[PHẦN VI] PHONG CÁCH LÀ GÌ?

1.2K 146 24
                                    

6. Phong cách là gì?

Phong cách, hay giọng văn được hình thành qua từng giai đoạn viết lách. Đa phần các bạn viết trẻ hay bị ảnh hưởng bởi một hoặc nhiều phong cách chính cho đến khi tìm thấy cách viết riêng của mình, phong cách ở Việt Nam (hẳn là) đang được chia làm các loại: Hơi hướm ngôn tình (Trung Quốc), Văn phong Tây, Viết theo kiểu Nhật và Thuần Việt (mặc dù mình cũng chưa hiểu lắm thuần Việt là cái gì). Giọng điệu, cách hành văn giống như một thương hiệu riêng để người đọc có thể nhận ra bạn ở bất cứ đâu, ngôn từ của bạn cần có những giai điệu riêng và ngắt theo nhịp mà không ai có thể viết được ngoài bạn. Việc đi theo một "dòng" viết nào đó là điều đúng đắn khi bạn đã quyết định lựa chọn, nhưng cái giúp bạn tồn tại được chỉ có cách phát triển giọng viết riêng của bạn mà thôi.

Có một vài đặc điểm mà bạn có thể tự nhận ra mình đang theo đuổi cách viết văn nào bên trên để xem xét và nhận định lại cho chính xác hướng đi riêng trong tương lai của mình:

Đối với giọng văn Trung Quốc, chỉ xét về giọng văn không xét đến tình tiết hay nội dung truyện thường cho thấy những bạn bị ảnh hưởng bởi dòng này hay lựa chọn những từ ngữ cầu kì và hoa mỹ. Những câu miêu tả dài và tượng hình, sử dụng nhiều từ ngữ hán việt hoặc phiên âm, miêu tả nhiều hơn lời thoại và thường chú trọng đến việc tả ngoại hình, tả cảnh hơn là tả nội tâm. Ưu điểm của dòng này là văn mượt, đọc lên như suối nhạc nhưng lại bị nông, không sâu sắc và dễ rơi vào tình trạng đầu voi đuôi chuột. Các bạn theo giọng văn Trung Quốc thường bị ảnh hưởng do đọc nhiều tác phẩm ngôn tình hoặc đam mỹ, mà thực sự thì dòng truyện này rất dễ gây ảnh hưởng về nhiều mặt. Nó có một sức thu hút nhất định nhưng hiện tại kiểu viết này đang bị nhiều người tẩy chay và lên án bởi cái bóng tiêu cực của thể loại ngôn tình lấn át.

Ngược lại với giọng văn Trung Quốc đang bị chỉ trích khá nhiều thì phong cách văn Tây lại nổi lên như biểu tượng cho sự sành điệu và sõi đời trong kinh nghiệm viết lách, mặc dù thực sự không phải thế. Giọng Tây có cấu trúc gãy gọn, miêu tả ngắn và so sánh không nhiều. Nó khá sát sao và hơi khô đối với người thích tưởng tượng và thường không hợp để diễn tả một mối tình sướt mướt. Các bạn sử dụng giọng văn này hay lựa chọn các thể loại như viễn tưởng, kì ảo hoặc bí ẩn, trinh thám. Tuy nhiên giọng văn Tây cũng không thực sự hoàn hảo khi nó đôi lúc khiến người đọc cảm thấy như đang đọc một tác phẩm dịch, vì trên thực tế các tác giả bị ảnh hưởng dòng văn Tây đa số là đọc khá nhiều các tác phẩm phương Tây và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giọng dịch gãy gọn chứ không phải là từ ngoại văn thực sự.

Giọng Nhật có chút khác lạ và phù hợp với những câu truyện mang hướng tự sự hoặc tâm lý. Nó là tổng hợp bởi văn hóa và phong cách sống tối giản của người Nhật, không quá đa sắc, một màu và đều đặn bình bình. Mặc dù đối với dòng Light Novel hiện tại cũng có khá nhiều bạn trẻ theo đuổi với các câu ngắn gọn, thường là câu đơn và hạn chế hội thoại, chủ trương miêu tả về tâm lý nhân vật nhưng giọng Nhật vẫn có cả ưu điểm và nhược điểm riêng. Giọng Nhật là thứ khiến độc giả cảm thấy vừa khó chịu vừa dễ chịu, nó quá đều đặn và nhàm chán nhưng cũng vừa đủ tiêu chuẩn để người đọc tiếp tục theo dõi cho tới những chương sau. Các bạn trẻ theo giọng Nhật thường chọn góc nhìn thứ nhất hoặc góc ba hạn hẹp để triển khai nội dung truyện. Đặc điểm của giọng văn này là không tới mức gãy gọn như Tây mà cũng chẳng hoa mỹ lắm như Trung, nó như một dạng trần thuật đều đặn hoặc ngắn gọn như những câu đơn được ghép lại với nhau.

Cuối cùng, khá hiếm các tác giả dùng được giọng văn này. Nếu bất cứ ai từng đọc Cánh đồng bất tận hay Đỏ của Nguyễn Ngọc Tư cũng dễ dàng nhận ra giọng văn của chị Tư khá thuần, mộc mạc và đơn giản. Nó là một giọng văn Thuần Việt điển hình và đậm chất miền Tây Nam Bộ. Giọng văn Việt khá thuần và nhẹ, nó mộc mạc và thanh, không hoa mỹ mà cũng không đều đều. Nó mang âm hưởng của một khúc dân ca và không đẩy nhiều kịch tính cho lắm. Bối cảnh phù hợp với văn Việt thường rơi vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, cách tả những chiếc áo bà ba hay tứ thân mềm mại, cách tác giả cho nhân vật hội thoại với nhau bằng văn nói mộc mạc và quê mùa tạo thành một giọng Thuần Việt mà khá nhiều bạn trẻ lúc nào cũng hướng tới. Dĩ nhiên, không giọng văn nào là hoàn hảo, phong cách viết Thuần Việt cũng có nhiều bất cập, nó không đẩy mọi việc lên cao trào quá mức được và thường được dùng trong các thể loại đời thường, slice of life hoặc thiên về miêu tả cảnh vùng quê hoang sơ hơn hẳn.

Tựu chung, dù đã lựa chọn giọng văn nào đi chăng nữa thì trách nhiệm của bạn vẫn là thể hiện nó ở mức đối đa và độc đáo đến mức không người đọc nào có thể quên đi. Bạn có thể tham khảo các cuốn sách có giọng văn rất riêng như Xấu, Thế giới thực của Natsuo Kirino hay Phía sau nghi can X, Bí mật của Naoko của nhà văn Keigo, hoặc gần gũi hơn có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh...để hiểu được một phong cách riêng trong viết lách là như thế nào.

Nếu sau khi đọc xong bài viết này mà bạn vẫn còn khá nhiều điều thắc mắc tuổi hồng không biết hỏi ai thì có thể comment câu hỏi bên dưới, hoặc gửi ẩn danh câu hỏi ở phần "Liên kết bên ngoài" trong bài viết này , mình sẽ cố gắng hỗ trợ và giải thích cho bạn trong khả năng có thể :D

https://goo.gl/lXaqDm

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ