Chương 22: Đại tiệc mùa xuân

215 9 0
                                    

Những ngày giáp Tết sau đó tôi đều loanh quanh ở cung Lệ Thiên giúp làm những công việc lặt vặt cho Tuyên Hoàng thái phi. Mấy ngày liền không trở về cung Quan Triều cũng không hề thấy Trần Tử Thuyên có động tĩnh gì. Đúng là tên máu lạnh, lật mặt còn nhanh hơn bánh tráng.

"Cô sao đấy?" - Ngọc Sương xuất hiện bất thình lình phía sau dọa tôi giật mình.

"Có sao đâu."

"Còn chối. Trông cô như mất hồn, tinh thần chiến binh hằng ngày đi đâu mất rồi. Đang nghĩ đến quan gia à?"

"Vớ vẩn. Tôi nghĩ tới hắn làm gì?"

"Ờ... thế mà tôi cứ tưởng có người bảo quan gia hãy xem mình như người tàng hình. Xong bây giờ bị quan gia làm ngơ thì cả ngày tương tư như người mất hồn."

Tôi bực bội nhéo tay Ngọc Sương:

"Đừng có trêu chọc tôi. Ai thèm tương tư."

"Ừ ai biết được đấy."

Mùa xuân là mùa lễ hội lớn nhất trong năm, suốt một tháng liền trong cung sẽ liên tục có những hội lớn hội nhỏ, các nghi lễ khác nhau ở các cung các điện được tổ chức liên miên. Ngày đầu tiên, Trần Tử Thuyên đi xe ngự dụng, các quan mặc triều phục đi trước đến điện Đế Thích để làm lễ, buổi tối qua điện Trường Xuân - nơi thờ tự các vị vua trước để vọng bái tổ tiên. Đêm tiếp theo lại tiếp tục mời các tăng sĩ, thầy pháp tới để làm các nghi lễ đuổi tà ma của năm mới.

Sáng mùng một Tết, Trần Tử Thuyên sau khi làm lễ đầu năm ở điện Trường Xuân thì quay về điện Thiên An. Tất cả các phi tử vợ lớn vợ bé của hắn cũng có mặt ở đại điện cùng các quan lại trong triều, lần lượt rót rượu vái lạy Thượng hoàng, Thái hoàng thái phi, Thái hậu, rồi tới rót rượu chúc Tết Trần Tử Thuyên.

Mùng ba Tết hoàng thân quốc thích tập trung ở gác Đại Hưng chơi bóng cầu, nói đúng hơn là chơi cưỡi ngựa đánh cầu, thậm chí còn có cả đấu vật, đánh cờ, đá gà.

Gác Đại Hưng xây cao, căn gác nằm trước một khoảng sân khá rộng. Hai bên sân cung nữ, nội quan đứng rất đông. Bên trên gác thượng hoàng và hậu cung ngồi đông đủ cả. Trần Tử Thuyên không ngồi xem trên lầu mà hắn đích thân xuống sân, mặc đồ thi đấu dù chưa tham gia chơi đánh cầu.

Trên sân chơi chia làm hai đội, một bên đội khăn màu đỏ, một bên đội khăn màu xanh. Hai người đứng đầu mỗi đội, họ ăn mặc đồ lụa nên trông sang trọng nổi bật hơn hẳn. Một người là công tử nhà Khai quốc công Hưng Vũ Vương, một người là con trai út của Hữu Kim ngô Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão.

Một tên thái giám cầm dùi trống đánh liên tiếp ba hồi vào mặt trống báo hiệu cuộc đấu bóng cầu. Bóng cầu có lẽ là được làm bằng lụa đỏ, bên trên hình như còn thêu hoa. Mỗi bên năm người, họ cưỡi ngựa dùng gậy lao vào giành nhau quyết liệt, tiếng hò reo cổ vũ cứ từng đợt lại nổi lên như sóng. Tôi đứng hòa vào dòng người, chăm chú theo dõi trò chơi. Không khí trong cung quả là náo nhiệt không tưởng.

Đội của Phạm Thành chiến thắng, tên thái giám lại một lần nữa gióng trống báo hiệu. Phạm Thành có lẽ cũng chỉ mới mười bốn mười lăm, trông còn rất trẻ, nhưng so với công tử nhà Hưng Vũ Vương đã trưởng thành lại không thua kém về khí thế và kỹ năng chút nào.

Cổ tích một phần ba [full, xuyên không, cảm hứng lịch sử Việt Nam]Where stories live. Discover now