Chương 39: Tôi không phải thần y

1K 54 0
                                    


Nhài quỳ xuống dập đầu liên tiếp:

"Anh Đam thương em, thương mẹ em, thương thằng bé, nhà em không có tiền, chỉ mong anh xem qua giúp."

Tôi khựng lại:

"Tôi cũng không có tiền. Người không có tiền với người không có tiền thì dùng tấm lòng để giúp nhau."

Nhài gạt nước mắt đứng dậy, tôi kéo tay đi nhưng Nhài đứng lại:

"Em đã bán cho nhà Đô chỉ huy sứ rồi, em không thể tuỳ tiện ra cửa. Em đã vẽ sẵn đường cho anh Đam. Anh là y sinh có thể ra ngoài, mong anh giúp cho."

Tôi là người nóng tính, đến lúc này đã nhịn không nổi liền sẵng giọng:

"Nhanh chân lên, có chuyện gì về tôi sẽ tự chịu tội với Đô Chỉ Huy Sứ!"

***

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới có thể rời khỏi thành Tây đi ra bên ngoài. Màn đêm đen đặc, gió bấc vun vút, ngọn đèn leo lét trên tay Nhài như trực chờ chớp tắt bất cứ lúc nào. Cái rét lúc canh ba khiến khắp mặt và cả hai tay tôi tê cứng, chân vừa ngứa vừa đau đến râm ran da thịt. Đường đất đầy những phiến đá to nhỏ nhấp nhô, có mấy bận cả tôi lẫn Nhài ngã sóng soài trên mặt đất nhưng chẳng dám kêu than, chỉ có thể mặc kệ tất thảy mà đi. Nghỉ ngơi dù chỉ chốc lát thôi cũng rất có thể khiến người bệnh nguy hiểm thêm một phần. Mãi cho đến khi đứng trước cổng ngôi nhà tranh lụp xụp tôi mới có thể tạm thở phào, tất tả đi vào. Dùng từ "nhà tranh" có vẻ còn xa hoa quá bởi đúng ra đó chỉ là một túp lều mà mái gianh còn thủng năm bảy lỗ to bằng quả trứng gà.

Thằng bé nằm trên một manh chiếu rách, bên cạnh có vẻ là cha mẹ và các em của Nhài. Tôi vừa đi vào ai nấy tản sang một bên.

Thằng bé mới chừng sáu, bảy tuổi, mặt vàng, tay chân mình mẩy buốt lạnh, môi tái xanh, thở yếu nông. Có vẻ như đã muộn, tôi thở dài nhìn thằng bé nằm mê man, thỉnh thoảng đờm kéo ngược lên, co giật không có sức, mắt đảo đi đảo lại.

"Là chứng động kinh hay còn gọi là kinh phong." - Tôi nhỏ nhẹ nói với cả gia đình. Mẹ Nhài lấy gấu áo chấm nước mắt, mếu máo:

"Dạ bẩm con tôi có thể sống được không?"

Tôi nhìn bác không dám hứa trước điều gì. Kinh phong gồm "cấp kinh phong" và "mạn kinh phong", thằng bé này chỉ e là đã mắc mạn kinh phong rồi. Mạn kinh phong thường gặp ở di chứng viêm não, viêm màng não, rối loạn điện giải, giai đoạn cuối các bệnh nhiễm trùng... Tôi chẩn mạch kỹ hơn, tình trạng này bệnh đã chẳng phải ngày một ngày hai mà kéo dài dai dẳng dẫn đến dương khí suy bại, tỳ thận hư kiệt, can phong nội động, thành kinh quyết. Chưa kể tiêu chảy dẫn đến hư thoát, một phần sống chín phần không qua khỏi.

Một bên tôi đọc nhanh thang thuốc chỉ gồm bốn vị đương quy, thục địa, can khương, cam thảo; dúi cho bố Nhài một ít tiền bảo ông chạy đi mua ngay. Một bên tôi mở lấy hộp kim châm cứu, thường mạn kinh phong ít khi sử dụng cách này nhưng nguyên khí đã quá suy tổn dẫn đến hôn mê. Muốn sống chỉ có thể cứu Bách hội(1) thì may ra có thể hồi dương cứu nghịch.

Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn nến duy nhất trong nhà, tôi cẩn thận tìm đúng huyệt châm cứu. Huyệt bách hội là huyệt vị nằm ở đỉnh đầu, thuộc hệ thống 28 huyệt của mạch Đốc, là nơi hội tụ của các đường kinh dương và kinh Can, mạch Đốc. Xác định được vị trí của huyệt, tôi từng chút từng chút bắt đầu công việc của mình. Xung quanh tôi người nhà lặng im chẳng ai dám nói điều gì. Mấy đứa nhỏ đứng nép vào với nhau, co ro trong cái lạnh cắt da cắt thịt của Hoa Lư, mắt ngấn nước nhìn anh em của mình nằm im thoi thóp. Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Bao giờ cũng vậy, châm cứu cần sự tập trung cao độ. Châm cứu xong thằng bé chỉ đỡ hơn một chút. Ai nấy trong nhà còn chưa kịp vui mừng thì bệnh tình lại chuyển xấu. Thằng bé quặn người lên, nôn mửa nước trong lên người tôi. Thuốc đã sắc xong, từng thìa từng thìa được người mẹ được bón vào. Vậy mà bên trên đứa nhỏ uống thuốc, bên bên dưới tiêu chảy liên tục. Tôi chẩn lại mạch, mạch trì hoãn vô lực. Lúc này khoé mắt thằng bé ươn ướt, môi mấp máy tựa như muốn nói gì. Tôi lùi về phía sau. Bố mẹ Nhài ngồi sát với con trai, có lẽ ông bà hiểu thời gian thằng bé còn lại với trần thế chẳng còn bao lâu nữa. Tôi không thấy họ khóc mà chỉ lẩm nhẩm đọc kinh cầu siêu. Người mẹ nắm chặt tay con, lúc lúc lại mỉm cười, vuốt nhẹ mái tóc rối tung của con trai mình.

Gần sáng, trong một khoảnh khắc thằng bé như tỉnh hơn. Hai mắt mở to nhìn khắp nhà một lượt. Nhìn bố nhìn mẹ, nhìn các anh em. Sau cùng đôi mắt trong veo đấy dần dần khép lại, đó cũng là khi tiếng nấc tiếng khóc vỡ ra, phá tan sự im lặng trong túp lều tranh tịch mịch.

Tôi thẫn thờ đi ra cửa, thả mình ngồi xuống nền đất lạnh như băng. Đã từng sống trong sinh ly, trải qua tử biệt song những đớn đau khi người thân lìa xa trần thế có lẽ chẳng thể nào thích nghi được. Tôi nhớ như in ngày mình đứng trên đồi Cao Phong khóc thật to khi chị chẳng trở về, cũng nhớ sáng mùa đông năm ấy mặc chiếc áo hoodie màu cam, khóc sướt mướt nhìn hàng dài người đưa tang bà về nơi chín suối. Có lẽ cái chết không đáng sợ bằng nỗi đau để lại cho người còn sống. Tôi gạt những giọt nước mắt nóng hổi lặng lẽ lăn dài, chẳng hay ngày mình lựa chọn rời đi liệu rằng có ai đau lòng vì mình hay không nữa.

Ngoài kia bình minh đã lên song sương đêm còn dày đặc.

Mùa đông năm nay thật lạnh!

_____

Chú thích:

(1) Huyệt bách hội: huyệt nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu của con người. Bách Hội nằm tại điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ