Đề 39: Nhân vật Bác Lái Xe trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

10 0 0
                                    

Nếu cho ta một khoảng không, ta sẽ chọn nơi yên bình nhất mà tựa đầu thưởng thức tiếng ca của muôn loài. Nếu cho ta một cơ hội tỏa sáng, ta sẽ chọn vị trí đứng lấp lánh, thu hút nhất để bản thân trở thành ngôi sao nổi bật lung linh nhất. Và dù có chọn cho mình sự xô bồ của ánh hào quang hay chốn thanh tịnh để hòa mình thì có lẽ mỗi chúng ta đều đang hài lòng với thực tại. Đưa chúng ta về với khung cảnh bàng bạc chất thơ, thiên nhiên hiện hình dưới màu áo trữ tình ấm áp của chốn Tây Bắc thiêng liêng, hùng vĩ chỉ có thể là nhà Văn Nguyễn Thành Long. Ông sở hữu cho mình lối viết nhẹ nhàng và còn là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí sự tinh tế đầy trải nghiệm. Đọc văn ông như đưa chúng ta về với thực tại thiên nhiên nơi Sa Pa muôn trùng sắc màu. Chắc hẳn chúng ta đã từng biết đến anh thanh niên chăm chỉ làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m hay nhân vật cô kĩ sư trẻ đến từ vùng đất Hà thành đầy e thẹn, dịu dàng , duyên dáng và cả ông họa sĩ già mong ước có một kiệt tác để đời trước khi ngưng hẳn công việc yêu thích vốn có của mình. Tất cả họ hiện lên là những ngôi sao tỏa sáng cho tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa". Thế nhưng còn một nhân vật tuy không mấy "đất diễn" nhưng cũng ấn tượng chẳng kém anh thanh niên hay cô kĩ sư, ông họa sĩ đó chính là bác lái xe – người chở những "tâm hồn đắm say nghệ thuật" lên đến đỉnh núi Yên Sơn. Bác ấy là người tốt bụng, vui chuyện như một nhân vật dẫn chuyện nhưng làm ta khó quên.

Vi mạch cảm xúc đưa chúng ta về với thiên nhiên tuyệt sắc dường như là dấu ấn khó phai khi chúng ta nhắc đến ấn phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của tác giả Nguyễn Thành Long. Ngoài là một tâm hồn nhạy cảm, đồng điệu sâu sắc với chốn cỏ cây, ông còn là ngòi bút thường viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 60-70 thế kỉ XX. "Lặng lẽ Sa Pa" được sáng tác năm 1970, in trong tập "Giữa trong xanh" (1972) trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.Trên chuyến xe từ Hà Nội đến Lào Cai, bác lái xe, ông họa sĩ lão thành và cô kĩ sư nông nghiệp trẻ vui vẻ trò chuyện. Chiếc xe dừng lại 30 phút để hành khách nghỉ ngơi. Nhân dịp đó, bác lái xe giới thiệu với mọi người anh thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn. Anh thanh niên mời ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của mình. Mặc dù chịu nhiều gian khổ nhưng anh vẫn tích cực làm việc góp phần vào công việc lao động sản xuất và chiến đấu. Ông họa sĩ cảm nhận được nét đẹp của người lao động mới qua hình ảnh anh thanh niên. Ông định vẽ chân dung anh nhưng anh từ chối và giới thiệu 2 người khác xứng đáng hơn, đó là ông kĩ sư trồng rau và người cán bộ nghiên cứu sét. Ông họa sĩ và cô gái chia tay anh để tiếp tục cuộc hành trình với bao tình cảm lưu luyến. Và rồi chuyến xe ấy lăn bánh để lại trong họ những kỉ niệm khó phai cùng những lời hẹn chẳng biết trước tương lai.

"Sống như những đóa hoa, tỏa ngát hương cho cuộc đời", tuy gian nan, vất vả nhưng chẳng hề có chút ngần ngại nào ở người đàn ông suốt 30 năm gắn bó với nghề. Mỗi phút giây được là chính mình, được cầm lái chiếc xe thân thương chở khách thượng lộ là mỗi khoảnh khắc như thêm yêu cuộc đời. Bác lái xe là nhân vật xuất từ đầu dẫn dắt câu truyện, nhưng cũng kịp thể hiện những nét đẹp trong tính cách. Là người rất yêu công việc, bao nhiêu năm trong nghề lái xe mà vẫn luôn giữ được tính cởi mở, niềm nở có trách nhiệm với công việc, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Cung đường đi qua không biết bao lần nhưng mỗi một chuyến đi với bác đều như mới. Vừa đến nơi bác liền thốt lên hỏi rằng: "Chúng ta vừa qua Sa Pa, bác không nhận ra ư?" – hỏi ông họa sĩ. Như một thói quen của trực giác người nhà trốn hùng vĩ Tây Bắc, bác đã sớm nhận ra khoảng không quen thuộc ấy, hài hước trêu: "Bác sợ Sa Pa buồn chứ gì?" Câu nói tưởng chừng là sự dí dỏm của lái xe với hành khách nhằm pha trò nhưng đó cũng chính là nỗi niềm của tri âm, tri kỷ vùng đất này. Đã 30 năm gắn bó bất kể tiết trời, không thể nào không vấn vương "những nét hớn hở trên mặt người lái xe chợt duỗi ra rồi bẵng đi một lúc". Có lẽ, bao luồng suy nghĩ khắc khoải vẫn đang đưa cảm xúc của bác tua chậm như một thước phim cũ đầy ắp kí ức vô giá. Khung cảnh hiện lên đầy kì vĩ, đẹp đẽ đến huyền ảo, ông họa sĩ cũng im bặt. Cầm trên tay chiếc vô – lăng, ngồi ở vị trí tuy áp lực nhưng lại hết sức hoàn hảo, nơi có thể thâu tóm toàn bộ vạn vật và cũng là nơi vừa có thể cảm nhận và thưởng thức đến ngây người. Nắng len tới đốt cháy rừng cây, cây thông cao quá đầu, rung tít trong nắng, những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Hỡi ơi, khung cảnh này thôi là đủ đốn gục bao ánh nhìn chăm chăm trên chuyến xe bon bon ấy. Mây bị nắng xua, cuộn tròn từng cục luồn cả vào gầm xe. Quả là chốn bồng lai tiên cảnh này không thể rời mắt. Cũng là lúc bác cho xe dừng sít lại, hành khách được nghỉ ngơi nửa tiếng lót dạ. Người đàn ông nắm giữ lịch trình của hành khách trông dõng dạc, xướng to là thế, nhưng cũng hết sức đam mê nghệ thuật, luôn dành cho cái đẹp sự ưu ái đến không ngờ. Dưới ngòi bút tràn đầy tinh tế của Nguyễn Thành Long, bên cạnh những nhân vật trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đó còn là người lái xe căng tràn sức sống, luôn cởi mở và đắm chìm hòa mình với thiên nhiên.

Ngoài có vốn hiểu biết sâu rộng về Sa Pa thì sự thân thiện, cởi mở và yêu đời chính là tất cả những gì miêu tả về người đàn ông trung niên ấy. Bác lái xe là cầu nối giữa anh thanh niên với miền xuôi và cuộc đời muôn màu. Bác lái xe cũng là người dẫn dắt truyện, kích thích sự tò mò của ông họa sĩ và cô kĩ sư về anh thanh niên - người cô độc nhất thế gian, người rất "thèm người". Có lẽ, anh thanh niên nhận được sự quan tâm rất đặc biệt từ chính bác, anh như người con người cháu trong nhà mà bác quý mến, trân trọng. Bác vội vã giới thiệu với tất cả mọi người một người cô độc nhất thế gian. Và đó chính là anh thanh niên, có vẻ như bác ấy có ý ghép đôi cô kĩ sư cùng anh qua một cái nhìn liếc sang khiến cô đỏ mặt. Bằng sự tự tin, đầy nhiệt huyết của mình bác giới thiệu đầy chi tiết:" Một anh thanh niên 27 tuổi. Đây là đỉnh Yên Sơn, cao 2600 mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu." Hình ảnh anh thanh niên hiện lên qua lời kể đầy dõng dạc, dí dỏm ấy rất đơn độc và 'thèm người". Sự tích chắn ngang khúc cây để mong có cơ hội được gặp người dưới miền xuôi khiến cả ông họa sĩ và cô kĩ sư đều xúc động mạnh, lấy làm tò mò, muốn tìm hiểu. Người thanh niên trẻ ấy cũng quý trọng bác lái xe chẳng kém, hai người họ cứ như một nhà. Anh cho bác gói nhỏ chứa củ tam thất vừa đào để mong ngâm rượu uống giải bệnh. Sự quan tâm ấy làm ấm thêm tiết trời lạnh lẽo của đỉnh Yên Sơn. Không ngần ngại, bác rút ra trong túi quyển sách mua hộ anh thanh niên. Và cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên cùng ông họa sĩ, cô kĩ sư cứ thế dần thoải mái dưới sự dẫn dắt đầy linh hoạt của bác lái xe. Ngay cả từ "thèm người" đầy thú vị ấy cũng là biệt danh ngẫu nhiên bác lái xe dành cho anh. Bác hiểu cảm giác đơn độc một mình làm việc nơi hẻo lánh của anh, bác trân trọng sự cần cù, cống hiến ấy. Đó cũng chính là động lực khiến bác hàng ngày hài lòng với công việc chở khách từ miền xuôi lên của mình. Người không bao giờ thấy cuộc sống này nhàm chán, luôn tìm thấy những điều tuyệt vời từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Gom góp chút ít thôi cũng khiến bác lái xe vui vẻ ngày ngày tiếp tục hành trình của chính mình.

Câu chuyện đã khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà cao cả. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Truyện đã xây dựng được tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên được tác giả sử dụng với ngôi thứ nhất đầy chân thực, có sự kết hợp giữa tự sự trữ tình với bình luận. Chất thơ của "Lặng lẽ Sa Pa" cũng phụ trợ đắc lực cho bài ca, ca ngợi con người bình dị mà cao quý: trong tình huống trữ tình, trong bức tranh thiên nhiên, trong lời đối thoại, nhưng quan trọng nhất đó là những ý nghĩ, cảm xúc của người trong cuộc và vẻ đẹp rất đỗi nên thơ, nên họa, nên nhạc của lối sống mà nhân vật chính gợi ra. Nhân vật bác lái xe như dẫn dắt cả câu truyện, người kể, người thêu dệt nên bức tranh tình người ấm áp.

Con người chỉ có thể sống có ý nghĩa khi biết cống hiến, khi chan hòa với cộng đồng, khi biết góp sức xây dựng quê hương. Những bài học cuộc sống giản dị mà sâu sắc trong "Lặng lẽ Sa Pa" như tiếp thêm sức mạnh cho bao con người. Tác phẩm sẽ trường tồn mãi trong dòng chảy văn chương, dòng chảy về xuôi, tỏa sáng trong nền văn học mang hơi thở Tây Bắc. Qua nhân vật bác lái xe đầy cởi mở, tốt bụng và yêu thiên nhiên, tác giả Nguyễn Thành Long truyền tải những triết lý sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật. Một trang văn in bóng một cuộc đời, mỗi nhân vật hằn in tâm tình người nghệ sĩ. Tác giả đã âm thầm gửi gắm tâm huyết nghệ thuật một đời mình vào hình tượng bác lái xe – đứa con của chốn rừng thiêng Tây Bắc, người nhà của anh thanh niên.

Làm văn lớp 9Where stories live. Discover now