Chương 29: Thức khuya ta tỉnh bằng trà

1.4K 62 0
                                    


Hoa Lư núi non trùng trùng điệp điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Kinh thành gồm hai vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. Vòng thành ngoài gọi là thành Đông, vòng thành trong gọi là thành Tây. Riêng thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở phòng thủ mặt sau nên được gọi riêng là thành Tràng An. (1)

Thành Đông, thành Tây là nơi đặt cung điện hay còn gọi là thành Hoa Lư. Nơi này tập trung chủ yếu có phủ thự, nhà cửa, lầu tháp, có cả sứ quán để tiếp khách ngoại giao. Dân chúng thành Hoa Lư chỉ trao đổi, buôn bán ở đây còn sinh sống ở vòng ngoài của thành. Dù vậy vào các dịp lễ hội đặc biệt vẫn có thể vào ra thành Hoa Lư khi trời tối.

Thành Nam là khu vực quân sự đặc biệt cũng là nơi có trại thương binh. Vì vậy mỗi lần tới đây tôi buộc phải đi đi về về một quãng đường rất xa, trải qua dăm bảy vọng gác. Tôi đạp lên cỏ mà đi, băng băng vượt cả quãng đường dài. Từ phía sau lưng mặt trời đã khuất núi, những tia nắng yếu ớt cuối cùng còn lại trong ngày cũng chỉ đủ sức làm những rặng bạch đàn ánh lên một màu nhàn nhạt. Nếu còn chậm chạp lề mề chỉ e chốc nữa khi quay về phủ trời đã tối mịt. Vậy thì sẽ lằng nhằng lắm cho mà xem.

Thường thì những chuyện xui rủi sẽ đến cùng lúc, ví dụ như Cao Sạ ốm; ví dụ như trường hợp hen suyễn cấp cứu khẩn; ví dụ như chỉ vừa hôm qua nắng chang chang mà nay trời đã trở rét còn tôi thì làm mất áo, lại ví dụ như tôi ngu ngơ ngây ngốc làm vỡ lọ bột tứ sinh cơ khi sắp kết thúc thăm khám. Vậy là tôi đành quay lại nhà Trần Uy lấy thêm lọ khác nên mới lỡ dở thời gian thế này.

"Anh Đam, để chốc nữa làm. Ra đây ăn với chúng tôi."

Tôi vừa về đến nơi liếc thấy đám lính cạnh trại thương binh đang nướng thịt thơm phức, đon đả mời chào nhưng không dám ghé lại, phẩy tay:

"Để lát nữa đi."

Tôi cũng muốn ăn lắm nhưng nhà bao việc. Trời vào độ cuối thu sắp sửa sang đông, tiết trời se se lạnh như thế này giá mà được ngồi bên đó bù khú với họ thì còn gì bằng. Ai bảo tôi hậu đậu cơ chứ?

Tôi mở rèm bước vào trại thấy có mấy người đang đứng bên giường bệnh của thương binh. An Tường đứng ngay bên cạnh, trò chuyện gì đó với họ. Trang phục này chắc chắn không phải của Thái y ty, vậy là...

Tôi chạy vòng lên phía trước nghiêng nghiêng ngó ngó, người kia quay đầu lại.

"A, Đô Chỉ Huy Sứ!" - Tôi cười toe toét, lễ phép chắp tay chào.

Lịch Vũ gật đầu, khuôn mặt đăm chiêu như giãn ra một chút, vết sẹo vì thế mà trông bớt hung dữ hơn.

"Người đến thăm binh lính ạ?"

Lịch Vũ gật đầu, nhìn quanh cả trại:

"Ở đây tổng cộng có bao nhiêu người?"

"Bảy mươi tám người." - An Tường chậm rãi nói.

"Có bao nhiêu người của Thái y ty, bao nhiêu quân y?"

An Tường mở quyển sổ đang cầm trên tay, vô cùng chi tiết:

"Bẩm, có tất thảy 6 quân y nếu tính cả Giáo thụ, thêm bảy học trò của Thái y ty nữa. Tổng là mười ba người."

Lịch Vũ gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Dĩ nhiên trong lúc Lịch Vũ và An Tường nói chuyện tôi cũng không được phép hóng hớt mà lo việc của mình. Trong số các bệnh nhân tôi chăm sóc đã được về nhà một nửa, còn lại những người bị thương nặng, trong đó có một binh lính bị gãy xương đùi. Dù trong cuộc chiến đã được chữa trị kịp thời nhưng đối với những vết thương nặng như vậy thì phải rất lâu mới bình phục được.

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ