LÀM SAO GIỮ LỬA VIẾT LÁCH? (1)

575 69 14
                                    

LÀM SAO GIỮ LỬA VIẾT LÁCH?

Mình không nhớ nổi có bao nhiêu lần các bạn, các em đang trong quá trình rèn luyện kĩ năng viết lách hỏi mình "Làm thế nào để em có thể đọc/viết nhiều được như chị?" nữa. Mặc dù các câu trả lời mình đưa ra đều quy về một phương pháp đơn giản nhất - tạo thói quen, nhưng ở bài này, mình muốn chia sẻ thêm một số phương pháp luyện viết đa dạng hơn để các bạn có thể lựa chọn. Mà theo mình thì, chỉ cần bạn thành công ở một phương pháp thì khả năng và sức viết của bạn sẽ tăng lên rất, rất nhiều luôn đấy!

VIẾT NHẬT KÝ
Đây là phương pháp mà mình nghĩ rằng đơn giản nhất. Bạn có thể viết lại nhật ký mỗi ngày của mình: có điều gì vui buồn, bực bội? Bạn đã gặp và trò chuyện những gì với những ai? Hay đơn giản là cả ngày hôm đó bạn đã làm gì, đi đâu, gặp ai...hãy kể lại mọi thứ, đừng ngại nhàm chán, bởi lẽ Nhật Ký từ đầu đã mang nghĩa là kể lại những chuyện xảy ra mỗi ngày rồi. Viết Nhật ký đơn giản ở chỗ bạn không cần phải suy nghĩ câu từ hoặc lên cốt truyện, cách viết gì nhiều, cứ nhớ gì viết nấy, thế thôi. Bạn có thể viết loạn xạ, câu này xỏ câu kia cũng được, chẳng có vấn đề gì hết. Đổi lại, việc viết nhật ký mỗi ngày giúp bạn dần dà nhận ra cách chọn lọc chủ đề để viết, lựa điểm nhấn để tập trung vào đó đồng thời cũng nâng sức viết cho bạn theo từng ngày nữa.

REVIEW SÁCH - PHIM - ẨM THỰC...
Nếu bạn cảm thấy chán nản với việc ngày nào cũng liệt kê ra mình đã làm gì như một bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn, thì bạn có thể đổi gió bằng cách review lại các vấn đề mà mình quan tâm và đã trải nghiệm như sách, phim, các món ăn - thức uống đã dùng thử hoặc địa điểm, nơi chốn đã đi qua...viết một bài review ngắn rất đơn giản, chỉ cần tả lại cảm xúc của bạn, những suy nghĩ về đối tượng đó, hoặc thêm thắt vài chi tiết kể lại việc bạn đã trải nghiệm nó như thế nào. Nhiều người viết truyện hay nhầm lẫn review với việc đánh giá/nhận xét tỉ mỉ ưu - nhược điểm của một đối tượng, thực ra cái này cũng đúng phần nào nhưng chỉ nên dùng cho các câu chuyện tự sáng tác của những tác giả còn đang trong quá trình luyện viết thôi. Một bài review chỉ đơn thuần là kết hợp của sự trải nghiệm, tư duy người viết và cảm nhận của họ cho một đối tượng hoặc vấn đề nào đó thôi. Việc viết lại những trải nghiệm, cảm nhận của mình cũng là một cách rèn luyện phương pháp miêu tả, mô tả, dẫn dắt câu chuyện và tập tư duy tốt hơn cho bạn đấy.

VIẾT TRUYỆN NGẮN
Thông thường, đa số người bắt đầu viết luôn có sẵn một câu chuyện dài đầy tình tiết trái ngang để phóng bút, nhưng trên thực tế rất hiếm ai có thể hoàn thành được một câu chuyện dài hơi của riêng mình. Vấn đề của họ thường nằm ở sức viết và trình độ viết chưa thực sự đạt mức cơ bản đủ để hoàn thành câu chuyện, vì thế, viết truyện ngắn là một cách rèn luyện kĩ năng viết rất tốt. Nếu bạn để ý thì ngoài những tập truyện/sách vừa hoặc dài hoặc tiểu thuyết/trường thiên tiểu thuyết thì các nhà văn vẫn có những tập truyện ngắn hoặc rất nhiều câu chuyện ngắn khác. Hẳn là các bạn cũng hiểu rồi đấy, họ viết không phải là hứng lên rồi để đó đâu nhé, những nhà văn hoặc người viết tốt thường dành một sự chú tâm nhất định cho truyện ngắn, thậm chí vài người trong số họ còn nhận định rằng truyện ngắn khó viết hơn truyện dài rất nhiều. Nhưng nếu bạn có thể làm chủ được truyện ngắn, thì bạn cũng sẽ sớm cảm thấy dễ thở hơn với câu chuyện dài hơi của mình thôi. Truyện ngắn là sự cô đọng của tất cả những kĩ năng viết rất cần thiết để bạn theo đuổi đam mê con chữ của mình: một cốt truyện đầy đủ nhưng cũng không dễ bị bôi dài, khả năng kiểm soát tình tiết, cách tạo điểm nhấn xuyên suốt và nổi bật, sự cân bằng giữa miêu tả cảnh vật và nội tâm cùng chi tiết/tình tiết của truyện...truyện ngắn dường như có một sự đòi hỏi khác biệt và có phần khắt khe hơn nhiều so với việc bạn theo đuổi một câu chuyện dài của riêng mình. Vì thế, viết truyện ngắn là cách mà bạn có thể sử dụng để rèn sự kiểm soát cốt truyện và tình tiết truyện - một kĩ năng cực kì có lợi về sau này cho bạn trong quá trình viết lách.

LÊN DÀN Ý TRUYỆN CHI TIẾT
Trong trường hợp bạn có quá nhiều ý tưởng nhưng lại bị writer's block, hoặc sức viết vẫn chưa đủ để theo đuổi tất cả các ý tưởng hay ho đó, thì việc ngồi lại và lên dàn ý chi tiết cho từng truyện có thể khiến bạn bị "nghiện", đồng thời tạo động lực viết cho bạn ngay lập tức. Thú thật, mình cũng là một đứa "nghiện ngập" việc lên dàn ý cho truyện và mình nhận ra rằng điều này thực sự có lợi về mọi mặt cho khả năng hoàn thành một câu chuyện có chiều sâu và hấp dẫn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc viết ra các điểm mốc chính của toàn bộ câu chuyện, rồi nối chúng lại bởi các tình tiết liên kết giữa những điểm mốc đó, sau đó thì lại tiếp tục lên ý tưởng cho các chi tiết liên kết gắn hai tình tiết lại với nhau. Điều này khiến câu chuyện của bạn trở nên logic hơn, xuyên suốt mạch lạc hơn và khi đã làm xong dàn ý đó, bạn sẽ cảm thấy háo hức hơn với việc tiếp tục viết để có thể nhìn thấy cái kết dưới dạng đoạn văn mượt mà bóng bẩy của mình.

TÌM "BẠN ĐỌC - BẠN VIẾT"
Phương pháp này nghe có vẻ khó khăn, nhưng nếu bạn thực hiện được thì đều lợi cả đôi đường. Sự ganh đua có thể tạo ra nhiều động lực để bạn hoàn thành câu chuyện của mình, hoặc tiến tới việc tạo ra một thói quen viết lách mỗi ngày nhanh chóng hơn. Đa số các bạn trẻ hiện nay vẫn thường tụ họp lại với nhau khi có chung đam mê viết truyện nhưng lại sa đà vào những chuyện tám nhảm, cuộc sống đời thường và thị phi trong giới chứ chưa thực sự chú tâm vào việc viết và đọc truyện, thảo luận tìm ra cách rèn luyện và góp ý kĩ năng viết cho nhau. Điều này vô hình trung có thể gây trì trệ quá trình phát triển của các bạn rất nhiều, vì thế khi xác định tạo ra một hoặc nhiều mối quan hệ thảo luận viết lách, hãy cố gắng dành cho nó một thời gian cụ thể và nhất định để cùng bàn bạc, góp ý và ngồi viết cùng với nhau.

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ