Tiếng đàn đệm những bước chân

21 3 0
                                    

A/N: Câu chuyện này mình đã muốn viết từ khá lâu rồi, nhưng vì nhiều lý do (trong đó có lười) mà giờ mới hoàn thành được.
Không biết việc phụ thuộc vào cảm hứng là một điều tích cực hay tiêu cực, nhưng phải tới thời điểm hiện tại – khi mình đã cảm thấy sẵn sàng, cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình phải hoàn thành ngay lúc này – thì mới quyết định sẽ bắt tay vào viết, và phải viết đến khi xong thì thôi.
Truyện vốn được gộp lại từ 4 truyện ngắn khác nhau nên có thể hơi dài so với những truyện ngắn thông thường của mình.
Lưu ý: Đây là một sản phẩm của trí tưởng tượng.
Mong bạn đọc đừng quá nghiêm túc trước những tình tiết có vẻ hư cấu hay ảo lòi.

Cặp sinh đôi có mái tóc nâu đỏ nhạt được bà đỡ bế đặt bên giường. Ba mẹ con nằm nghỉ tại phòng riêng, xung quanh là những bó hoa lớn nhỏ, phía tay trái có cái loa kèn chạy đĩa than – loại hay thấy trong mấy bộ phim đen trắng – đang phát bản dạ khúc số 9 của Chopin.

* * *

Tại một bệnh viện nhỏ và cũ bẩn hơn nằm trên địa bàn Hà Nội, có đứa bé đang nằm ngủ trong lồng kính với một bó dây nhợ dán khắp người. Nó là trẻ sinh non, và mẹ nó – dù vẫn chưa lại sức sau cuộc phẫu thuật vừa rồi – mắt hướng lên trần nhà, cố gạt đi những tiếng nói chuyện léo xéo của những sản phụ nằm chung phòng. Chị tự hỏi đứa con đó sau này có sao không; nhưng, vấn đề ngay trước mắt là bệnh viện sẽ tính chị bao nhiêu tiền. Trời đã sáng rồi, chị cũng tự hỏi bao giờ thì chồng mình sẽ tới.

* * *

N là một đứa bé xinh xắn: Cái đầu tròn với mái tóc đen cưng cứng, hai mắt to tròn đen như hột nhãn, da dẻ thì căng hồng và tay chân nó chỉ nhìn vào thôi là mọi người đã muốn nắn, muốn véo để cảm nhận sự mềm mại và thơm tho rồi.

Lúc N được 3 tháng tuổi, trời lạnh buốt cắt da thịt; hơi ẩm từ lượng mưa phùn cùng bụi bặm đường phố hàng ngày ùa qua cánh cửa sổ xập xệ khiến hệ hô hấp của thằng bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó ho suốt cả tuần không khỏi, nôn trớ, tiêu chảy, và những cơn sốt nặng nhẹ luân phiên kéo đến quấy rầy thằng bé hàng đêm. N bỏ bú sữa mẹ, mà mẹ nó cũng chẳng có nhiều sữa. Làn da hồng hào nay tái mét; đôi mắt bồ câu giờ trũng sâu, vàng vọt và đờ đẫn. Trông N nằm bẹp trên giường, những người họ hàng ác khẩu quy tội cho mẹ N vì đã không biết cách chăm sóc để nó ốm yếu thế này, trong khi đáng ra phải nuôi N như thế kia – như cách người ta chi tiêu, ăn uống không cần bận tâm tới tiền bạc, như cái cách người ta đặt con họ vào trong nôi gỗ nhập từ Cộng hòa Liên bang Đức về, và cứ hễ trời lạnh là một cái lò sưởi điện luôn sẵn sàng bật lên.

* * *

Giữa cái rét căm căm tháng Một Hà Nội, cô trông trẻ nhẹ đung đưa nôi cho hai nhóc tì nằm bên trong. Đứa bên phải đi giày xanh lá là anh; còn đứa có đôi giày xanh biển, luôn mút lấy ngón tay cái trong lúc nó ngủ mơ là em. Công việc của cô nghe chừng đơn giản: chỉ cần để mắt tới lũ sinh đôi, cho chúng ăn mỗi khi đói, thay tã khi chúng ị, vỗ về chúng khi chúng trớ sữa hay khóc nhè. Lý thuyết là vậy, nhưng chủ nhà là những ông bà cực kì khắt khe khó tính. Họ không muốn con họ vướng phải lũ vi khuẩn nào; họ không muốn con cái họ gặp phải những sự cố vô tình nào có thể khiến da thịt chúng trầy xước, thậm chí tím lên; họ càng không muốn có vết sẹo hay thương tích gì lưu trên cơ thể chúng, nên mỗi khi bế ẵm phải luôn cẩn thận nâng niu vùng tay, chân, đầu và xương sống. Tóm lại, họ yêu cầu rất nhiều thứ và cũng không muốn rất nhiều thứ, mà đôi khi cô cảm thấy lượng tiền công gấp ba chẳng thể bù đắp cho áp lực mình phải chịu đựng.

những truyện ngắn của Nguyễn Anh ĐườngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ