Đề 41: Nhân vật Ông Họa Sĩ trong truyện ngắn LLSP

11 0 0
                                    

Cuộc sống mở ra với muôn vàn vị ngọt của thanh âm, sắc màu và lắng mình vào trang văn của bao tặng phẩm. Văn học ưu ái những gì thi vị nhất, những bề sâu chỉ có lăng kính của trầm tư mới cảm nhận một cách thỏa mãn thế được. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng quan niệm rằng: "Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người." Sẽ có nhân vật hiện lên với đầy vẻ kiêu hãnh của một sắc vóc hiên ngang, và cũng có nhân vật hiện lên tuy bình thường nhưng không tầm thường, là nốt nhạc hoàn thiện cho một bản hòa ca. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long là một truyện đặc sắc, để lại trong lòng mỗi chúng ta nhiều rung cảm đẹp đẽ. Bên canh đó ông sở hữu cho mình lối viết nhẹ nhàng nhiều chất thơ: thiên nhiên hiện hình dưới một màu áo trữ tình ấm áp lòng người đến lạ lùng. Đó là những người lao động bình thường, đáng mến, rất vĩ đại. Bốn con người được nhà văn nói đến, già có, trẻ có, trai có, gái có, ngoài bác lái xe ra, ba nhân vật còn lại là những trí thức xã hội chủ nghĩa: ông họa sĩ già, anh cán bộ khoa học và cô kĩ sư trẻ mới ra trường. Truyện hầu như không có cốt truyện, thế mà cuộc gặp gỡ giữa họ khó phai mờ trong tâm trí chúng ta. Và ông họa sĩ già là nhân vật phụ nhưng có vai trò quan trọng trong tác phẩm, góp phần vào sự thành công của truyện. Đây là nhân vật gần với quan điểm trần thuật của tác giả, luôn mang trong mình một điều ước giản đơn đó là được sáng tạo, cống hiến. Ở đó như bừng lên ánh hào quang chân ái của nghệ thuật vĩnh cửu.

Là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí sự tinh tế đầy trải nghiệm, tác giả Nguyễn Thành Long thường viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 60-70 thế kỉ XX. "Lặng lẽ Sa Pa" được sáng tác năm 1970, in trong tập "Giữa trong xanh" (1972) trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.Trên chuyến xe từ Hà Nội đến Lào Cai, bác lái xe, ông họa sĩ lão thành và cô kĩ sư nông nghiệp trẻ vui vẻ trò chuyện. Chiếc xe dừng lại 30 phút để hành khách nghỉ ngơi. Nhân dịp đó, bác lái xe giới thiệu với mọi người anh thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn. Anh thanh niên mời ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của mình. Mặc dù chịu nhiều gian khổ nhưng anh vẫn tích cực làm việc góp phần vào công việc lao động sản xuất và chiến đấu. Ông họa sĩ cảm nhận được nét đẹp của người lao động mới qua hình ảnh anh thanh niên. Ông định vẽ chân dung anh nhưng anh từ chối và giới thiệu 2 người khác xứng đáng hơn, đó là ông kĩ sư trồng rau và người cán bộ nghiên cứu sét. Ông họa sĩ và cô gái chia tay anh để tiếp tục cuộc hành trình với bao tình cảm lưu luyến. Cuộc gặp gỡ ấy tuy chỉ vỏn vẹn ba mươi phút nhưng đã khiến ông đã bị ấn tượng bởi anh thanh niên, anh có tầm vóc nhỏ và nét mặt rạng rỡ. Đối với ông họa sĩ, việc tìm được nguồn cảm hứng như vậy như khiến ông trẻ lại và khao khát sáng tạo lại dâng đầy, ông "bắt gặp một điều thực ra ông vẫn ao ước được biết", "ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đã là giá trị một chuyến đi dài".

Quả đúng như vậy, dù nghệ thuật có vẻ đẹp lung linh huyền ảo riêng của nó, thì nghệ thuật cũng bắt đầu từ cuộc đời và phải hướng tới cuộc đời, tác phẩm nghệ thuật có thể hoàn tất nhưng cuộc đời thì luôn tiếp diễn, có những vẻ đẹp của cuộc sống nghệ thuật không thể truyền tải trọn vẹn. Và chính khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống ấy là một sự thử thách gian nan đối với bất kì người nghệ sĩ chân chính nào. Đối với cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời, thì sự sáng tạo của người nghệ sĩ chính là dấu chân nơi sa mạc mênh mông kia. Nhưng một khi dám dũng cảm dấn thân trên con đường nhiều chông gai ấy, tâm hồn người nghệ sĩ sẽ trở nên cao đẹp hơn bao giờ hết. Ông họa sĩ là một nghệ sĩ chân chính, một trí thức lịch duyệt. Ông nhận ra con đường nghệ thuật "như là một quả tim nữa của ông". Đây là phép so sánh đặc sắc, nghệ thuật giống như một thứ ánh sáng thần kì khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ trở nên mới mẻ hơn, phong phú hơn như một vườn hoa đầy hương sắc. Đồng thời, con đường nghệ thuật ấy cũng là "quả tim cũ được đề cao lên". Ngọn lửa thử vàng của nghệ thuật sẽ giúp chất vàng mười trong trái tim người nghệ sĩ bùng lên và tỏa sáng. Có thể thấy, sự nhận thức sâu sắc và đúng đắn về nghệ thuật chính là biểu hiện của một người nghệ sĩ chân chính, giàu tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, con đường nghệ thuật "nặng nhọc, gian nan" vì từng tác phẩm nghệ thuật cần phải chuyên chở tâm huyết của người nghệ sĩ. Điều đó thể hiện qua một loạt câu hỏi như giày vò tâm trí người họa sĩ: "Làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu anh ta, mà không phải hiểu như một ánh sao xa? Và làm thế nào để đặt được chính tấm lòng người họa sĩ vào bức tranh đó?". Các câu hỏi vang lên như tiếng gọi của lương tâm người nghệ sĩ, nó vừa truyền tải thông điệp về thiên chức của người nghệ sĩ với cuộc đời, đồng thời nó cũng truyền tải thông điệp về sứ mệnh của hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung: cần phải khơi phá được những vẻ đẹp của cuộc sống, cần phải khiến những vẻ đẹp ấy chạm được vào trái tim công chúng, khiến vẻ đẹp ấy thật gần gũi để có thể cộng hưởng với tâm hồn mọi người để cái đẹp cứ thể nảy nở, sinh sôi trong cuộc sống.Vẻ đẹp ấy cụ thể trong trường hợp này chính là anh thanh niên, một chàng trai đáng yêu say mê lý tưởng. Bác họa sĩ muốn mọi người hiểu được anh, yêu mến anh và cảm thấy anh gần gũi, chứ không phải chỉ đơn thuần ngưỡng mộ anh như một "ngôi sao xa". Hình ảnh "ngôi sao xa" có tính chất biểu tượng, nó xuất hiện hai lần trong tác phẩm. Lần thứ nhất, ở đầu tác phẩm, hình ảnh ngôi sao xa hiện lên qua lời nói của anh thanh niên gợi tới một vẻ đẹp khiêm nhường, lẻ loi nhưng cao quý. Cho nên, nguyện vọng của bác họa sĩ muốn vẽ bức chân dung của anh thanh niên để người xem không hiểu anh "như một ngôi sao xa" mang mong muốn khiến cho ánh sao lẻ loi, cô độc ấy được thấu hiểu, giúp người xem hiểu hơn về anh thanh niên, về công việc và lý tưởng của anh, từ đó trân trọng, quý mến anh. Bác họa sĩ muốn làm cho ánh sao xa xôi ấy trở nên thật gần gũi và ánh sáng lấp lánh của nó có chạm tới trái tim mọi người. Cũng chính sự nhiệt tình, chu đáo của chàng thanh niên đã khiến ông có những cảm xúc ấy, mặc dù cho đây có lẽ sẽ là chuyến đi thực tế cuối cùng của ông. Và ông muốn lưu giữ lại hình ảnh chàng trai ấy qua bức ký họa dạt dào cảm xúc của mình: "Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá." Đó là khoảnh khắc mà người họa sĩ bắt gặp được nguồn sống của mình, một nét đẹp gì đó mà trước giờ ông vẫn khát khao kiếm tìm, "là một cơ hội hữu hạn cho sáng tác". Hành trình ấy quả thực không có gì dễ dàng, khiến ông nhọc, nhưng nhọc trong niềm vui và hạnh phúc. Chính những khoảnh khắc thăng hoa của người nghệ sĩ, khi mà học thực sự cảm thấy đâu là nguồn sáng tạo chân chính của mình, nét đẹp nghệ thuật sẽ ra đời và đó là bước khởi đầu của một kiệt tác. Trò chuyện với chàng thanh niên ấy, ông rút ra nhiều điều, suy nghĩ nhiều điều về chính ông, về cách mà ông nhìn thiên nhiên và mọi thứ thuộc về Sa Pa, ông suy nghĩ về sức mạnh và sự bất lực của nghệ thuật, nơi mà ông đang thuộc về. Bởi "những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác". Sa Pa, vốn dĩ là nơi mà người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, nơi ấy vẫn có những con người cần cù làm việc, cần cù lao động thầm lặng để cống hiến cho đất nước. Người họa sĩ cứ thế phác họa chàng trai trẻ trong vô thức, có lẽ ông cũng như bị ma lực tuổi trẻ, sự nhiệt huyết lao động cống hiến lôi cuốn đưa ông về với những cánh cửa cảm xúc đã bị đóng bấy lâu. Ở khía cạnh này, ta lại thấy ông họa sĩ với những suy nghĩ giản dị, ông luôn sẵn sàng đón nhận những nhiều tốt đẹp, những chiêm nghiệm và suy nghĩ dù cho đó là từ một ông bạn già cùng lứa tuổi hay là một anh thanh niên trẻ với trái tim "thèm" người. Ông họa sĩ cũng là một biểu tượng đẹp cho hình ảnh những con người hết mình vì nghệ thuật. Trái tim nghệ sĩ đầy rung cảm, luôn như ngọn lửa âm ỉ chỉ cần khẽ thổi cũng bùng lên cháy huy hoàng với ước mơ và khát vọng. Nguyễn Thành Long như lưu mình vào nhân vật, cùng cảm nhận, cùng rung động trước cái đẹp Sa Pa và nghiền ngẫm những triết lý sau buổi gặp gỡ định mệnh. Ngòi bút ấy tinh tế mãi khiến cho chúng ta không ngừng luồn sâu vào từng ngóc ngách tâm trạng nơi ông họa sĩ xa đi qua và khiến ta cảm phục bất cứ lúc nào.Ông họa sĩ mặc dù đã già, ở tuổi mà con người ta chỉ còn nghỉ ngơi thì trái tim của người nghệ sĩ lại không ngừng ở đó, ngược lại nó còn trẻ hóa, thấy cuộc sống kia còn bao nhiêu điều ý nghĩa, còn bao điều đang chờ đợi và từ đó đã thôi thúc trong ông niềm khát khao sống và khát khao sáng tạo. Chỉ qua những chi tiết ấy thôi cũng khiến chúng ta cảm nhận được rằng ông còn là một người có nhân cách đẹp. Mảnh đất và con người Sa Pa, nơi mà ông đến để "nghỉ ngơi trong giai đoạn cuối đời" thật sự ý nghĩa, như điểm thêm chút "ánh hồng" cho cuộc sống người họa sĩ.

Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm thể hiện một tình yêu tha thiết với nghề và một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, đáng quý trọng.Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Câu chuyện đã khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Truyện đã xây dựng được tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên được tác giả sử dụng với ngôi thứ nhất đầy chân thực, có sự kết hợp giữa tự sự trữ tình với bình luận. Chất thơ của "Lặng lẽ Sa Pa" cũng phụ trợ đắc lực cho bài ca, ca ngợi con người bình dị mà cao quý: trong tình huống trữ tình, trong bức tranh thiên nhiên, trong lời đối thoại, nhưng quan trọng nhất đó là những ý nghĩ, cảm xúc của người trong cuộc và vẻ đẹp rất đỗi nên thơ, nên hoa, nên nhạc của lối sống mà nhân vật chính gợi ra.

Người nghệ sĩ có quan niệm nghệ thuật đúng đắn sâu sắc, cũng là một người từng trải, có những chiêm nghiệm sống sâu sắc khi vẽ bức chân dung anh thanh niên. Đồng thời bác họa sĩ cũng nhận ra những ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Người thanh niên trẻ ấy để lại ấn tượng tốt trong lòng ông, ông nhận ra "người con trai ấy đáng yêu thật", nhưng đồng thời lại khiến ông "nhọc quá" bởi những suy nghĩ trăn trở mà anh gợi ra trong tâm hồn ông. Con người chỉ có thể sống có ý nghĩa khi biết cống hiến, khi chan hòa với cộng đồng, khi biết góp sức xây dựng quê hương. Những bài học cuộc sống giản dị mà sâu sắc ấy lại được nói ra bởi một người trẻ tuổi như anh thanh niên, chính điều ấy đã khiến bác họa sĩ xúc động mạnh. Nguyễn Du từng tâm niệm: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", đó là một định nghĩa đúng đắn về người nghệ sĩ. Và định nghĩa ấy cũng đúng với ông họa sĩ trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa". Qua đoạn trích trên, ta nhận ra được ở ông họa sĩ sự trăn trở và tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật và một tấm lòng nhân hậu, yêu con người, yêu cuộc sống. Qua nhân vật, tác giả Nguyễn Thành Long truyền tải những triết lý sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật: Nghệ thuật là một cuộc dấn thân phải trả giá bằng máu huyết, nhưng một khi người nghệ sĩ chân chính có can đảm theo đuổi cuộc hành trình ấy, tâm hồn anh ta sẽ được tôi luyện để trở nên phong phú hơn, cao đẹp hơn. Một trang văn in bóng một cuộc đời, mỗi nhân vật hằn in tâm tình người nghệ sĩ. Phải chăng Nguyễn Thành Long đã âm thầm gửi gắm tâm huyết nghệ thuật một đời mình vào hình tượng bác họa sĩ, một người họa sĩ đã dấn thân và không ngừng dấn thân trên cuộc hành trình nghệ thuật đầy khổ nhọc mà cũng đầy vinh quang.

Làm văn lớp 9Dove le storie prendono vita. Scoprilo ora