có thành ngữ: Chiếc giường của Prôcuyxtơ để chỉ một chuẩn mẫu, một tiêu chuẩn hoặc nguyên lý, nguyên tắc cứng nhắc không thực tế, không khoa học, chủ quan khiên cưỡng, máy móc nhưng lại coi nó như khuôn vàng thước ngọc để áp đặt đối với mọi hiện tượng, buộc mọi hiện tượng phải nhất nhất đánh giá, đo lường theo khuôn vàng thước ngọc đó, quy chiếu về khuôn vàng thước ngọc đó. Nếu như có gì sai biệt thì cố gò ép, bóp nặn, cưa cắt, uốn éo cho đúng "duýt" với khuôn mẫu, tương tự như câu ''đẽo chân cho vừa giày''.

Bây giờ Têdê chỉ còn mỗi việc là đi thẳng tới Aten. Nhưng chàng không muốn tới đô thành vinh quang này khi trái tim chàng chưa thật thanh thản vì dù sao chàng cũng là kẻ phạm tội giết người mặc dù giết những kẻ tàn bạo. Chàng cầu xin những người Phitaliđ làm lễ rửa tội cho chàng. Những người Phitaliđ đã làm một lễ hiến tế với những nghi thức đặc biệt trước bàn thờ thần Dớt - Milikhi, tẩy sạch bàn tay nhuộm máu của Têdê. Và Têdê lên đường với niềm tự hào về những chiến công đầu tiên của mình.

Têdê ở Aten. Têdê đi vào đô thành Aten. Lòng chàng vô cùng hồi hộp khi nghĩ đến lúc gặp người cha yêu quý mà chàng chưa từng biết mặt. Khi đi ngang qua ngôi đền thờ thần Apôlông đang xây dựng, những người thợ xây trông thấy chàng, trong bộ áo dài, và nhất là họ thấy khuôn mặt xinh xắn của chàng, họ tưởng nhầm chàng là một thiếu nữ. Lập tức nổi lên những tiếng cười trêu chọc và những lời diễu cợt, chế nhạo:

- Ơi này, anh em ơi! Hãy dừng tay lại một tí mà ngắm cô kia cái đã! Người đẹp ở đâu mà lại đem áo dài đến đây quét đường cho chúng ta thế kia! Thôi này cô em xinh đẹp ơi! Hãy kéo cái áo cao cao lên có phải hay không nào! Có làm được không hay để chúng anh giúp hộ một tay?

Nghe những lời bông đùa chế nhạo, Têdê rất bực. Chàng liền chạy ngay đến chỗ một chiếc xe bò, đang chất đầy đồ đạc. Chàng tháo ách cho con bò, tiếp đó chàng dùng sức cử bổng chiếc xe lên rồi đung đưa trên tay lấy đà và đột nhiên quăng mạnh một cái. Chiếc xe bay vèo qua đầu những người thợ xây khiến họ hoảng hồn khiếp vía. Lúc này họ mới nhận ra là họ đã nhầm lẫn. Cái cô thiếu nữ đáng yêu mà họ vừa trêu chọc thực ra là một trang thanh niên tuấn tú. Họ tưởng rằng họ sẽ phải nếm đòn trừng phạt. Nhưng không, Têdê không hề thù vặt.

Tới cung điện lão vương Êgiê, Têdê không xưng danh và lai lịch để xin vào yết kiến vua cha. Chàng giả vờ là người nước ngoài vì nhỡ độ đường xin vào gặp lão vương Êgiê để cầu xin sự giúp đỡ, che chở. Lão vương cho phép Têdê vào. Theo phong tục truyền thống người Hy Lạp, không ai hỏi lai lịch, tên tuổi người khách, trước khi rửa chân cho người đó và mời người đó vào dự tiệc.

Nói về cuộc sống của lão vương Êgiê sau khi từ giã đô thành Tơrêden. Nhà vua trở về Aten và ít lâu sau kết duyên với một người phụ nữ nổi tiếng là giỏi pháp thuật, tên là Mêđê. Quê hương Mêđê ở xứ Côkhiđ, Tiểu Á, đã có một đời chồng người Hy Lạp tên là Giadông. Nàng đã theo chồng về sinh cơ lập nghiệp ở Côranhtơ. Nhưng chồng nàng phụ bạc, ruồng bỏ nàng để lấy Glôkê, công chúa con vua Crêông. Ghen giận, căm tức chồng, Mêđê dùng pháp thuật giết chết công chúa và nhà vua, sau đó giết luôn hai đứa con trai của mình để trả thù chồng. Để tránh bị trừng phạt vì tội giết một lúc bốn mạng người, trong đó có nhà vua, Mêđê xin sang trú ngụ ở Aten và kết duyên với lão vương Êgiê.

Thấy có khách lạ đến cầu xin lão vương Êgiê giúp đỡ, Mêđê đem lòng nghi ngờ. Nàng đoán có thể là đứa con trai của Êgiê từ Tơrêden đến và nếu đúng thật như vậy, thì đứa con trai của nàng, Međơ (Mède) sẽ không được thừa kế ngai vàng. Mêđê nghĩ cách ám hại người anh hùng Têdê. Nàng dựng chuyện bôi nhọ Têdê, nỉ non thuyết phục Êgiê rằng, đây không phải là người khách bộ hành nhỡ độ đường, mà là một tên do thám. Tên này sẽ dò xét tình hình rồi về tường trình với vua của nước đó để cất quân, dấy binh sang đánh chiếm đô thành Aten. Vua Êgiê từ khi lấy Mêđê làm vợ xem ra chẳng còn minh mẫn để phân rõ thực hư. Trước kia nhà vua đã bị mê hoặc bởi những lời hứa ngon hứa ngọt của Mêđê như sẽ dùng pháp thuật làm cho nhà vua trẻ lại và v.v... vì thế từ đó trở đi Mêđê nói cái gì nhà vua cũng nghe theo thì bây giờ nhà vua cũng không thể cưỡng lại Mêđê điều gì. Thấy Êgiê có vẻ đã xiêu lòng tin theo điều mình bịa đặt Mêđê bèn tiến thêm một bướu nữa. Nàng nói cho nhà vua ý đồ ám hại tên do thám đó: đầu độc trong bữa tiệc.

Vào bữa tiệc, theo mưu kế của Mêđê, một cốc rượu độc cực mạnh được đặt trước mặt Têdê. bên những món ăn thịnh soạn. May thay, không rõ bị vướng víu thế nào Têdê bèn cởi bỏ thanh gươm đeo bên sườn ra treo lên tường. Cũng có thể vì phong tục không cho phép khách dự tiệc mang vũ khí bên người. Lão vương Êgiê trông thấy thanh gươm. Nhà vua nhận ra ngay đó là thanh gươm mà mình đã cất giấu dưới tảng đá ở chân núi Tơrêden. Nhà vua cúi xuống nhìn chân người khách lạ. Thôi đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, đôi dép trong chân người khách trai trẻ này chính là đôi dép của nhà vua. Lão vương Êgiê vội cầm ngay lấy cốc rượu độc hắt đi và cất tiếng:

- Hỡi người khách lạ trai trẻ! Xin người đừng giận! Trước khi bước vào buổi tiệc chào mừng ngày hôm nay, ta xin người hãy nói cho ta rõ vì sao người sắm được thanh gươm quý báu đến thế kia. Thần Hêphaixtôx đã rèn cho người để lập những chiến công vang dội trời xanh hay do người đã giết chết một tên tướng cướp hoặc đánh bại một dũng sĩ nào mà đoạt được? Xin người hãy kể cho ta nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi ta xin rót đầy một cốc rượu khác thật ngon để bù cốc rượu mà ta vừa đổ đi vì nhiễm bẩn.

Chẳng cần thuật lại lời Têdê, chúng ta cũng biết thế là hai cha con nhận ra nhau. Còn Mêđê lúc này lộ mặt điêu ác, gian tà. Lão vương Êgiê tha cho tội chết, song ra lệnh tống cổ hai mẹ con ra khỏi Aten. Nhà vua còn long trọng loan truyền cho muôn dân biết, người con trai vinh quang của nhà vua đã từ Tơrêden tới để kế nghiệp, đúng như lời sấm truyền thiêng liêng ở Đenphơ ban bố năm nào. Những chiến công của Têdê trong cuộc hành trình từ Tơrêden tới Aten cũng được kể lại cho chúng dân được biết. Mọi người đều hoan hỉ và tự hào vì đã có một bậc, anh hùng xứng đáng với đô thành Aten vinh quang nắm quyền dắt dìu trăm họ.

Nhưng tin người con trai của Êgiê từ Tơrêden tới Aten khiến nhà vua Panlax, anh em ruột với Êgiê không vui. Không vui vì lẽ Panlax vốn nuôi mộng sau khi Êgiê qua đời do không có con trai kế nghiệp thế tất đô thành Aten sẽ về tay các con mình. Bây giờ Têdê đã là người chính thức, hợp pháp thay thế lão vương Êgiê. Vậy muốn thực hiện được giấc mộng ấy, chỉ có mỗi cách là giết chết Têdê. Panlax bèn cử 50 người con trai của mình thường gọi là Pănglăngtiđ (Panlantides) sang đánh chiếm Aten. Biết rõ Têdê không phải là người thường, Panlax dùng mưu phục binh. Một bộ phận Pănglăngtiđ tiến công, chọc thủng tường thành, còn một bộ phận mai phục, lợi dụng lúc trong thành rối loạn, đột nhập vào thẳng cung điện bắt sống lão vương Êgiê hoặc Têdê. Nhưng một sứ thần của Pănglăngtiđ tên là Lêôx (Léos) biết được điều cơ mật này. Anh ta, Lêôx, bèn đến ngay nơi ở của Têdê, tiết lộ cho người anh hùng biết. Têdê bèn lập tức tiến công. Chàng ra lệnh cho toàn thể binh sĩ bằng bất cứ giá nào cũng phải tiêu diệt bằng được lũ quân mai phục. Cuộc chiến đấu vì thế đã xảy ra khá ác liệt. Những Pănglăngtiđ không còn một kế sách nào hơn là phải chiến đấu đến cùng, mặc dù rất dũng cảm, thậm chí đến liều lĩnh, nhưng cũng không sao thoát khỏi bị tiêu diệt. Bọn quân lãnh nhiệm vụ chọc thủng tường thành thấy lũ mai phục bị đánh phủ đầu nên rất hoang mang. Cuối cùng chúng bảo nhau rút chạy lo bảo toàn lấy tình mạng là hơn hết.

Ngai vàng như thế hết họa sau lưng đe dọa. Têdê quyết định thử sức trong một trận giao tranh nữa. Chàng lên đường đi Maratông. Như chúng ta đã biết, người anh hùng Hêraclex tuân theo lệnh của Ơrixtê đã lặn lội sang tận đảo Cret bắt sống và thuần phục một con bò rừng hung dữ. Chàng dâng con bò cho Ơrixtê, nhưng Ơrixtê lại đem thả con bò ra. Và từ đó con bò sống ở vùng Maratông trên đồng bằng Attich phá hoại hoa màu, đồng ruộng. Têdê với đôi tay trần, cũng như Hêraclex xưa kia, nắm chặt lấy sừng con vật ghìm giữ nó lại. Cứ thế người và vật tranh chấp nhau, con bò thì muốn húc băng người đang cản trở mình, còn Têdê thì muốn bắt con vật phải chịu sự thống trị của con người. Cuối cùng người thắng, Têdê dắt con bò về Aten làm lễ hiến tế cho thần Apôlông.

Sau chiến công này, Têdê lên đường sang Cret trừng trị con quái vật Minôtor như đã kể trên.

Têdê chống lại cuộc tiến công của những nữ chiến sĩ Amadôn. Như trên đã kể, trong cuộc hành trình của Hêraclex sang vương quốc của những nữ chiến sĩ Amadôn, để đoạt chiếc thắt lưng của nữ hoàng Hyppôlitê, Têdê đã tham dự và có công lớn. Chàng được Hêraclex thưởng cho nàng Ăngtiôpê, một nữ binh Amadôn, tùy tướng của nữ hoàng Hyppôlitê. Ăngtiôpê trở thành vợ của Têdê. Hai người sống với nhau ở đô thành Aten, cai trị thần dân của mình bằng đức độ nhân nghĩa và chí khí anh hùng. Nhưng bữa kia bỗng đâu đất bằng nổi sóng. Những nữ chiến sĩ Amadôn cho rằng vị nữ tướng kiệt xuất của họ là Ăngtiôpê vẫn đang bị Têdê cầm tù. Họ kéo một đội chiến thuyền lớn sang, đổ bộ lên đất Aten với hy vọng giải thoát cho Ăngtiôpê thoát khỏi cuộc đời nô lệ. Những nữ chiến sĩ Amadôn tràn lên vùng đồng bằng Attich. Dân cư kéo nhau chạy vào trong thành hy vọng những bức tường thành kiên cố sẽ cứu thoát họ. Nhưng rồi các Amadôn đột nhập được vào thành. Dân chúng lại một phen điêu đứng, kéo nhau chạy lăn khu vực thành cao tức Acrôpôn. Các Amadôn hạ trại vây quanh Acrôpôn. Cuộc chiến đấu ở vào một tình thế hiểm nghèo và quyết định đối với những người Aten.

Têdê xuất trận. Vợ chàng, Hoàng hậu Ăngtiôpê, không muốn rời chồng trong phút gian nguy này. Hơn nữa, nàng vốn là một nữ tướng danh tiếng. Nàng quyết chiến đấu bên người chồng yêu quý của mình. Nhưng rủi ro thay, khi nàng vừa xuất trận thì từ đâu một mũi tên bay tới cắm vào ngực nàng, hất nàng ngã lộn nhào từ trên lưng ngựa xuống đất, dưới chân người chồng. Têdê vô cùng đau đớn trước cái chết của người vợ chung thủy. Còn những nữ chiến sĩ Amadôn lại không ngờ xảy ra cảnh tượng này. Họ vô cùng thương tiếc và xót xa trước cái chết của một người cùng máu mủ với họ. Cuộc chiến đấu đến đây là kết thúc. Những người Amadôn xuống thuyền trở về Tổ quốc xa xôi của mình. Những người Aten làm lễ tang trọng thể cho vị nữ hoàng của họ. Còn người anh hùng Têdê, trong một thời gian khá dài chìm đắm trong nỗi đau xót, nhớ thương tưởng như khó bề nguôi giảm.

Têdê kết bạn với Piritôôx. Như trên đã kể, Piritôôx cai quản những người Lapit (Lapithes) ở vùng Texxati. Chàng mưu toan thử sức với Têdê, nhưng rồi quy thuận, xin kết nghĩa anh em, thề trước thần thánh, trời đất, sống chết có nhau.

Bữa kia, Piritôôx mời Têdê đến xứ sở của mình để dự tiệc cưới. Piritôôx cưới Hipôđami (Hippodamie), con gái của lão vương Ađraxtơ, tuổi danh là một thiếu nữ nhan sắc. Đã có nhiều chàng trai ngỏ ý cầu hôn với nàng nhưng nàng chỉ cảm phục và ưng thuận người anh hùng Piritôôx. Tiệc cưới rất linh đình. Ngoài các vương tôn, công tử khắp nơi theo lời mời đến dự tiệc còn có cả những vị khách Xăngtor. Vì sao bữa tiệc cưới thanh lịch và trọng thể, toàn những vị khách cao quý như thế, Piritôôx lại cho mời những vị khách nửa người nửa ngựa hình thù gớm ghiếc, tính nết thô bạo đến dự? Đó là vì Piritôôx vốn là anh em cùng bố khác mẹ với giống Xăngtor. Cha của chàng là Ixiông, người đã bị thần Dớt trừng phạt vì tội phạm thượng: mưu toan tằng tịu với Hêra. Thần Dớt đã biến một đám mây thành một người đàn bà giống như Hêra. Ixiông mất trí ái ân với đám mây đó nên mới sinh ra lũ Xăngtor nửa người nửa ngựa, hoang đã, man rợ. Vì có quan hệ máu mủ như thế nên những Xăngtor thường hay gây hấn, đòi Piritôôx phải trao lại vương quyền cho chúng. Nhưng chàng không nghe và đã tìm mọi cách để thuyết phục những người anh em Xăngtor hoang dã của mình. Và bừa tiệc cưới này, Piritôôx mời chúng đến dự cũng là một cách để tạo mối hòa khí đặng lựa lời khuyên giải chúng. Tân khách đến dự rất đông, đông lắm, đến nỗi các phòng trong cung điện đều dùng để tiếp khách mà vẫn không đủ chỗ. Một số vị khách phải nằm nghỉ ngay trên nền nhà. Còn tiệc thì ngoài những bàn trong cung điện, gia chủ còn phải bày thêm nhiều bàn nữa ở trong một cái hang đá to. Chẳng cần phải nói nhiều lời chúng ta cũng biết, bữa tiệc cưới này ồn ào phong phú như thế nào. Rượu từ các vò, các thùng tuôn chảy như suối. Thịt các giống vật, thú rừng nướng quay trên những bếp than hồng thơm ngào ngạt, bóng nhẫy. Tiếng đàn ca hòa với nhịp chân nhảy múa, tưng bừng rộn rã. Cô dâu và chú rể bước ra trong tiếng tung hô, chúc tụng tràn ngập niềm hứng khởi. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi và ngây ngất trước sắc đẹp lộng lẫy của em dâu.

Cảnh tiệc đang vui bỗng đâu một con Xăngtor gạt mạnh mọi người xông đến chỗ cô dâu. Nó nhảy phắt lên bàn tiệc vươn đôi tay dài gớm ghiếc ra ôm chặt lấy cô dâu rồi cắm đầu chạy. Tiếng la hét hãi hùng, tiếng quát tháo hoảng loạn nổi lên như chim vỡ tổ. Cùng lúc đó, bọn Xăngtor cũng tràn vào đám khách, gạt băng nam giới ra một bên và cướp phụ nữ. Bữa tiệc biến thành xung đột. Các anh hùng Lapit tay không giao đấu với lũ Xăngtor. Têdê cùng Piritôôx vừa đánh vừa kêu gọi mọi người đừng để một tên Xăngtor nào chạy thoát. Mọi người quay lại dùng đủ mọi thứ để giao đấu. Từ vò rượu đến cốc vại, bàn ghế... Vì theo phong tục thuở ấy, phàm đã đi dự tiệc thì bất kể ai cũng phải để vũ khí ở bên ngoài. Vì thế các anh hùng dũng sĩ phải chiến đấu vất vả mới dồn được lũ Xăngtor ra một góc để đánh bật chúng ra ngoài. Ở bên ngoài một số tráng sĩ có vũ khí đánh rất mạnh. Và khi mọi người đã thoát ra khỏi phòng tiệc thì, thật sung sướng họ nhanh chóng cầm lấy vũ khí và tiếp tục tấn công. Những mũi tên sắc nhọn tẩm độc, những ngọn lao bay đi vun vút, cắm liên tiếp vào người lũ Xăngtor. Chúng đau đớn kêu la khủng khiếp. Xác chúng chết đổ xuống đó đây nếu đem dồn chất lại thì có thể cao như ngọn đồi. Cuối cùng lũ Xăngtor phải tháo chạy lên ngọn núi Pêliông cao ngất mới thoát khỏi bị truy đuổi. Những người Lapit đã từ thế yếu chuyển thành mạnh đánh thắng một trận oanh liệt, giành lại được nàng Hippôđami cho Piritôôx. Trong số những chiến sĩ kiệt xuất về phía khách, ta phải kể trước hết là Têdê, còn về phía chủ thì không ai vượt được tài năng của người anh hùng Piritôôx. Cuộc giao tranh của những người Lapit đối với lũ Xăngtor nửa người nửa ngựa chính là sự thắng lợi của văn minh đối với hoang dã, man rợ. Nó phản ánh bước chuyển biến quá độ của xã hội Hy Lạp từ dã man tiến dần đến văn minh, từ tình trạng hoang dại của chế độ thị tộc mẫu quyền tiến tới cuộc sống có văn hóa. Và hiện tượng đó đã phản ánh vào trong loại huyền thoại anh hùng, một sản phẩm của chế độ phụ quyền.

Têdê cướp Hêlen làm vợ - Têdê với Piritôôx xuống âm phủ mưu cướp Perxêphôn - Cái chết của Têdê. Nàng Hippôđami, người vợ trẻ đẹp của Piritôôx, cuộc đời thật ngắn ngủi. Nàng sống với người chồng anh hùng của mình chẳng được bao lâu đã lâm bệnh qua đời. Nhưng rồi thời gian trôi đi, Piritôôx phải nghĩ đến việc lấy vợ. Chàng xuống Aten gặp Têdê để bàn tính chuyện đại sự. Hồi đó ở vùng Lacôni, một vùng ở mạn cục Nam của bán đảo Pêlôpônedơ có một người thiều nữ tên là Hêlen (Hélène) cực kỳ xinh đẹp. Nàng là con của thần Dớt và công chúa Lêđa (Léda). Thần Dớt cảm xúc trước sắc đẹp của Lêđa đã biến mình thành một con thiên nga (có người bảo là con ngỗng) đến ái ân với nàng. Khi ấy Lêđa đã có chồng. Chồng nàng là Tanhđar (Tindare) vốn là cháu ngoại của Perxê. Nhẽ ra Tanhđar được thừa kế ngai vàng của vua cha trị vì đô thành Xpart nhưng tên Hippôcôông (Hippocoon) lợi dụng lúc nhà vua già yếu dùng vũ lực chiếm ngôi đuổi hai anh em Tanhđar và Iraxiôx ra khỏi đất Xpart. Tanhđar đến xứ Êtôli xin nhà vua Thextiôx cho cư ngụ. Thương cảm số phận bất hạnh của chàng trai, nhà vua gả con gái mình, công chúa Lêđa cho Tanhđar.

Cuộc tình duyên giữa Dớt và Lêđa sinh ra một người con... Không phải! Vì Dớt dưới dạng con thiên nga nên Lêđa phải sinh ra một quả trứng. Và từ quả trứng này đã nở ra một gái và một trai. Gái tên gọi là Hêlen, trai tên gọi là Pônluyx.

Vào lúc Piritôôx bàn chuyện đại sự với Têdê thì Tanhđar đã khôi phục được quyền thế ở Xpart. Người anh hùng Hêraclex đã giúp Tanhđar trong sự nghiệp này, kết quả của việc bàn chuyện đại sự giữa hai chàng trai của đất Texxali và đất Attich là: cướp Hêlen. Lợi dụng dịp lễ nữ thần Artêmix, hai chàng trai đột nhập vào đoàn các thiếu nữ đang nhảy múa, bắt cóc Hêlen. Họ đưa nàng về giấu ở đô thành Aten. Nhưng công bắt thì chung cả hai người. Vậy thì nàng thuộc về ai? Têdê và Piritôôx đã thỏa thuận với nhau trước, sẽ rút thăm để cho công bằng. Têdê trúng, Hêlen thuộc về chàng. Nhưng vì tình anh em kết nghĩa, Têdê phải giúp Piritôôx tìm vợ. Và chàng Piritôôx này nảy ra ý định xuống âm phủ bắt cóc Perxêphôn. Thật là kỳ quặc và coi trời bằng vung. Nhưng Têdê không thể từ chối được. Chàng đã cam kết và thề hứa bằng mối tình bạn thiêng liêng và chân thành. Lẽ nào chàng được Hêlen rồi mà đến lúc bạn chàng muốn có Perxêphôn, chàng lại không giúp đỡ? Thế là đôi bạn mở cuộc hành trình xuống vương quốc của thần Hađex. Chẳng hiểu họ dùng cách nào mà vượt qua được những con sông Akhêrông, Xích và được lão lái đò lạnh lùng và nghiêm khắc. Không chở cho qua. Vào được cung điện của thần Hađex, họ đến đứng trước mặt hai vị thần và bằng lời lẽ ngạo mạn, họ đòi Hađex trao cho họ nàng Perxêphôn xinh đẹp. Thần Hađex tức giận đến bầm gan tím ruột. Nhưng thần anh hùng của mình. Thần ân cần mời hai vị khách quý ngồi xuống hai chiếc ghế đá ở lối đi vào vương quốc nghỉ ngơi rồi dự tiệc khoản đãi. Nhưng khi hai vị anh hùng vừa ngồi xuống chiếc ghế đó thì không sao đứng dậy được nữa. Xiềng xích từ đâu bung ra trói chặt hai người lại. Đó là hai chiếc ghế Lãng quên: một vũ khí vô cùng lợi hại của Hađex. Sau này nhờ người anh hùng Hêraclex giải thoát, Têdê mới trở lại được thế giới của ánh sáng mặt trời, còn Piritôôx, các thần bắt phải chịu đời đời sống dưới vương quốc của Hađex tối tăm. Trong khi Têdê bị ngồi trong Chiếc ghế Lãng quên thì hai người anh ruột của nàng Hêlen là Pônluyx và Caxtor đi tìm em khắp mọi nơi mọi chỗ. Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể qua về lai lịch Caxtor. Hêlen và Pônluyx con của Dớt và Lêđa. Nhưng không phải Lêđa chỉ sinh con với Dớt. Nàng còn sinh với người chồng trần thế của mình, Tanhđar hai người con nữa: một trai tên là Caxtor (Castor), một gái tên Clitemnextơrơ (Clytemnestre). Vì là con của Dớt nên Pônluyx bất tử còn Caxtor thì không. Một nguồn thần thoại khác theo các nhà nghiên cứu cho biết thuộc về một thời kỳ cổ hơn, kể lại: cả hai anh em này đều là con của Dớt và đều bất tử, thường gọi chung bằng một cái tên là Điôxcuyar (Dioscures).

Caxtor và Pônluyx đi hỏi khắp nơi hết người này đến người khác, cuối cùng họ được người anh hùng Acađêmôx (Académos) chỉ cho biết nơi Têdê giam giữ Hêlen. Anh em Điôxcuyar liền kéo quân lên vây đánh thành Aten. Aten không không cự nổi Quân Xpart tràn vào giải thoát cho Hêlen và bắt Êthra, mẹ của Têdê làm tù binh. Họ trao quyền cai quản thành Aten và vùng đồng bằng Attich cho Mênextê (Ménesthée) con trai của Pêtêôx (Pétéos), là người đã bị trục xuất khỏi Aten.

Từ thế giới âm phủ trở về, Têdê không ngờ được vương triều và gia đình mình đã tan nát đến thế. Chàng buồn rầu đi sang đảo Ơbê (Eubée) với hy vọng xin lại nhà vua Licômed (Licomède) cơ nghiệp của mình ở đây. Nhưng vua Licômed (vốn quê ở Xkirôx) không muốn trả lại cơ nghiệp cho chàng... Trong một cuộc dạo chơi, Licômed đã dụ Têdê lên núi rồi bất ngờ đẩy chàng xuống vực. Thế là kết thúc số phận người anh hùng vĩ đại nhất của đất Attich thiêng liêng. Mãi khá lâu sau này, con trai của Têdê là Đêmôphông mới khôi phục lại được quyền thế ở Aten, khi đó theo người xưa nói, Mênextê đã chết đâu rồi. Cuộc chiến tranh Tơroa xảy ra. Những người con trai của Têdê tham dự. Khi thành Tơroa bị hạ, họ tìm được bà nội của họ là Êthra bị Parix bắt ở Xpart đưa về Tơroa làm nô lệ.

Chiến công của Têdê không phải chỉ có thế. Chàng còn tham dự vào nhiều cuộc đua tài thử sức cùng với các danh tướng Hy Lạp, trong đó có cuộc săn con lợn rừng Caliđông, cuộc viễn chinh sang phương Đông của những người Argônôt để đoạt Bộ Lông Cừu Vàng, việc hiến kế cho nhà vua Ađraxtơ để lấy thi hài những anh hùng tử trận ở Tebơ... Chàng còn tiếp đón người anh hùng Ơđip với tấm lòng nhân hậu, khoan dung khi Ơđip tự trục xuất mình khỏi thành Tebơ... Có chuyện kể, Têdê không bị Licômed ám hại mà chàng lâm bệnh qua đời ở đảo Ơbê. Đối với người Hy Lạp xưa kia, Têdê được coi là người anh hùng đã sáng lập ra nhà nước Aten. Hài cốt của chàng, theo lời phán truyền của thần thánh cầu xin được ở Đenphơ, phải bằng mọi cách đưa về Aten. Nhân dân Aten đã xây dựng cho người anh hùng vĩ đại của mình một ngôi mộ và một đền thờ to lớn (thế kỷ V tr.C.N.). Người ta còn đặt ra ngày Hội Têdê. Theo các nhà nghiên cứu, cái tên "Têdê" lúc đầu chỉ có thể là một trong những biệt danh có tính chất địa phương của thần Pôdêiđông, vị thần bảo hộ cho những người Iôni, sau đó mới trở thành tên của một vị anh hùng với diện mạo riêng và có sự nghiệp đối lập. Dấu vết của mối liên hệ với Pôdêiđông còn lưu giữ lại trong sự trùng hợp của hai ngày lễ thờ cúng Têdê và Pôdêiđông: ngày thứ tám mỗi tháng.

Trong thời cổ đại, Têdê được coi là một nhân vật lịch sử. Nhà văn Pluytác trong tác phẩm Tiểu sử đối chiếu viết tiểu sử Têdê ở chương đầu. Ông cho chúng ta biết Têdê là người chế định ra hội Panatênê, đặt ra luật pháp, các đơn vị, các tổ chức hành chính, các quy chế hành chính cho vùng đồng bằng Attich. Hơn thế nữa, Têdê còn là người đặt ra tiền tệ, các sinh hoạt văn hóa - tôn giáo...

Lại nói về người anh hùng Acađêmôx đã có công chỉ cho anh em Điôxcuyar biết nơi giam giữ Hêlen. Acađêmôx chết đi được chôn sau bức tường thành Aten. Quanh phần mộ của chàng là một khu rừng nhỏ thiêng liêng mà người Hy Lạp xưa kia để tưởng nhớ Acađêmôx đã đặt tên là Acađêmi (Académie). Trong thế kỷ IV tr.C.N., nhà triết học Platông thường đến giảng giải cho các môn đệ của mình ở khu rừng này, từ đó trường học ông mở và dạy mang tên là Acađêmi. Sau này danh từ Acađêmi chuyển nghĩa và như ngày nay chúng ta đều biết, đó là tổ chức cao nhất, là đầu não, là bộ tham mưu, là nơi tập trung những trí tuệ kiệt xuất nhất của một quốc gia: Viện Hàn lâm khoa học.

Nói về tích Hêlen sinh ra từ một quả trứng. Vì tích này cho nên trong tiếng Latinh có thành ngữ abovo nghĩa là từ quả trứng với một ý nghĩa rộng hơn, chỉ một cội nguồn sâu xa của sự việc. Nguyên nhân đầu tiên, nguyên thủy của sự việc. Thành ngữ Latinh này cũng như nhiều thành ngữ Latinh khác đã trở thành tài sản chung của nền văn hóa nhân loại và ngày nay người ta vẫn sử dụng nguyên văn tiếng Latinh như thế trong khi diễn đạt ý kiến của mình.

Continue Reading

You'll Also Like

45.3K 2.4K 6
sau vụ tận thế do con quỷ giấc mơ kia gây ra diper nhận ra được mình yêu Bill đến thế nào và ko lâu sau cậu bị Bill bắt giữ........ nói thật là tui...
2.4K 148 8
Đây là mk viết tiếp do nick cũ đã bị mất rồi !!! Mọi người thông cảm nha 😵😵
61.3K 2.4K 29
"Sakura, cậu nhất định phải chờ tớ quay về nhé! Tớ nhất định... sẽ đến đón cậu!"-- Lời hứa của Syaoran nói trước khi chia tay, 7 năm sau, đã không cò...
5.8K 540 12
ReoNagi Sau khi chia tay Reo vẫn muốn níu kéo lại cuộc tình đang dang dở của gã và em