VÌ SAO "VĂN HỌC TRẺ" MÃI KHÔNG PHÁT TRIỂN? (1)

770 72 28
                                    

VÌ SAO "VĂN HỌC TRẺ" MÃI KHÔNG PHÁT TRIỂN?

Khi nhắc tới ba từ Văn học trẻ, hầu như bất cứ ai được mình hỏi đến cũng đều lắc đầu ngán ngẩm. Văn học trẻ, hay nói riêng ở mảng văn học mạng, dường như đã bị "đứng khựng" gần mười năm nay mà chưa có mấy sự tiến triển về chất lượng tác giả lẫn tác phẩm. Những câu chuyện nổi trội thường được chia sẻ dường như luôn thuộc về dòng văn học lãng mạn với hơi hướm ảnh hưởng từ dòng sách ngôn tình đang phát triển mạnh mẽ ở thị trường xuất bản Việt Nam, hoặc được viết theo thể loại Light Novel cũng đang du nhập vào Việt Nam một cách nhanh chóng trong thời gian vài năm gần đây. Các tác giả trẻ của văn học mạng dường như vẫn còn đang loay hoay định hình phong cách và câu chuyện của riêng mình, nhưng dù họ có cố gắng đến cỡ nào chăng nữa, thì bánh xe của nền văn học trẻ vẫn cứ đựng khựng tại đó, tại sao lại thế? Dưới đây là một số nguyên do cho việc văn học mạng/văn học trẻ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển dựa trên quan điểm chủ quan của người viết.

KHÔNG CÓ NỀN TẢNG ĐA DẠNG
Có lẽ bất cứ ai cũng biết rằng trong văn học có rất nhiều thể loại: từ kỳ ảo, viễn tưởng, giả tưởng, bí ẩn, trinh thám , lịch sử, dã sử, lãng mạn, phiêu lưu, hành động, kinh dị...cùng vô vàn các thể loại nhỏ khác đủ để cho những tác giả trẻ thoả thích tưởng tượng và viết lách. Tuy nhiên, khi nhìn vào tình hình tổng quan của giới viết lách trên mạng tại Việt Nam hiện nay, dường như ai cũng có thể nhận ra chỉ có một vài thể loại nổi trội được ưa chuộng bởi tác giả lẫn độc giả, và chiếm phần lớn vẫn là thể loại lãng mạn, tình cảm.

Bất cứ người viết nào cũng đã từng là người đọc, bất cứ người đọc nào cũng đã từng tìm hiểu qua các đầu truyện hay thuộc đa thể loại trước khi lựa chọn một thể loại ưa thích của mình về sau. Các nhà văn chuyên nghiệp thường đưa ra lời khuyên cho những người tập tành đi vào con đường viết lách: nếu muốn viết tốt, hãy đọc tốt cái đã. Do vậy có thể nói rằng việc bạn ĐỌC được những gì sẽ tác động mạnh mẽ tới thể loại và phong cách viết của bạn về sau, thậm chí, còn ảnh hưởng trực tiếp tới tư duy và tương lai cầm bút của bạn nữa.

Dựa trên sự quan sát cá nhân trong quãng thời gian từ 5-7 năm tiếp cận với các đối tượng đọc đa thể loại khác nhau, mình nhận ra rằng những bạn đọc đa thể loại thường có sự tư duy tốt hơn so với các bạn chỉ đọc một thể loại duy nhất. Những bạn có nền tảng đọc bao gồm các tiểu thuyết kinh điển, dòng văn trinh thám, viễn tưởng - kỳ ảo...lại có lực bút ổn định và sâu hơn so với nhiều bạn chỉ đọc một thể loại duy nhất như tình cảm hoặc chớm đọc sang kinh dị, phiêu lưu...những bạn là fan cứng của thể loại viễn - giả tưởng, kỳ ảo, phiêu lưu...lại có trí tưởng tượng và cách miêu tả mượt mà hơn, sáng tạo hơn về việc cấu thành cốt truyện, các bạn thường xuyên đọc lãng mạn, tình cảm lại thích và giỏi về việc đào sâu nội tâm hơn so với những thể loại khác.

Mình cũng nhận thấy rằng thể loại bạn đọc chính yếu có tác động rất nhiều tới tư duy và quan điểm, chủ kiến của chính bạn. Không phải tự nhiên mà mình thường xuyên nhắc tới ngôn tình với thái độ tiêu cực và không hài lòng đến vậy, bởi lẽ thông qua những năm tiếp xúc với các bạn đọc thể loại này, thậm chí đã từng lấy bản thân mình tự trải nghiệm sức ảnh hưởng của ngôn tình đến với tư duy và khả năng ngôn ngữ/viết lách, mình nhận ra rằng ngôn tình có sức ảnh hưởng cực kì lớn và tiêu cực đến với người đọc chưa có nền tảng đọc cụ thể và vững chắc. Vì sao lại thế? Mình vẫn còn đang tiếp tục theo dõi và xem xét, nhưng dưới đây là một số nguyên nhân và quan điểm chủ quan của mình về những bạn có nền tảng đọc hoàn toàn là ngôn tình và những bạn đọc ngôn tình khi đã có một nền tảng đọc đa thể loại khác.

So với những bạn (mà thường là các bé nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của ngôn tình, từ các bạn sinh năm 2000 - 2006) chỉ đọc duy nhất một thể loại ngôn tình và lãng mạn từ khi bắt đầu tiếp cận với việc đọc sách, thì những bạn đọc có nền tảng đa thể loại thường có chủ kiến hơn; quan điểm rõ ràng hơn; tư duy sắc bén hơn và khả năng viết lách tốt hơn. Trong hơn sáu tháng đọc ngôn tình với trên dưới 50 đầu sách ở thời kì đầu thể loại này đang manh nha phát triển ở Việt Nam (cả truyện bộ dài từ 60 - 200 chương tới các bộ truyện ngắn 10 chương), mình phát hiện ra kể từ khi đọc thể loại này, trình độ viết lách của mình lẫn cách sử dụng từ ngữ miêu tả TỤT GIẢM nghiêm trọng. Nếu các bạn có thể đọc được một số truyện mình viết từ những nằm 2013 (mà mình vẫn còn lưu tại wordpress cùng một số diễn đàn khác), các bạn sẽ nhận thấy trình độ viết của mình khi đó vô cùng thảm hại và nghèo nàn miêu tả (thật may mắn là Thánh Chiến bản đầu tiên được viết sau khi mình dứt đọc ngôn tình khoảng 2, 3 tháng. Nhưng đọc nó vẫn tệ hại lắm, thật xấu hổ.) đến mức có thể ném đá tảng theo tấn chứ không hẳn là ném gạch nữa. Các câu văn của mình trở nên hoa mỹ và sáo rỗng, tính liên kết câu bị mất và logic thì loạn xà ngầu lên hết cả. Những đặc điểm này là những đặc điểm mà mình thấy rằng RẤT NHIỀU các bạn đang theo đuổi dòng văn lãng mạn hiện nay mắc phải, sau khi nhận review cho khoảng trên dưới 70 bạn trẻ đang theo đuổi việc viết lách. Đồng thời khi đọc ngôn tình một thời gian, lúc nói chuyện với bạn bè mình cũng nhận ra rằng tư duy của mình cũng bị tụt giảm nghiêm trọng, tới mức suýt nữa thì không thể theo kịp được cuộc thảo luận/tranh luận với các bạn ấy - những người học chuyên văn và đọc nhiều sách đa thể loại. Ngay khi nhận ra bản thân mình bị ảnh hưởng như vậy, thú thật, mình rất sợ hãi. Giống như một ngày bạn nhận ra bản thân không còn có khả năng tư duy và phát ngôn chủ kiến được nữa, ngay ngày hôm đó, mình dứt khoát từ bỏ việc đọc ngôn tình. Cũng từ đây, mình bắt đầu chú ý nhiều hơn tới sự khác biệt của người đọc ngôn tình mà chưa có nền tảng đọc vững chắc ở đa thể loại, và người đọc ngôn tình đã có một nền tảng đọc vững chắc (thường là các bạn đọc manga từ những năm 90, đọc sách kinh điển, các tiểu thuyết trinh thám, viễn tưởng phương Tây hoặc của Nhật, Việt Nam thời kì trước...) và phát hiện ra những bạn đã có nền tảng đọc từ trước ÍT bị ảnh hưởng bởi ngôn tình nhiều hơn so với những bạn chưa có nền tảng đọc đa thể loại.

Mình tiếp tục quan sát bằng cách nhận review các tác phẩm của những bạn trẻ viết lách ở nhiều thể loại khác nhau và cũng xác nhận một lần nữa rằng: những bạn thường xuyên tiếp cận với dòng truyện khác ngoài lãng mạn, càng đọc đa thể loại thì khả năng viết lách càng tốt so với những bạn chỉ đọc một thể loại duy nhất hoặc chỉ đọc ngôn tình khi chưa có nền tảng đọc vững chắc. Điều này không chỉ thể hiện ở một hoặc hai bạn, mà là hàng chục bạn trẻ khác nhau. Và mình thì không nghĩ rằng đó là điều ngẫu nhiên.

Vì thế, nền tảng đọc đa thể loại vững chắc là một trong những yếu tố mấu chốt khiến bạn trở thành một tác giả chắc tay trong tương lai, đồng thời cũng cho thấy khoảng cách khác biệt so với những tác giả trẻ chỉ chuyên đọc và xây dựng nền tảng đọc của mình trên một thể loại duy nhất. Thông qua điều này, ta có thể nhận thấy rằng nguyên nhân đầu tiên khiến văn học trẻ Việt Nam chậm phát triển là do người viết KHÔNG có một nền tảng đọc và viết đa thể loại, không vững chắc. Với sự chiếm lĩnh của dòng văn học lãng mạn và ngôn tình, cả người đọc và người viết đều bị ảnh hưởng và bị tác động bởi một thể loại duy nhất. Điều này dẫn đến việc đi loanh quanh trong những motif nhàm chán, thiếu sáng tạo và đôi khi còn đánh mất cả logic lẫn tính tự chủ của bản thân. Một lứa tác giả chỉ biết đến tình yêu và sự lãng mạn mà không hề quan tâm tới các triết lý của cuộc sống, những kiến thức xã hội - khoa học và chẳng thể nói được điều gì khác ngoài yêu đương thì liệu có thấu hiểu và trải nghiệm đủ để chia sẻ chúng với độc giả của mình hay chăng?

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ