Chương 8: Bánh hoa quế

75 10 4
                                    

Trước khi mở cửa thông thương, ai ai cũng cho rằng một ngọn sóng nơi bến Thượng Hải đã đủ nhấn chìm lầu son gác tía. Ấy thế mà sau năm năm gió cuộn mây trào, Thập Lý Dương Trường năm nào lại ủ ra nhân sinh trăm vị. 

Dân nhập cư cứ xuôi ngược đổ về, bên bờ sông Hoàng Phố, tiếng còi tàu hú vang giục giã bọn họ lao đi tìm cuộc đời phi thường của chính mình. Rồi khi đèn lồng đỏ treo cao trên những ngõ hẻm nay đã được gọi tên, người ta lại dập dìu đi tìm một chốn phồn hoa để được tận hưởng cảm giác phù phiếm trong giây lát, đặc biệt là dân tha phương cầu thực. Có những người đến từ Giang Nam cả đời sẽ đắm mình trong trà quán vườn cảnh để nhung nhớ hoa hạnh mưa khói, nhìn góc nào cũng kháo nhau rằng nơi này nơi nọ bắt chước Viên Minh Viên. Có người lại ôm lấy chợ thủ công mỹ nghệ để mơ về Cẩm Lý, nơi được mệnh danh Đệ nhất phố Tây Thục của vùng Xuyên Du rộng lớn. Mà riêng dân kinh kỳ lại thiệt thòi hơn cả, họ chẳng thể đi tìm được bóng dáng Thành Nam ở nơi này. Thành Nam chiếm cứ phân nửa đất đai Bắc Kinh, tìm hơi thở cổ kính phong ba ở chốn trào lưu phong tình quả thực không dễ. Nếu may mắn, họ sẽ rời khỏi dòng người chuyển động như tuôn trào, càng đi vào sâu bên trong những ngõ hẻm hỗn tạp, lại càng phát hiện ra tiếng chiêng trống của sân khấu kịch rõ ràng, rộn rã. Không khó để người Thành Nam nhận ra các bộ Hý khúc cổ chuyên diễn xướng Kinh xoang Kinh vận, nghe âm điệu lên bỗng xuống trầm kia, dẫu cho còn chưa thành thục đầy đặn nhưng nghe nam đán, võ sinh dám cả gan bình phẩm chuyện quốc gia đại sự trên sân khấu cũng đủ khiến người ta cảm thấy mình vẫn còn sống dưới chân hoàng thành, chưa từng rời đi nơi khác.

Bên trong kịch quán, Tống Á Hiên đang xướng lên một khúc ly biệt rằng: "Bên ngoài trường đình, bên con đường cổ, cỏ thơm xanh biếc tận chân trời."

Cả khán đài im ắng nghe rõ từng tiếng nức nở nhỏ bé nép bên môi y, cả sân khấu đều thấm đẫm vẻ bi tráng hoang lạnh khi đưa tiễn Kinh Kha trên sông Dịch Thủy, mãi cho đến khi tấm màn sân khấu hạ xuống, người ta mới ngỡ ngàng vỗ tay trong mê say ngây ngất. Cứ như vậy cái tên Tống Á Hiên làm chao đảo giới mộ điệu Thượng Hải. Từ khán đài vài chục ghế, kịch quán đã được trùng tu lại hai lần chỉ để lắp đặt thêm phòng bao, giá vé phân cấp rõ ràng, chưa kể không phải có tiền là sẽ mua được.

Phía bên ngoài kia tiếng vỗ tay vẫn còn chưa dứt, Tống Á Hiên lui vào trong sân khấu. Cả đoàn kịch cuối cùng cũng lặng lẽ thở phào khi đêm diễn cuối cùng của mùa xuân cũng kết thúc. Không vội vàng ra kết màn, trong tiếng vỗ tay, họ yên lặng bắt tay vỗ vai nhau, cùng nhau tận hưởng giây phút hoan ca. Đến cả bọn A Tam A Tứ bây giờ cũng không dám từ chối cái bắt tay của Tống Á Hiên, A Tứ thiếu điều mở miệng nói hai tiếng vinh hạnh. Hai đứa trẻ sinh đôi hiện tại cũng bước đến ngưỡng thành niên, A Tứ vẫn như cũ ngốc nghếch chẳng trưởng thành được bao nhiêu, nghe lời so sánh cũng không vui không buồn. Nhưng A Tam thì khác, gã không còn được phép gây sự với Tống Á Hiên, dù không vừa lòng cũng chỉ có thể sắm vai tiểu sinh nhạt nhòa, trơ mắt nhìn thiếu niên thành công chinh phục thời kỳ vỡ giọng. 

Mặc dù ngón nghề chưa vững vàng bằng A Tế Ca, nhưng sự đột phá trong cảm xúc của Tống Á Hiên không ai trong đoàn có thể bì được. Một lời hát lên có thể nhìn thấy khói lửa khi xưa của chốn kinh kỳ, những anh hùng bên trong câu chuyện cũ kỹ lại lần nữa sống lại trong tiếng ngân nga day dứt. Lưu Diệu Văn sống trong kinh kịch cùng người nọ đủ nhiều, đủ nhiều để nói rằng Tống Á Hiên là mượn sinh mệnh mà hát. 

VĂN HIÊN | MIÊN MAN | HEWhere stories live. Discover now