Chương 62: Sắm Tết (1)

970 57 2
                                    


Tôi đang hí hoáy bôi hồ dán lên cánh cửa trước phủ thì Lê Sương và La Đạc đi ngang qua. Cặp đôi chim lợn này chưa bao giờ mang đến tin vui, chỉ chọc gậy bánh xe là giỏi. Biết vậy nên tôi giả vờ không quen không biết, quay lưng đi vào trong nhà nhưng mà dễ gì mọi chuyện lại diễn ra suôn sẻ như vậy!

La Đạc vừa thấy bóng tôi đã tơn tớn la lên:

"Anh Đam! Đang làm gì đấy? Dán bùa à?"

Tôi cau mày, quay lại ném cho La Đạc một cái nhìn vô cùng khinh bỉ, nói:

"Ông đây dán câu đối đỏ. Không đọc được chữ "Ngũ phúc lâm môn(1)" dán ở cửa à?"

Cả La Đạc và Lê Sương quay ra nhìn nhau rồi cười ha hả lên thành tiếng:

"Chữ xấu thế này thì chắc chắn chỉ có anh viết. Còn to gan tự đem dán ở cửa à?"

Tôi bĩu môi:

"Chỉ huy sứ khen đẹp, ngài bảo ta đem dán ở đây."

Sương huých vai Đạc:

"Anh chắc không phải là Chỉ huy sứ muốn cho anh bẽ mặt một phen chứ?"

Tôi vuốt vuốt mặt mấy cái cho bình tĩnh hơn:

"Đi đâu thế này? Tết nhất đến nơi rồi còn lông bông ngoài đường."

Đạc nhún vai:

"Nghe nói dạo này có bọn người của Đại Lý(2) vào quấy nhiễu kinh thành. Tôi với Sương phụng mệnh đi tuần một chút."

Tôi chạy lại gần, thì thào:

"Đại Lý nào cơ?"

Đạc tròn mắt, xem chừng có vẻ còn ngạc nhiên hơn tôi:

"Anh đừng nói là không biết nước Đại Lý. Người ta còn đồn anh từ đó tới mà?"

Tôi ký đầu Đạc một cái thật mạnh:

"Mẹ nó, nói bao nhiêu lần rồi, tôi là con dân Đại Cồ Việt."

Lê Sương đứng bên cạnh cười khẩy:

"Thì đám Đại Lý vào Hoa Lư cướp bóc có ai không nhận mình là người Đại Cồ Việt chứ?"

Tôi thở dài không biết trả lời như thế nào cho phải, vừa lúc con Nhài tay cầm liềm phăm phăm đi ra. Thấy bộ dạng hung dữ của Nhài, cả La Đạc và Lê Sương đều nói mấy câu cho có lệ rồi chạy mất hút. Tôi quay lại:

"Nhài làm gì mà căng thẳng thế?"

"Em đâu có căng thẳng gì đâu? Chỉ huy sứ bảo em ra gọi anh Đam vào gói giò."

"Thế em cầm liềm làm gì?"

"Em đang dọn vườn." - Nhài ngây thơ đáp.

Tôi bật cười khanh khách, tung tăng đi vào nhà.

Phủ Chỉ huy sứ có một vườn cau lớn. Mấy ngày mùa đông nắng ráo, người hầu kẻ hạ trong phủ đã thi nhau lượm lặt tàu lá rụng. Lá cau có thể đem phơi khô rồi đun nấu, mo cau ngoài làm quạt người tước mỏng, quấn lại, treo trong bếp, đợi dịp Tết đến xuân về thì nhà ai khá giả sẽ đem ra gói giò.

Có trời mới biết gói giò như thế nào cho đẹp.

Lịch Vũ ngồi trên bàn uống nước, xung quanh đám tôi tớ quây quần kẻ chẻ lạt người rửa lá rong. Riêng tôi thì không biết tại sao và bằng cách nào lại được trao hẳn cho trọng trách khó khăn này. Tôi thích ăn thịt nhưng lại không thích cảm giác khi sờ vào thịt, thịt sống cũng thế mà thịt chín cũng vậy. Thử thách gói giò này chỉ e là khó lòng mà đẹp được.

Thấy tôi ngồi bần thần một lúc không động chân động tay gì, Lịch Vũ kéo tôi đứng dậy, đoạn rút từ hông ra một túi gấm đưa cho tôi, bảo:

"Nà..ng... hừm... Đam đi ra chợ, mua một con gà một buồng cau mang sang nhà Giáo thụ đi Tết."

Chỉ nghe đến đây tôi đã mừng như mở cờ trong bụng, vâng vâng dạ dạ cầm túi tiền rồi chạy biến đi. Ra đến cửa con Nhài còn chạy theo hét lớn:

"Anh Đam, lúc về mua hộ em thêm ít vôi nữa."

Tôi gật đầu, vẫy vẫy tay rồi nghênh ngang đi ra chợ.

Ngoài thích ăn ngon, mặc đẹp, skincare thì mua sắm là tình yêu lớn nhất đời tôi.

Hồi còn chưa rơi về thời cổ đại này, mỗi khi stress tôi lại mua sắm bất kể ngày đêm, bất kể là order hay mua trực tiếp. Váy vóc, giày dép, mỹ phẩm từng kiện từng kiện cứ dăm ba ngày lại được gửi về chỗ làm một lần. Có nằm mơ tôi cùng chưa từng mơ tới việc mình lại đi "shopping" ở Đại Cồ Việt, không chỉ vậy mà còn tay chọn gà tay chọn cau, thăm thú hết hàng nọ đến quán kia cả thành Hoa Lư.

Tôi vốn luôn cho rằng thời cổ đại dân cư thưa thớt - điều này đúng.

Tôi cũng cho rằng chợ bùa ở thời kỳ này chắc chắn chẳng thể nhiều hàng hoá và đa dạng như ở thời hiện đại - điều này không sai.

Vậy nhưng phải đến tận khi tự mình được tham dự một phiên chợ Tết của Đại Cồ Việt 1000 năm về trước tôi mới thấm thía thế nào là "đông như Tết".

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ