Đề 63: Phân tích Kiều Ở Lầu Ngưng Bích

24 0 0
                                    

Mở bài:

Số kiếp ở đâu mà lận đận

Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi

Cành hoa vườn Thúy duyên còn bén

Ngọn nước sông Tiền nợ chẳng xuôi

(Tống vịnh Kiều)

Đã hai thế kỷ trôi qua nhưng tấm lòng của cụ Nguyễn Du vẫn luôn được chúng ta nâng niu và quý trọng. Đó là tiếng lòng Tố Như lắng đọng, hoà lệ thành thơ – những vần thơ được trau chuốt từ trong tâm tưởng – những tiếng kêu xé lòng làm xót xa khách phòng văn. Là thi sĩ, ai chẳng muốn cất ngòi bút ca ngợi cái đẹp, cái hữu tình, cái thơ mộng, nhưng hiện thực phơi bày trước mắt là mũi dao oan nghiệt khiến trái tim đa cảm phải cất tiếng đau thương. Trong ngàn vạn tiếng nấc nghẹn ngào về thân phận người phụ nữ, Truyện Kiều bật lên như tiếng thét hoảng hốt, vô vọng giữa đêm trường phong kiến đầy những tủi nhục, đắng cay. Nổi bật trên đó chính là một dấu lặng trầm buồn trong số kiếp của phận gái hồng nhan. "Kiều ở lầu ngưng bích" chính là tiếng thét vô vọng của nàng Kiều trước xã hội bỉ ổi xấu xa.

Thân bài:

Đoạn thơ này được xem là kiểu mẫu của lối thơ tả cảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển. Để diễn tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này" để khắc họa tâm trạng của Kiều lúc bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Trong nỗi đau thân phận con người, từ một cô gái "Êm đềm trướng rủ màn che", bão giông cuộc đời đưa đẩy nàng đến chốn bùn nhơ. Vì chữ hiếu Kiều đành dứt tình với Kim Trọng, bỏ lại câu thề nguyền non nước chưa trọn, theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri. Tưởng rằng mọi sự khổ đau đã lên tới đỉnh điểm, chẳng còn gì để nàng phải mất nữa, ấy vậy mà ông trời vẫn đùa giỡn với số phận của con người. Sóng gió xảy đến với cô trong 15 năm lưu lạc, sống trầm luân trong kiếp đoạn trường. Tự tử chẳng thành, Kiều bị Tú Bà đưa về lầu Ngưng Bích trong cảnh "Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?". Làm con như lời mụ hứa kén chồng tử tế chăng? Hay là một tù nhân bị giam lỏng? Bước chân đầu tiên đi vào cuộc đời của nàng sau chông chênh như cảnh "Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh". Đoạn trích là một màn độc thoại nội tâm, một khúc tự tình của Kiều trên bước đường lưu lạc.

Sáu câu đầu mở ra một loạt không gian nghệ thuật và một tâm trạng nghệ thuật đồng hiện. Hiện tại trống vắng, tương lai mờ mịt, Nguyễn Du đã khắc họa ngoại cảnh qua tâm cảnh ngổn ngang:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Đó là một khung cảnh thiên nhiên vắng lặng, không một bóng người, không một tâm hồn thân thuộc, bầu bạn, trong dư vị đau khổ, tủi nhục vừa trải qua da diết. Có ai hiểu nỗi lòng nàng trong cảnh huống này? Nhìn một dáng núi xa, ngắm một vầng trăng gần, nàng cảm thấy đó là bè bạn. Nhưng những người bạn không lời này đâu có an ủi, chia sẻ được nỗi buồn đang chất ngất trong lòng nàng? Tất cả mọi khổ đau buồn tủi ấy được kết đọng lại trong hai từ "Khóa xuân". Nhiều nhà nghiên cứu khi chú thích hai từ "khoá xuân" đã viện dẫn điển cố trong câu thơ của Đỗ Mục: "Đồng Tước xuân tâm tỏa nhị Kiều". Nhưng có lẽ không cần lời diễn giải hay chú thích nào khác thì bản thân hai từ thuần Việt "khoá xuân" tự nó đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa sâu xa của tứ thơ. Sự cô đơn trống trãi bao vây bào mòn trong tâm can Thuý Kiều, nếu không phải là nhốt kín nàng thì còn là gì nữa! Sức sống mơn mởn, phơi phới tuổi xuân – lứa tuổi đẹp nhất của đời người – của một trang tuyệt sắc giai nhân bị những bàn tay hung bạo bóp nghẹt.

Làm văn lớp 9Where stories live. Discover now