Cậu trai bảnh bao sau khi đủ hài lòng với việc của mình, không quên tiến lại gần người tốt bụng. Cậu bày ra cái bắt tay lịch thiệp và những lời vô cùng trang trọng:

- Rất cảm ơn anh. Anh đã mạo hiểm chỉ để giúp tôi. Tôi lấy làm cảm kích lắm.

- Tôi nào có làm được gì, chỉ là giúp người thôi mà. - Kỳ nắm lấy bàn tay thon thả, lắc nhẹ trong không trung.

- Cho hỏi... tôi có thể trả ơn anh như thế nào đây ạ?

Giọng nói êm ái của người ấy khiến Kỳ chột dạ. Anh vốn luôn dè chừng các mối quan hệ xa lạ, thế nhưng giờ đây, một cậu con trai thuộc dòng họ nức tiếng hàng đầu cái đất Hà Thành - lại đang ngỏ lời này với anh. Anh gãi tóc sau gáy, không khỏi nghẹn trong lồng ngực. Nhìn Tích vô hại, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc những chuyện rắc rối sẽ chẳng xảy ra. Những cậu ấm cô chiêu luôn đi kèm với đủ thứ chuyện trên giời. Kỳ đã không còn ở cái tuổi cậy hơi cha mẹ từ lâu rồi. Bây giờ, thật ra là anh đang nuôi họ.

- Anh tên là gì?

- Tôi tên Doãn Kỳ. Người ta hay gọi anh Kỳ. Tôi chỉ là một công nhân nhà máy tầm thường thôi.

- Tại sao bỗng dưng anh lại nói mình như vậy? - Tích ngạc nhiên.

- Chẳng phải cậu rất giàu ư?

- Giữa con người chúng ta không nên có khoảng cách. Tôi rất thích anh. Anh Doãn Kỳ, nếu được, anh có đồng ý làm bạn với tôi không?

Kỳ nhìn thấy vẻ rạng ngời và trân trọng ánh lên trong đôi mắt đẹp ấy. Mỗi người con đất Việt đều là bạn của nhau, là người thân, là đồng bào. Rất rõ ràng là không có một lý do gì để anh từ chối cậu.

- Được, tôi lấy làm vinh hạnh vô cùng khi gặp gỡ cậu!

Khi Kỳ đi ra khỏi hiệu sách Thụy Ký thì trời cũng đã tối mịt. Không khí bắt đầu khô dần ở xung quanh và cái màu đèn đường nhàn nhạt cũng đã được bật lên từ trạm điện thành phố. Anh đoán chắc Quốc đã xong việc mua sắm từ lâu và đang đứng chờ anh ngoài cửa. Sau lưng Kỳ có bóng người đi theo. Quốc để ý thấy mới khẽ nhíu hai mày mà thậm thọt:

- Anh Kỳ, ai đó?

Anh nghe hỏi, lập tức nhìn ra sau lưng. Hóa ra là Tích chứ còn ai. Anh đã không biết là cậu rời khỏi cửa cùng lúc với mình.

- Anh Doãn Kỳ, tôi có chút quà cảm ơn nhỏ muốn tặng đấy mà...

Tích dúi vào tay anh một quyển gì đó.

Là đầu sách "Làng Stepantsikovo và cư dân" của đại văn hào người Nga Dostoievski! 

Cả một đời Kỳ thích đọc văn thơ, nhưng kể từ khi phải bỏ học cấp ba, anh đã không còn cơ hội được đụng tay chân mình tới những tác phẩm nữa. Cái mộng văn chương thì không có đất để đâm chồi ở dưới một làng quê nghèo. Mãi tới khi lên Hà Nội, anh mới có cơ hội tiếp cận nhà sách và thư viện thành phố. Mà anh chẳng dư dả tiền bạc. Thích sách, thích truyện, anh không thể mua. Trùng hợp biết làm sao khi chính là cuốn này - anh đã đọc dang dở khi còn nhỏ, tới tận bây giờ vẫn chưa biết kết thúc. Vào khoảnh khắc mắt chứng kiến thứ trong lòng, anh ngơ ngác, lúng túng, chần chừ trước ánh mắt tò mò của Quốc, ngại ngùng trước nụ cười của Tích, rồi tim đập, thấy sống mũi sao cứ cay cay...

- Ồ. Cậu Tích ơi... Tôi... tôi...

Tích vội lại gần hơn, đặt nhẹ tay mình lên đôi bàn tay của Kỳ:

- Làm ơn đừng từ chối, chúng ta là bạn mà anh.

Về phần mình, Quốc vẫn đứng ngẩn tò te như cái thúng rau ở một bên. Chuyện gì đang xảy ra đấy? Sau một hồi giới thiệu, Quốc mới hay đây là đứa con dòng tộc họ Trịnh, giàu có không biết bao nhiêu của cải từ cái thời kháng Pháp. Hai người làm quen với nhau, giống hệt anh bạn cùng phòng, Quốc cũng bị chiếc đồng hồ của cậu ấm làm choáng ngợp. Kỳ và Quốc cùng nhìn nhau nhưng anh đã ám hiệu gì đó để cậu không thể hiện ra.

Chỉ sau đó một vài phút, ông Nghiêm xuất hiện với chiếc xe màu đen quen thuộc, từ xa đã hạ thấp cửa kính mà réo rắt lên với cậu chủ nhỏ của ông:

- Cậu chủ, Tích con ơi! Sao lại ăn mặc phong phanh đi ra ngoài thế này cơ chứ! Cháu mà ốm thì tôi chết mất thôi!

Ông lấy một chiếc áo khoác dạ dài từ trong ghế sau choàng lên đôi vai gầy của Tích, những hành động cẩn thận nhưng cũng tỏ đầy vẻ trách cứ. Tích thì liên miệng nói mình ổn. Hai anh em Kỳ lại cứ đứng nhìn, y như hai người phóng viên nước ngoài lần đầu chứng kiến cảnh bán hàng rong ở đất Việt. Cho tới khi ông Nghiêm để ý đến sự tồn tại của họ, ông mới bắt đầu cất tiếng chào và nhận ra cái mặt quen quen của người giao thú bông cách đây một tuần.

- Ô kìa có phải cậu là...

- Vâng đúng là tôi đây. Tôi đã chẳng hay ông Nghiêm là người nhà Trịnh...

- Anh Kỳ đã giúp cháu, ông đừng lo lắng quá...

Tích lại hơi cuống lên, hai tay cậu khua trong không trung làm tấm áo trên vai náo loạn.

- Đâu có, có lo lắng đâu nào! Kỳ là người giao thú bông thôi. Này, chúng tôi về đây nhé, Tích nó còn chưa ăn gì suốt từ trưa tới giờ. Cháu mau mau về với tôi.

Tích đã lên xe rồi, chào tạm biệt nhau và thế là anh em Kỳ cũng cất bước ra về...

Bỗng. Có tiếng gọi dịu dàng cất lên. Anh Kỳ bất giác quay ra rất nhanh, rồi anh thấy cậu công tử đang bậu hai tay vào bệ cửa xe, nửa đầu nhô ra ngoài, khuôn miệng nhỏ nhắn hét lên những chữ thật to lớn và mạch lạc:

- ANH - SỐNG - Ở - ĐÂU - THẾ - Ạ?

- Vâng! Tôi ở xóm trọ 35 phố Hàng Bạc nhé!!

Họ hét rất to.

Cho tới lúc cái vẻ xa hoa ấy đi tít tắp khuất mắt rồi, Kỳ vẫn cảm nhận rõ hơn bao giờ hết trái tim mình đánh lô tô trong lồng ngực. Anh hít lấy một hơi gió lạnh thời không bình, trông rất dùng dằng, cứ nhìn cửa hiệu sách Thụy Ký rồi lắc lư cái đầu. Quốc thúc khẽ vào vai anh một cái. Một cái nữa. Lúc ấy Kỳ mới bình thường lại. Nhưng hỡi ôi, buồn cười lắm cơ, cái anh chàng công nhân lớn đầu hai mươi lại giữa đường giữa phố, chen cả lối xích lô chạy mà nhảy cà nhắc chân sáo. Suốt cả ngày hôm nay, tới giờ này Quốc mới thấy anh Kỳ trở nên thú chí đến thế.

Lá thư đọc nửa đời | Kỳ TíchWhere stories live. Discover now