Để phần Đọc-Hiểu không còn khó khăn

138 8 3
                                    

1.Đọc kĩ văn bản, không bỏ sót bất cứ thông tin nào, kể cả nguồn trích dẫn, gạch chân vào những từ, câu quan trọng trong văn bản.

2.Đọc kĩ từng câu hỏi, gạch chân vào những cụm từ, vế câu quan trọng trong câu hỏi. Đảm bảo đã hiểu rõ các yêu cầu câu hỏi thì mới bắt đầu tiến hành chuẩn bị làm các câu trả lời.

3.Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Thường hỏi về đề tài, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, các thao tác lập luận, nội dung chính hoặc thể loại của văn bản.

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nắm vững kiến thức, phân biệt các vấn đề trên để trả lời chính xác.

Câu 2:

- Dạng 1: Hỏi về một chi tiết, quan điểm hay một vấn đề mang tính mấu chốt có trong văn bản.

Dõi theo mạch văn bản để nhặt ra những từ, câu quan trọng hoặc tìm ý trả lời cho chính xác và đầy đủ.

- Dạng 2: Yêu cầu giải thích một vấn đề, một quan điểm (câu hỏi thường là: Tại sao tác giả viết...?; Anh/chị hiểu gì về...?; Hãy làm rõ cách hiểu của anh/chị về...?)

Bám sát ngữ liệu được trích trong câu hỏi, tách ra từng cụm từ hoặc từng vế để trả lời theo bản chất của vấn đề (nghĩa thực, nghĩa chuyển,...)

Chú ý: Nếu ngữ liệu dài thì phải diễn đạt khái quát chung ý của cả câu nghĩa là gì?

- Dạng 3: Yêu cầu chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp nghệ thuật.

Vận dụng kiến thức để chỉ ra chính xác biện pháp nghệ thuật (thường gặp là: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, liệt kê, điệp cấu trúc cú pháp, điệp từ, điệp ngữ, nói giảm, nói quá, câu hỏi tu từ...)

Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật ở hai khía cạnh:

+ Tác dụng về nội dung: thường làm nhấn mạnh, làm nổi bật vấn đề được diễn tả.

+ Tác dụng về nghệ thuật: Căn cứ vào giọng điệu, ngôn ngữ, hình ảnh... của câu chứa biện pháp nghệ thuật đó để diễn đạt (Ví dụ: làm tăng tính hình tượng, tính biểu cảm, tạo giọng điệu tha thiết trầm lắng hoặc vui tươi, sôi nổi, sinh động,...)

Câu 3: Nêu ý kiến về một vấn đề và lý giải tại sao lại đưa ra ý kiến đó

- Chỉ trình bày một trong hai phương án (đồng ý hoặc không đồng ý)

- Lý giải tại sao: Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần dựa vào bản chất của vấn đề được nêu trong câu hỏi. Cùng với đó là dựa vào các vấn đề khác có liên quan (trực tiếp/gián tiếp; chủ quan/khách quan...) để lí giải.

Câu 4: Thường yêu cầu trình bày, nhận xét, khái quát vấn đề, đối tượng rút ra (được trình bày từ) văn bản đọc hiểu hoặc nêu giải pháp về vấn đề đó.

- Chú ý: thông điệp, bài học, ý nghĩa triết lý của văn bản: được trình bày ngắn gọn như một lời khuyên, nhắc nhở, cảnh báo,...

- Trình bày giải pháp phải gắn với hành động cụ thể (làm gì với điều đó?)

- Nhận xét về vấn đề, đối tượng: Phải chọn những tính từ (cụm tính từ), động từ (cụm động từ) chính xác, diễn tả đúng nhất, rõ nhất bản chất của thái độ, hành động.

Ví dụ: Trình bày nhận xét về thái độ tình cảm của tác giả thể hiện trong văn bản: Trân trọng, ngợi ca, lên án, phê phán, đồng cảm, xót thương,..

- Đặt nhan đề khác cho văn bản.

Tài liệu học vănDove le storie prendono vita. Scoprilo ora