Ngay lập tức, nàng ấy cầm tay Tiêu dắt đi, cùng nhau xem nghi thức "Dẫn hồn" ở phía sau tịnh đàn, hoàn toàn không để ý đến ánh mắt của người ngoài. Tiêu nóng ruột, sợ bị người ta phát hiện ra mình là hồ, càng sợ bị người ta chỉ trích kẻ ngoại tộc lại dám ở bên Thỏ Nhi. Thế nhưng, Phạm thị lại càng nắm chặt tay hơn, nói cái gì mà môn hộ cơ chứ, đúng là vớ vẩn, người khác thích nói gì thì mặc kệ cho nói, nàng chỉ làm những chuyện mình cho là đúng thôi. Ngữ khí cứng rắn, kiên quyết, nhưng lại dịu dàng không thôi.

Nàng ấy còn nói, đừng gọi nàng là Thập Nhất nương. Nàng ghét kiểu xưng hô đánh số lắm, nên cứ khăng khăng đòi Tiêu phải gọi nàng là Cầm. Phạm Thị Diễm Cầm, là danh xưng cha nàng lấy khi ông đương làm chủ quản Quốc Tử Giám. Mỹ ngọc với giai thảo, lộn đi lộn lại cũng đều hợp nhau. Nguyên là, không hiểu vì sao nàng ấy quá yêu cỏ thơm ngọc quý, vì vậy, phụ mẫu huynh trưởng thường gọi nàng là Cầm Nhi[3] cho hợp. "Quả nhiên là thỏ mà." Tiêu không đủ can đảm thốt nên câu này trước mặt Thỏ Nhi, bởi nàng ấy đang nắm tay nàng, theo mọi người đọc kinh sám hối và phổ thi.

Hai người đi đến chỗ quỷ đói, Cầm lấy trong bao đồ ra pháp thuyền và linh phòng[4]. Lúc trước, Tiêu nói dối là mình đến từ huyện kế bên, trong nhà chỉ có một người bà tuổi đã cao, phải một thân một mình bươn chải kiếm sống. Cầm nghe xong bỗng sinh lòng thương xót, nhất nhất bắt Tiêu phải tự tay đốt thuyền giấy và phòng giấy mới không uổng công đến Lộc thành một chuyến. Ánh lửa soi hồng má Cầm, Tiêu đưa mắt thấy đôi đồng tử gợi tình miên man của người kia, nhất thời ngẩn ngơ không nói nên lời.

Vào đêm, hai người đi đến bờ sông, cùng đi thả đèn hoa đăng cho đến khi lễ Vu lan kết thúc. Tay cầm chiếc đèn xếp hoa sen, hai người chăm chú ngắm nhìn ánh nến bập bùng, không ai thả đèn đi.
Cầm lên tiếng trước tiên, "Tiêu, đừng về." Tuy đã sớm biết người này mỗi câu mỗi chữ đều kinh hồn cả, nhưng này cũng... hơi thẳng thắn quá đi.
Tiêu chỉ có thể gượng cười khéo léo, "Cô nương gác tía lầu son, thiếp thân không họ không hàng, e ngại người ngoài đàm tiếu." Vốn là ban đầu chỉ cần thấy mặt nàng ấy là đủ rồi, sau đó, nàng định tiếp tục vô dục vô niệm để tu luyện đặng thành tiên, ngày đêm cầu phúc cho người.
Thế nhưng, Phạm thị người này vốn là coi rẻ tục lệ lễ nghi, lý do này căn bản đối với nàng ấy không thuyết phục. Không còn cách nào khác, nàng đành hứa hẹn một hôm nảo hôm nao cho có lệ.
Không ngờ, Cầm biểu hiện đến là ngây thơ, nghe xong liền kinh hỉ như được tặng một tuyệt thế trân bảo gì đó vậy, "Tôi sẽ chờ." Nàng cười nói, rồi đưa tay lên gỡ trên tóc xuống một cây trâm vàng, bảo, "Có vật này xin gửi."

Tiêu viền mắt ươn ướt, nào còn có duyên phận gặp lại nữa đâu? Nghĩ thế, nhưng nàng cũng tháo cây trâm xanh biếc trên búi tóc xuống, còn đang chần chừ thì đã bị người kia đoạt lấy. Cầm ngắm nghía nó trong chốc lát, rồi cười hì hì, chẳng còn vẻ gì là thục nữ yểu điệu cả. 

Không còn cách nào khác, Tiêu vốn là định cất cây trâm vàng người kia trao vào trong tay áo, nhưng cái con thỏ cao hơn nàng cả một thước kia đã cúi đầu, cẩn thận từng li từng tí gài cây trâm lên búi tóc nàng.
Hương thược dược thoáng miên man, hai má Phong Tiêu ửng lên như hoa hồng tươi đỏ, may mà, ẩn trong đêm tối.
Vô số đèn hoa đăng nho nhỏ chầm chậm trôi theo dòng nước, lấm chấm những đốm lửa nhỏ li ti, minh minh diệt diệt, phổ độ biết bao cô hồn dã quỷ trong nước, dẫn lối chúng đến nơi chuyển thế đầu thai.
"Không được gạt tôi nhé, nếu không, dù thành quỷ tôi cũng không tha cho chị đâu!" Phạm thị nghịch ngợm mượn ánh lửa quỷ đăng leo lét mà như thật như giả trợn mắt đe dọa, nhưng, nét cười vẫn dịu dàng như cũ.
Tiêu không trả lời, đưa mắt nhìn hoa đăng. Hoa đăng như duyên phận hai người, lẻo lét ảm đạm, rồi mất hút về nơi nao.
2. Tế ngữ tương tư.

Tuyển tập bách hợp hoànWhere stories live. Discover now