Q1-Ch 21-30

61 0 0
                                    


Quyển 1 - Chương 21: Hỏi đạo nào không còn trong khuôn khổ?


Lữ Thanh Thần mỉm cười:

- Vậy ngươi muốn biết chuyện gì?

Ninh Khuyết cẩn thận suy nghĩ khá lâu mới đáp:

- Vãn bối muốn biết... thế nào là tu hành?

Lữ Thanh Thần cười rộ lên:

- Thằng nhóc này tham lam thật.

Ninh Khuyết hoàn toàn không tỏ ra xấu hổ, hắn nói:

- Vậy ngài có thể cho vãn bối biết con đường tu hành phân ra bao nhiêu cảnh giới? Mỗi cảnh giới khác nhau có những năng lực gì khác nhau?

- Thật là ngoài dự tính của ta. - Lữ Thanh Thần cười nói - Nên nhớ người bình thường tuy không quá rõ về mấy thứ này nhưng chúng cũng chẳng được tính là bí mật.

- Không được tính là bí mật thì vẫn cứ là bí mật. - Ninh Khuyết cũng cười - Vãn bối hứa sẽ kín miệng như bưng.

- Thôi được. - Lữ Thanh Thần gật đầu, lão trầm ngâm - Ngươi biết Hạo Thiên đạo chứ?

Ninh Khuyết nhìn vị cao nhân của chính Nam môn Hạo Thiên đạo này, gật đầu cái rụp.

- Ta xuất thân từ Nam môn Hạo Thiên đạo, phụng mệnh đi du lịch thế gian, người đời hay gọi những kẻ như ta là môn hạ hành tẩu. Ngươi đã muốn tìm hiểu về tu hành, vậy ta lấy chính Hạo Thiên đạo để nói.

- Hạo Thiên đạo thờ phụng trời cao, trời cao là khởi nguồn duy nhất của mọi con đường tu hành, bởi trời cao ôm ấp vạn vật, chiếu sáng nhân gian, mọi vật theo đó mà hô hấp, hô hấp ấy chính là hơi thở của trời đất hay còn gọi là nguyên khí.

- Con người là một loài trong vạn vật, ngây ngô sống giữa thế gian, rồi bỗng một ngày ngẫu nhiên nhận được mách bảo của trời cao, từ đó mới dần hiểu đạo lý của tự nhiên tạo hóa, lấy ý niệm khống chế nguyên khí, làm được những điều kì diệu, đó chính là tu hành.

- Con đường tu hành dài mênh mông vô tận, đòi hỏi ý chí vững vàng kiên định, con đường đó được chia làm năm giai đoạn, cũng là năm cảnh giới mà ngươi đã nói.

- Cánh giới đầu tiên gọi là sơ thức, là giai đoạn ý niệm của người tu hành phát ra từ khí hải tuyết sơn, bước đầu cảm nhận được sự tồn tại của nguyên khí.

- Cảnh giới thứ hai là cảm tri, là giai đoạn người tu hành có thể tiếp xúc với nguyên khí trôi nổi chuyển động giữa đất trời, thậm chí có thể thực hiện một vài hành động giao lưu qua lại dựa trên cảm giác.

- Cảnh giới thứ ba gọi là bất hoặc, lúc này người tu hành bắt đầu hiểu được một số quy luật lưu động của nguyên khí và từ đó sử dụng chúng, họ chính là những kiếm sư, phù sư trong cách gọi của người đời.

- Cảnh giới thứ tư là động huyền. Khi tiến vào cảnh giới này, người tu hành có thể dung hợp ý thức của mình với nguyên khí đất trời thành một thể, do đó những kẻ tu niệm có khả năng dùng ý thức của mình trực tiếp tấn công kẻ địch, thậm chí những người đã tiến vào động huyền nhiều năm luôn có vài thủ đoạn kì diệu khó tưởng tượng nổi.

- Anh bạn nhỏ, đừng nhìn ta bằng ánh mắt như vậy, đúng là ta đã tiến vào cảnh giới động huyền nhưng tiếc rằng mãi tận khi tuổi quá già mới nhấc nổi một bàn chân bước qua ngưỡng cửa, ta giống như một đèn dầu đã khô, lửa tất phải tắt, đại khái đến khi chết cũng không thể kéo nốt chân kia vào trong, nếu không... đêm đó sao phải chật vật mãi mới giết được một tên đại kiếm sư như vậy?Ngọn đèn trong xe tỏa ánh sáng mờ đục, dường như cũng sắp cạn dầu, Lữ Thanh Thần cúi đầu nhìn đôi chân của mình, trong lòng thầm nghĩ thời gian quả thực vô tình, cứ thế trôi đi, có biết đợi ai bao giờ?

- Cảnh giới thứ năm là tri mệnh. Hiểu được mệnh người cũng là hiểu được mệnh trời. Người tu hành thuộc cảnh giới này không chỉ biết tường tận quy luật lưu chuyển của nguyên khí mà còn nắm được quy luật vận hành của nó, hiểu được những mối liên hệ giữa vạn vật và đất trời, hiểu được bản nguyên của thế giới. Có lẽ chỉ những người tiến vào cảnh giới này mới thực sự được coi là đắc đạo.

Ninh Khuyết mê mẩn lắng nghe, thấy Lữ Thanh Thần dừng lời mới giật mình, hắn giơ tay hỏi tiếp:

- Thưa tiên sinh, liệu có phải phía trên năm cảnh giới kia còn tồn tại cảnh giới khác?

- Tại sao ngươi nghĩ vậy? - Lão già thích thú nhìn hắn.

Ninh Khuyết đáp:

- Nếu đã nói con đường tu hành là một con đường dài vô tận, vậy tất nó không thể có điểm cuối, cũng giống như trên thế gian này làm gì có con đường nào không có lối ra, vì vậy vãn bối mới nghĩ nhất định sẽ còn những cảnh giới cao hơn.

- Thằng nhóc này thật là... ngay cả sơ cảnh còn chưa nhập mà vẫn có tâm tư để ý tới mấy chuyện xa xôi.

Thấy lão vừa cười vừa mắng, Ninh Khuyết mỉm cười vô tội:

- Tiên sinh cứ coi đó là sự hiếu học của vãn bối đi.

- Trên đời này ta chưa từng gặp gã trai nào hiếu học còn hơn hiếu sắc. - Lữ Thanh Thần cười.

Nghe lão nói quá chí lí, trong lòng Ninh Khuyết phải giơ ngón cái lên mấy lần, rồi hắn giang hai tay ra cải chính:

- Không phải hiếu học, vậy gọi là hiếu kì đi.

Lữ Thanh Thần lại im lặng, rất lâu sau lão mới nói tiếp:

- Trong truyền thuyết, cao hơn tri mệnh còn rất nhiều cảnh giới kì diệu khác, nhưng chỉ có hai loại từng được ghi chép trên điển tịch, một là thiên khải, một là vô cự.

- Ở cảnh giới thiên khải, người tu hành có thể trực tiếp nhận được mách bảo từ trời cao, dùng sự thành tâm bái tế mà tạo thần thuật, mượn lấy sức mạnh của ánh sáng giữa chốn đất trời mênh mông, ánh sáng chiếu khắp thế gian, người tu hành dẫu chỉ mượn được một tia một dải thì uy năng đó đã hùng mạnh tới nhường nào?

Trong đầu Ninh Khuyết chợt hiện ra hình ảnh một vị đại năng áo trắng phất phơ quỳ lạy trời xanh, tức thì mây tạnh sương tan, ánh dương rọi xuống, hắn vừa vung tay biển liền động núi liền rung, nghĩ đến đó, trái tim Ninh Khuyết bỗng run rẩy, khó bình tĩnh được, âm thanh của hắn không hiểu sao bỗng nhiên khàn đi:

- Vậy... vô cự là cảnh giới ra sao?

- Trong điển tịch chỉ cho biết từng có cảnh giới đó xuất hiện nhưng cụ thể ra sao thì không tả rõ, tất cả chỉ có một câu chung chung: muốn sao được vậy, không còn khoảng cách.

Lữ Thanh Thần hơi nhíu mày, chậm rãi nói tiếp:


Tướng DạUnde poveștirile trăiesc. Descoperă acum