Oán thù

1.4K 8 0
                                    

***OÁN CỪU & THÙ HẬN***

Người đời thế gian với cái nhìn đoản kiến, vì đoản kiến cho nên họ chỉ nhìn dưới góc nhìn giữa một trường đoạn vi tế trong một khoảnh khắc của hằng hà sa kiếp luân hồi.
Họ muốn thấy ngay lúc làm ác kẻ ác phải nhận ác báo, họ muốn thấy ngay lúc hành thiện quả thiện phải trổ phúc lành.
Nhưng viên ngọc trai sở dĩ có thể đẹp rạng rỡ, lấp lánh là vì nó được vun bồi qua từng ngày, từng tháng, từng năm, nếu quá gấp gáp, nóng vội thì viên ngọc trai cũng chỉ là một hạt cát tầm thường không hơn, không kém so với triệu ức hạt cát chung quanh.

Vì vậy muốn có được quả lành càng lớn lao, càng vi diệu thì lại càng phải kiên trì, tinh tấn, gieo tạo, vun bồi qua nhiều năm tháng, nhiều đời kiếp. Khi phúc duyên thuần thục, quả lành ất sẽ ứng hiện một cách tự nhiên và bất ngờ.

Và cũng như vậy, ác báo không phải không tồn tại, mà nếu là cái ác đó quá lớn nó lại phải đợi một thời khắc mà duyên thời khế hợp để ứng thị quả báo sâu dày.

Hôm nay thầy thuyết lẽ này là bởi vì có rất nhiều người bày tỏ ý niệm rằng: Vì sao những người gian trá, làm nhiều điều ác hãm hại bản thân ta, làm cho ta mất nhà, mất của, làm cho ta mất vợ, lạc con, làm cho ta khổ đau, thương tật... đó là việc ác chứ còn là gì nữa? Và nếu đó là việc ác sao họ không chịu báo ứng, vì ta không thấy họ bị báo ứng cho nên tâm ta sanh oán hận, thù hằng. Ta muốn kẻ đó cũng phải như ta, thậm chí còn đau khổ hơn ta gấp bội, ta cũng muốn nó mất của, mất nhà, lạc vợ, mất con, khổ đau, thương tật....
- Ta cho rằng đó là lẽ công bằng?!
- Ta cho rằng đó là điều kẻ đó đáng phải nhận lấy!? Và đó là thường niệm của thế gian.

Còn với người trí, hữu học, liễu pháp thì họ sẽ thấy khác!
Vậy hôm nay thầy xin được nói cái thấy của Phật Niệm về ác báo thế gian này:
- Họ sẽ thấy rằng: Oán cừu & Thù Hận không mang đến cho ta điều ta đã mất, mà chỉ mang đến cho thêm một người nữa phải mất những thứ giống như ta.
Cũng như một ông Phú Hộ trong một lần bị cướp vào nhà, những kẻ cướp đã chặt mất của ông ấy một cánh tay (vì ông ấy không chịu giao ra chùm khóa nơi cất giữ vàng bạc, của cải). Và vì điều này ông ấy oán hận, ông ấy đã ra lệnh chặt tay tất cả gia đinh trong nhà mỗi người một cánh tay để ai cũng phải như ông ấy. Lại chẳng may trong số gia đinh ấy có người nhà của bọn cướp, mấy ngày sau chúng lại quay trở lại chặt luôn cánh tay còn lại của ông ấy.
Nhưng dù có chặt hết tay tất cả bọn cướp và mọi người trong nhà thì tay ông ấy có mọc lại được nữa chăng?!
Không thể nào mọc lại được nữa!
Ta khoan hãy xét đến việc bọn cướp ấy vào nhà cướp tài sản và chặt tay ông ấy là bởi do duyên gì đưa đến, là quả báo của ông ấy trong các kiếp quá khứ hay là ác nghiệp của bọn cướp trong hiện kiếp. Nhưng vì lòng oán hận, thù hằng ông ấy đã tạo ra một ác nghiệp khác, ác nghiệp thì là ác nghiệp, ác nghiệp không thể bao biện bằng bất cứ lý lẽ nào.

Và như vậy, mối khúc mắc không những không được tháo gỡ mà còn bị buộc chồng chéo nhiều thêm hơn nữa.
Oán hận, thù hằng nào đâu đã được báo đền, đáp trả mà còn tạo thêm nhiều mối hận thù.

Hôm nay duyên thuần thục, họ lấy oán đáp trả oán ta gieo, ngày sau khi duyên thuần thục ta lại lấy oán đáp trả oán họ gieo.
Có người lại hoài nghi hỏi rằng: Thầy nói có nhân quả, có báo ứng, có công bằng trong tam giới, vậy sao tôi trả thù hắn lại tính là tôi có tội? Lại tính là tôi ác nghiệp? Vậy sao lại nói dưới âm ty có Địa Ngục trừng trị kẻ ác gian? Vậy chẳng phải Âm Ty cũng đang tạo ra trăm ngàn ác nghiệp hay sao?!
Vấn đề này thầy thấy cần phải giảng luận cho thấu triệt để mọi người tháo gỡ mối hoài nghi:
Sở dĩ dưới Âm Ty kẻ ác phải chịu ác báo là bởi vì khi đó chỉ (duy nhất) một mình hắn ta thụ khổ báo, còn khi hắn đang sống trong đời, ta trả thù hắn (dù là nghiệp hắn gieo ra) thì không chỉ có mỗi hắn là người nhận lãnh, ít thì cũng liên luỵ đến cha mẹ, vợ con, nhiều thì có khi lại bị vạ lây bởi những người vô tội khác chung quanh hắn.
Do vậy khi ta trả thù thì cái ác nghiệp của hắn vẫn còn đó, vẫn hiện hữu trong mớ hỗn độn các nghiệp mà kẻ đó gieo tạo, nhưng lại có thêm một người như hắn đó chính là bản thân ta.
Ta thấy hắn hại ta là ác, vậy sao ta còn làm giống hắn? Há chẳng phải ta cũng đi theo bước chân của hắn đó hay sao?!
Ta thấy người kia làm khổ ta, ta hận? Vậy khi ta làm người kia khổ lại họ có hận ta không? Và rồi khi kẻ ấy khổ giống ta rồi thì ta có hết khổ không?! Có hết được hận không?!
Hoàn toàn không hết, mà đau khổ ấy sẽ thêm dày vò khi ta gieo ra mầm ác nghiệp.
Vậy thì ta không nên oán cừu, càng không nên thù hận, khi chẳng may rơi vào nghịch vận gặp kẻ ác tâm, mưu hại, dối lừa ta càng phải thấy rõ đó là do duyên nghiệp thân ta mà đến, càng nên ý độ rằng ta không thể biến mình giống như kẻ đó hôm nay!
Nếu đó là ác nghiệp thì kẻ kia vĩnh viễn không thể nào thoát được ác báo vị lai. Nhưng nếu ta nông nổi, cạn suy mà làm điều bất thiện để đáp trả hận thù thì ta lại thêm một lần nữa đã tự tay mình tạo ra một mầm mống cho tương lai sau này sẽ lại rơi vào nghịch vận như hôm nay ta đang thụ nhận.
Đó cũng là vì sao ta xem trên các phim ảnh hay các câu chuyện, những người tu hành chuyên chánh, các bậc thượng trí La Hán, Bồ Tát, Phật không bao giờ giết chết yêu ma (dù yêu ma đó đã giết hại trăm ngàn người vô tội). Bởi vì chỉ có như vậy mới tháo được nút thắc oán hờn, họ chỉ cách ly và điều phục bằng chân tâm thiện tánh.
Người học phật trong đời cũng cần giữ gìn ý niệm, đa phần khi kẻ thủ ác giết cướp nhiều người, khi bị bắt được người ta lại muốn mang ra xẻo thịt, lột da, và cho rằng đó là xứng đáng, là công bằng. Nhưng đó chính là khởi niệm của tà ác và người khởi niệm như thế so với kẻ thủ ác kia cũng không khác chi nhau. Chỉ khác nhau một điều là ác nghiệp kia đã thuần thục, đã gieo ra, còn ác niệm này thì đang ươm mầm, phát trổ.
Và khi duyên thời khế hợp kẻ có ý niệm tà ác hôm nay sẽ biến thành kẻ mà chính họ đang nguyền rủa, oán thù này!

Oán oán, thù thù vây lấy tâm
Đau đau, khổ khổ, nghiệp ươm mầm
Xả bỏ, thâu tâm về an trú.
Đêm hè, nghe dội tiếng chuông ngân.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Chúc tất cả liễu ngộ, tinh tấn!

Nhân-quả và Nghiệp báoNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ