Đề 6: Cảm nhận về truyện ngắn "Chiếc lược ngà"

168 3 0
                                    

Câu chuyện viết về tình cha con của những người kháng chiến, những người cách mạng. Nhưng đó cũng là tình phụ tử muôn đời. Truyện không dài, tình tiết không li kì, tư tưởng cũng không phức tạp. Nó chân thực và giản dị, vì thế mà cảm động. Ấy là cốt cách của một truyện hay.


Truyện nói đến ba nhân vật: một người con và hai người cha. Truyện viết về hai cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, éo le: cuộc gặp gỡ đầu tiên mà cũng là cuối cùng của cô con gái với cha mình và cuộc gặp gỡ cũng của người con ấy với bạn chiến đấu của người cha đã hi sinh.

Truyện xoay quanh một kỉ vật đơn sơ mà vô giá, chính nó đã nối hai cuộc gặp gỡ với ba con người: chiếc lược ngà. Nhưng vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt những quãng đời, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này: Ấy là tiếng Ba.


Nhìn từ tình huống truyện, Chiếc lược ngà là một truyện ngắn không chỉ có một tình huống duy nhất mà có hai tình huống, mỗi tình huống xoay quanh một cuộc gặp gỡ. Mỗi tình huống ấy là hạt nhân của một truyện nhỏ mà ta có thể gọi thành tên: truyện nhỏ thứ nhất có thể gọi là Cái thẹo của cha, truyện nhỏ thứ hai là Chiếc lược cho con. Truyện thứ nhất làm tiền đề cho truyện thứ hai. Hai truyện nhỏ liên hoàn tạo thành một truyện lớn hoàn chỉnh. Đó là dạng tình huống giàu kịch tính. Vì thế cũng có thể xem Chiếc lược ngà như một vở kịch nhỏ gồm hai màn khá rõ rệt. Mỗi màn là một cuộc gặp gỡ éo le mà cảm động.


Hãy nói về cuộc gặp gỡ thứ nhất. Khi ấy, nhân vật Thu còn là một cô bé. Người cha được về thăm nhà sau bao nhiêu năm ở chiến khu. Khao khát đốt lòng ông là được gặp con, là được nghe con gọi tiếng ba, để được sống trong tình cảm cha con, mà lâu nay ông chưa từng được sống, bấy lâu ông mong đợi. Nhưng mọi chuyện đã diễn ra không ít trái ngang. Đứa con gái đã hoàn toàn lạnh lùng trước mọi tình cảm vồ vập của cha. Ông càng xích lại gần, nó càng lùi xa. Ông càng chiều thương, nó càng lảng tránh. Ông càng khao khát được nghe tiếng ba từ lòng con, nó càng cố tình cự nự. Ngọn lửa nồng nàn của lòng cha cứ bị những đối xử xa lánh, ương ngạnh của con giội xuống những gáo nước lạnh. Có những tình huống tưởng chừng cô bé không thể ương bướng được nữa, ấy thế mà nó vẫn quyết liệt. Đó là lúc cơm sôi, một mình nó bé, không thể tự nhấc nồi để chắt nước. Nó đã phải cầu cứu đến người lớn. Tình thế khiến người đọc ngỡ rằng nó sẽ phải thua, không thể chiến tranh lạnh được nữa - nó buộc phải gọi ba để được giúp đỡ. Nhưng không. Nó vẫn không chịu cất lên cái tiếng mà ba nó mong! Chỉ cần nói lên cái tiếng ba ấy thôi, là nó sẽ thoát khỏi thế bí. Nhưng quyết không! Nó vẫn hành động theo sự bướng bỉnh, bất cần! Tự mình làm lấy một công việc nguy hiểm và quá sức! Nghĩa là nó không chịu nhượng bộ, không chịu thua cuộc. Điều ấy đã làm cho người cha, người bạn của cha và cả người đọc đau lòng. Còn gì đau lòng cho bằng người cha giàu lòng thương yêu con, mà lại bị chính đứa con ấy kiên quyết chối bỏ!


Nhưng, khi ta hiểu ra thì lại thấy rằng: chính cái hành động đáng ghét ấy lại vô cùng đáng quý! Chính thái độ quyết liệt ngang ngạnh đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha. Đơn giản vì bấy giờ, cô bé thấy vết thẹo dài trên má người đang xưng là ba đây không giống với ảnh cha mình. Cô bé không tin, và thậm chí còn ngờ vực. Điều đáng nói là cô bé không dễ tin người khác. Cả bạn của cha, cả mẹ xác nhận là cha. Nhưng không ai tháo gỡ được thắc mắc thầm kín trong lòng mình, thì cô bé vẫn chưa chịu thông. Còn chưa thông thì còn chưa chịu. Nó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một con bé đỏng đảnh, nhiễu sách, mà đó là sự kiên định, quyết liệt của một người có lập trường. Đây chính là cái mầm sâu kín, sau này làm nên tính cách cứng cỏi ngoan cường của chị giao liên giải phóng. Đến khi được ngoại giảng giải về lai lịch vết thẹo trên má ba, thì Thu mới vỡ lẽ đó thực là ba mình.

Làm văn lớp 9Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ