Họ hàng của Tiệp nhi đã dắt cô bé đến Thuần Vu gia trang để xin tiền mua quan tài chôn cha mẹ. Gương mặt xinh đẹp, linh mẫn của Tiệp nhi đã khiến vợ chồng Trang chủ nảy ra ý định bảo bọc cô bé và tìm chút niềm vui thay thế cho đứa con đã mất.

Giờ đây, Tiệp nhi đã mười tám, nhan sắc kiều diễm phi phàm, nổi tiếng đệ nhất mỹ nhân đất Khai Phong. Thuần Vu gia trang trồng rất nhiều lựu, mùa hè hoa đỏ rực vườn và Thuần Vu Tiệp lại ưa thích trang phục màu hồng nên người ta gọi nàng là Đan Nhược tiên tử.

Đan Nhược, Ốc Đan, Kim Anh, chính là những mỹ danh khác của loài lựu.

Nữ nhân mà thích màu đỏ thì tính tình hoạt bát, sinh động, vui vẻ, nồng nhiệt song kém phần nồng thắm, sâu sắc.

Nhưng dẫu cho Thuần Vu Tiệp có bao nhiêu khuyết điểm đi nữa thì đám thế gia công tử đấy Khai Phong này cũng vẫn say mê như điếu đổ. Phần vì cô nàng tính khí thất thường kia quá xinh đẹp, phần vì tài sản kếch xù của Thuần Vu gia trang.

Thế cho nên khách sảnh luôn náo nhiệt bởi sự lân la thăm viếng của những chàng trai danh giá trong thành. Chẳng ai có thể cấm cản họ vì tòa đại sảnh kia cũng chính là một cửa hàng bán lẻ ngọc ngà, châu báu, còn Đan Nhược tiên tử là người trông coi.

Giá trị của ngọc rất lớn, có viên trị giá hàng ngàn lượng bạc. Do vậy, khách được quyền xem xét tỉ mĩ, chọn lựa kỹ càng, lâu lắc. Thế là các chàng thợ săn cố tình rề rà, uống cạn vài chục ấm trà rồi mới chịu ra về. Mua mãi thì sạt nghiệp nên họ thường đem ngọc cũ đổi lấy ngọc mới. Chẳng lỗ bao nhiêu mà lại được tiếng hào hoa.

Thời xưa, ngọc ngà châu báu thường được đính lên mũ, áo hoặc tóc của những kẻ lắm tiền.

Tuy nhiên, dầu tính toán cách nào thì sau một hai năm cũng có người chịu thua mà bỏ cuộc. Chỉ còn lại những tay trường vốn. Đám này cắn răng, cố bám trụ mong có ngày lọt vào mắt xanh của gi¬ai nhân. Nhưng than ôi, Đan Nhược tiên tử cứ nhởn nhơ như cánh bướm đùa giỡn với những trái tim si mê đầy tham vọng, chẳng chịu đón nhận ai cả.

Tóm lại, Thuần Vu Tiệp cứ việc cười khanh khách và mỗi tháng thu về vài ngàn lượng bạc.

Khung cảnh phía trước thì huyên náo vì vui vẻ song khu cực hậu viện thì lại u tịch đến lặng người. Dù san sát những kiến trúc vô cùng tráng lệ và nhân số đông đến hơn trăm. Gia đinh, tỳ nữ chẳng dám cười lớn vì tôn trọng nỗi buồn của chủ nhân. Mười sáu năm nay, vợ chồng Thuần Vu Hồng chưa bao giờ tươi nét mặt, có cười cũng chỉ là gượng gạo.

Là bậc đại phú nên Thuần Vu gia trang phải nuôi cả trăm tráng đinh giỏi võ nghệ để bảo vệ tài sản của mình trong nhà cũng như trên đường vận chuyển. Dẫu có mướn tiêu cục thì Thuần Vu Hồng cũng cử vài người gia nhân thân tính tháp tùng. Ông là người phân phối ngọc lớn nhất Trung Hoa, có nguồn hàng từ các mỏ Lam Bảo Ngọc ở Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Huy Châu. hoặc Mã Não ở Nam Kinh, Nghi Xương.

Dĩ nhiên thị trường tiêu thụ châu báu lớn nhất chính là Bắc Kinh, Nam Kinh.

Doanh số hàng năm của Thuần Vu gia trang lên đến hàng trăm vạn lượng hoàng kim. Nghĩa là cửa hàng của Thuần Vu Tiệp chỉ là nơi để nàng tập làm ăn và kén chồng.

Truyen Sac HiepWhere stories live. Discover now