55. nàng không thuộc về nơi này

196 5 0
                                    

55.

Trời chưa hửng sáng, Lý Lăng đã thức dậy luyện tập võ nghệ cùng các tướng lĩnh trong doanh. Qua giờ Mão (a), y sẽ cùng hoàng thượng khởi giá đến hành cung Yên Hà, nơi ở của vị quan Hành khiển Nguyễn Trãi tại Kinh Bắc.

Vừa rửa xong tay chân mặt mũi ngoài giếng nước, Lý Lăng nghe thấy tiếng đập cánh lớn của Huyền Vũ, lúc ngẩng đầu tìm thì đã thấy con chim đậu trên miệng giếng trước mặt y. Nó quạt nhẹ đôi cánh, chiếc đầu lắc lắc hắt đi vệt sương mai vương trên bộ lông.

Lý Lăng ngẩn người ra trong đôi lát. Chim Huyền Vũ chỉ có hoàng thượng, Ngô Bằng và y biết cách điều khiển. Hoàng thượng đang ở cạnh y rồi, vậy người gửi thư chẳng lẽ là Ngô Bằng? Y có việc gì cấp báo tới mức phải dùng đến Huyền Vũ báo tin cho y chứ?

“Gửi Phạm Từ Sơn. 

An Sinh ở Thanh Hoa nhận được tin báo long thể hoàng thượng nhiều ngày rồi không tốt, bệnh cũ qua năm tháng không chẩn chỉnh chữa trị, dễ để lại hậu quả khôn lường. Là bằng hữu tâm giao cùng hoàng thượng, kính mong ngài luôn túc trực cạnh người, nửa bước không rời đến ngày hồi kinh. 

Càng mong đêm nay cậy nhờ ngài hao tổn tâm sức, bầu bạn cùng người ở hành cung Yên Hà. Ta tức tốc lên đường khấu tạ long ân hoàng thượng ngự ban, hẹn cùng hội ngộ vào giờ Ngọ tam khắc (b) hôm nay.”

Lý Lăng vừa mở lá thư nhỏ kẹp dưới cánh Huyền Vũ, ngạc nhiên nhìn nét chữ Ngô Bằng nhưng nhân xưng lại là An Sinh. Có lẽ cô vẫn chưa hay việc hoàng thượng đã đuổi khéo Phạm Từ Sơn quay về Đông Kinh. Trở người vào phòng, y lấy giấy bút viết cho Phạm Từ Sơn tin tức của An Sinh gửi đến. Những gì cô nhắc đến trong thư dường như rất bình thường, nhưng một câu nhờ cậy hai câu lại nói về long thể của hoàng thượng. Ngoài người thân cận và Phạm Từ Sơn, không ai biết hoàng thượng suy nhược mấy ngày qua.

Lý Lăng lo lắng tình hình không ổn, vội dùng Huyền Vũ cấp báo cho Từ Sơn trước rồi trực đón An Sinh ở con đường dẫn vào huyện Gia Định (c).

Bầu trời hửng sáng hứng lấy những tia nắng đầu ngày đầu tiên, mặt trời lấp ló từ đằng Đông trôi qua những triền đồi núi mải miết, chạy theo vó ngựa của An Sinh băng qua con đường đất đá gồ ghề. Rặng cây già nghiêng mình trong gió, thổi làn tóc cột gọn bằng dải lụa mềm của cô bay bay. 

An Sinh thuần thục vừa thúc ngựa vừa thích nghi với nhịp điệu ngựa phi, bàn tay nắm dây cương suốt nhiều giờ liền bắt đầu đau rát và sưng đỏ. Đi ngang qua một làng mạc nhỏ, hai bên người dân tấp nập gánh lúa, dắt trâu bò kéo hàng hóa ra chợ, cô dần kìm ngựa, nắm vào tay cầm trên yên để tránh va chạm với người đi đường. Nhìn bóng nắng lên cao, An Sinh đoán chừng đã qua chín giờ sáng.

“Không biết Huyền Vũ đã mang thư của cô đến cho Phạm Từ Sơn chưa?” Nhưng thời khắc này, An Sinh không thể nghĩ nhiều, cô phải nhanh đến họp hội với Phạm Từ Sơn và Lý Lăng, tìm cách cứu Lê Hào đêm nay.

Đoạn đường từ Thuỵ Nguyên (d) đến Gia Định muốn đi nhanh phải băng qua một khu rừng lớn. Nhiều năm trước, giao thương hai phủ Thanh Hoa và Kinh Bắc phát triển vượt trội, hàng hóa chuyển về Đông Kinh nhiều không xuể, Thái Tổ thấy thế liền dựng lên một con đường tắt thông nhau giữa hai phủ. Sau này lại kén người qua lại, một phần vì thanh vắng, phần còn lại vì sợ phường trộm cướp hoành hành. 

[Xuyên Không, Cảm hứng Lịch Sử] Lê Sơ Chi MộngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ