[Tiết Hiểu] Thành Mỹ

616 36 7
                                    

 "Thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác."

Tên Tiết Dương, tự Thành Mỹ. Trước đây đã từng nói qua ở bài phân tích cũ về tự Thành Mỹ này của Tiết Dương, nhưng vì nó trôi xa quá rồi nên bài này sẽ luận sơ lại đôi chút.

Đối với fan mới hoặc những bạn chỉ vừa biết đến Ma đạo tổ sư mà chưa tiếp xúc qua nhiều tác phẩm tu chân hoặc cổ trang nào khác có lẽ sẽ hoảng cả hồn khi thấy một nhân vật lại có đến khá nhiều cách gọi. Như Ngụy Vô Tiện protagonist của cả bộ Ma đạo tổ sư lúc được gọi là Ngụy Anh, lúc được gọi là Ngụy Vô Tiện; rồi Lam Trạm còn được gọi là Lam Vong Cơ hay Lam Hi Thần cũng chính là Lam Hoán. Thật ra rối tinh như vậy nhưng những cách gọi này được chia ra rõ ràng là tên húy (danh), tên tự và hiệu. Trai họ Ngụy có tên húy là Ngụy Anh, tên tự là Vô Tiện, và hiệu của Ngụy Anh thì chắc ai cũng biết chính là một loạt: Ma đạo tổ sư, Ma đạo chí tôn, Di Lăng lão tổ,... Trong ba cách gọi đó thì tên húy là tên đặt từ lúc cha sinh mẹ đẻ; tên tự (hay biểu tự) sẽ được cha mẹ hoặc bề trên đặt cho khi một người đã đến tuổi trưởng thành (thường là 20) và hiệu thường là cách gọi do chính bản thân tự đặt ra với ý nghĩa có liên quan đến hoài bão, chí hướng hay sự nghiệp.

Và nếu các bạn chú ý một chút sẽ nhận ra trong Ma đạo tổ sư, tên húy thường ít được nhắc đến hơn là tên tự. Là bởi lẽ người xưa khi đặt tên tự chính là để tránh phải dùng đến tên húy (căn bản thời đó mà dùng tên cúng cơm để gọi nhau trong khi chả thân thiết mấy thì khá là bất nhã) vậy dùng tên tự sẽ thể hiện ý tôn trọng đối phương hơn. Còn quen biết đủ sâu rồi thì cứ đâm bang mà gọi, như Lam nhị ca gọi Ngụy Anh ấy. =] Lảm nhảm như vậy để nói sơ về vai trò ý nghĩa của tên tự. Người xưa có câu "Vấn danh tri kỳ tự, vấn tự tri kỳ danh" tức hỏi tên húy thì biết được tên tự và ngược lại. Tại sao lại như thế? Vì việc đặt tên tự thật ra cũng có nguyên tắc riêng của nó, ấy là có thể theo bất kỳ phương pháp nào như: dựa vào đồng nghĩa, phản nghĩa, loại suy, thành ngữ, v v... nhưng nhất định phải có sự liên kết với tên húy. Bên cạnh đó ý nghĩa của tên tự ngoài gắn kết và thay thế cho tên húy ra nó còn là cái tên thường dùng trong xã hội, thể hiện anh ta đã trưởng thành có một vai vế một vị trí nhất định cũng như đã được người xung quanh công nhận và tôn trọng. Và chi tiết quan trọng cần nói nữa ở đây, là tên tự thường sẽ có hai chữ (ví dụ: Ngụy Anh tự là Vô Tiện, còn Ngụy là họ thôi đấy nhé.)

Quay lại với Tiết Dương, nếu bạn không skip qua những dòng trên để nhảy cóc đến đây thì có lẽ bạn đã hiểu tại sao tớ cho rằng Thành Mỹ là tên tự chứ không phải là hiệu. Thứ nhất tên tự này được đặt theo phương pháp sử dụng luận ngữ, là một câu nói nổi tiếng của Khổng Tử: "Thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác."; kế đó tên tự này cũng có hai chữ, và bởi vì không có trưởng bối nên Tiết Dương đã được Kim Quang Dao đặt cho khi hắn trở thành khách khanh của Kim thị (Theo Baike, Ma đạo tổ sư). Thế mới biết một thằng bé chỉ mười lăm mười sáu tuổi còn chưa đến tuổi "đội mũ" trưởng thành (20) đã được đặt tên tự và trở thành khách khanh tiên môn là chuyện lạ thế nào. Mồ côi không cha mẹ, không người dạy dỗ, ̶b̶̶ị̶ ̶đ̶̶á̶̶m̶ ̶a̶̶n̶̶t̶̶i̶̶f̶̶a̶̶n̶ ̶c̶̶u̶̶ồ̶̶n̶̶g̶ ̶n̶̶h̶̶i̶̶ệ̶̶t̶ ̶đ̶̶e̶̶o̶ ̶b̶̶á̶̶m̶, xúi quẩy gặp được Thường Từ An, xuất thân và số phận kém đến không còn kém hơn được nữa, nằm ở đáy cùng của xã hội. Thế nhưng chỉ từ năm bảy tuổi đến mười lăm tuổi đã thay đổi lớn đến mức đủ khả năng bước lên hàng khách khanh của huyền môn, khiến Xích Phong Tôn trên Kim Lân đài trông thấy hắn còn phải kinh ngạc (xen lẫn với phẫn nộ =]]).

Vậy Thành Mỹ chính là cái tên tự thể hiện địa vị xã hội của Tiết Dương vào thời điểm đó, là kim bài khẳng định vị trí khách khanh, chứng tỏ một nhân vật được công nhận và xem như đã trưởng thành. Nhưng điều lạ kỳ trong cái tự Thành Mỹ đó là nó quá đẹp đẽ cũng như mang thứ ý nghĩa tích cực so với con người của Tiết Dương mà chúng ta đã biết. Để hiểu về nó phải nhắc lại nguyên văn câu luận ngữ Khổng Tử đã nói: "Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị" (Quân tử vì người làm nên chuyện tốt đẹp chứ không gây ra điều ác, tiểu nhân thì ngược lại.)

Vấn đề ở đây là Tiết Dương thì còn xa lắm mới đứng cùng hàng với hai chữ quân tử. Tội nghiệt nặng gánh, tay nhuốm máu người, gây ra muôn chuyện trái luân thường tàn nhẫn vô lương. Kim Quang Dao đặt tự này cho Tiết Dương là sau khi thứ tai tiếng về lưu manh Quỳ Châu đã vang dội khắp nơi chứ chẳng phải Liễm Phương Tôn không biết gì về Tiết Dương mà đặt bậy. Nhưng thế vẫn cứ gọi cháu là Thành Mỹ là tại sao? Cá nhân tớ nghĩ lý do thứ nhất chính là vì Kim Quang Dao vốn muốn để người ngoài nhìn vào không xem thường khách khanh của Kim thị, lấp liếm đi cái tên Tiết Dương đầy tai tiếng; thứ hai là ngay bản thân cái tên này đã hàm ý muốn nói Tiết Dương dưới trướng của Kim gia là kẻ làm nên hảo sự, là hy vọng của Kim Quang Thiện về một Âm Hổ Phù phục chế để đứng đầu bách gia.

Và cuối cùng, tớ cho rằng cái tự này còn giống như một lời chúc phúc đã tiên đoán nửa đời sau Tiết Dương sẽ gặp được người quân tử thực sự là kẻ "thành nhân chi mỹ''. Một người cho hắn biết thế nhân hóa ra vẫn còn có cái gọi là lương thiện, trao lại cho hắn thứ tình người mà hắn đã đánh mất từ năm bảy tuổi. Dù "thành nhân chi mỹ" đến có muộn màng và kết cục của cả hắn và người ấy đều là thảm kịch, thì tính nhân văn đẹp đẽ Mặc Hương đã dày công xây dựng vẫn còn đó trong Thảo Mộc, bất chấp hội học sinh yếu văn vẫn lăn lộn đòi anti bác bỏ thậm chí nói chị viết ra những chi tiết vô lý.

Nên nhớ nếu Mặc Hương mà viết văn vô lý thì sự tồn tại của đám antifan chính là bất hợp lý, cũng như việc tớ nhạo báng khi chúng ngồi đọc lén để cap bài này là vô cùng có lý. =]]

Ngoài lề: Thành Mỹ vốn là một cái tự rất đẹp, nhưng đối với một đứa mê chữ như tớ thì cảm thấy hai chữ Tiết Dương đọc lên nghe thanh trắc-bằng lại thấy ưng hơn là bằng-trắc. Ngoài ra còn vì chữ Dương không phải một trong những chữ "dương" phổ biến thường được dùng trong tên nên tớ rất thích =]] cũng không phải là hiếm quá, nhưng vì ít khi gặp nên khi thấy Tiết Dương hóa ra là chữ dương của đại dương (洋) mà tự nhiên bấn loạn vậy thôi.

Còn về Hiểu Tinh Trần, cái tên của đạo trưởng gợi nhớ đến một vì sao sớm bên sông Ngân hà trong bài thơ Thường Nga của Lý Thương Ẩn:

"Vân mẫu bình phong chúc ảnh thâm,
Trường hà tiệm lạc hiểu tinh trầm."

Vì sao này lại lạc giữa cõi trần, rơi vào lòng đại dương sâu thẳm.   

[Phân tích]Where stories live. Discover now