X.QUÂN CƯỚP - MỘT SÁNG ĐỊNH MỆNH

0 0 0
                                    

Chương Mười

QUÂN CƯỚP - MỘT SÁNG ĐỊNH MỆNH
1

Biến cố xảy ra trên đường tới dinh tổng đốc thật là kì quặc. Thiết tưởng tôi nên tuần tự kể lại. Khoảng một giờ trước khi ông Xtepan và tôi bước ra đường, một đám già bảy chục thợ thuyền thuộc nhà máy Spigulin đã tuần hành qua thành phố, trước con mắt tò mò của đám đông dân chúng. Đoàn người đã bước đi trong im lặng và trật tự. Về sau, có người nói bảy chục người này đã được bầu ra trong số chín trăm người thợ của nhà máy, để khiếu nại lên vị tổng đốc về viên quản lí (chủ nhà máy đi vắng), sau khi đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân, đã lừa gạt họ một cách vô liêm sỉ - một sự kiện nay đã được chứng minh, không còn ngờ vực gì nữa. Những người khác thì cho rằng bảy chục người kia không phải là đại diện của chín trăm thợ thuyền gì cả, bởi vì chẳng bao giờ người ta bầu ra một đoàn đại biểu đông như vậy; rằng họ chỉ là một mớ những cá nhân bất mãn nhất đối với những trường hợp riêng của họ, như vậy, không có vấn đề một cuộc nổi loạn có tổ chức. Một nhóm thứ ba thì một mực cho rằng bảy chục người kia không những là những công nhân nổi loạn, mà tệ hơn nữa, còn là những người làm cách mạng, gồm toàn những kẻ cuồng nhiệt nhất, chắc chắn đã bị lôi cuốn vào cái cơn sốt chính trị này bởi những tờ tuyên ngôn dấy loạn. Nói tóm lại, việc có một ảnh hưởng ngầm hay xúi giục nào hay không, cho đến nay vẫn không minh bạch. Theo quan điểm riêng của tôi, không biết có đúng không, chẳng có tuyên ngôn dấy loạn nào dính líu vào đây cả, dù cho công nhân có gặp hay đọc đi chăng nữa, chắc họ sẽ không hiểu lấy một chữ, bởi vì các tác giả của cái loại văn chương đó viết tối tăm đến nỗi khó mà biết ý nghĩa của nó ra sao. Và bởi vì sự thật các công nhân quả đã bị lường gạt ở nhà máy, trong khi chính quyền cảnh sát mà họ khiếu nại có vẻ thờ ơ với trường hợp của họ, nên họ biết làm gì khác hơn là thử đích thân đi gặp vị tổng đốc, và, nếu có thể, trình một đơn thỉnh nguyện lên cho ngài, quì trước chân ngài như trước đấng Tạo hóa và tin tưởng nơi đức công minh của ngài? Tôi nghĩ ở đây không cần gì phải nổi loạn hay lập một phái đoàn đại diện, bởi lẽ theo một tập tục lịch sử cổ truyền, dân Nga bao giờ cũng thích nói chuyện trực tiếp với "ông lớn", dù giản dị vì thích như vậy, bất kể những cuộc nói chuyện như thế có thể gây ra những hậu quả gì.

Cho nên tôi tin tưởng rằng nếu Piot'r, Liputin, hay ngay cả Fedca có len lỏi vào đám công nhân (có những bằng chứng cụ thể là chuyện này có) để nói chuyện, họ không thể tiếp xúc với quá hai hay ba người, nhiều nhất là năm người; dù rằng đó chỉ là một cuộc thí nghiệm, rồi ra họ cũng phải hiểu rằng họ chỉ tốn nước bọt vô ích. Còn về chuyện một cuộc nổi loạn - dù cho những công nhân nhà máy có hiểu được tí nào sự tuyên truyền nhắm vào họ, điều chắc chắn là họ sẽ thôi ngay không nghe nữa, bởi vì sự tuyên truyền có vẻ rỗng tuếch và không thích hợp với họ. Tuy nhiên, với Fedca thì lại khác. Hắn có vẻ như thành công hơn Piot'r. Bây giờ, đã có bằng chứng chắc chắn là Fedca và hai công nhân nhà máy đã dính líu trong việc gây ra một vụ hỏa hoạn trong thành phố ba ngày sau đó. Ba tháng sau, ba công nhân khác bị bắt ở quận và bị truy tố về tội đốt nhà. Nhưng dù cho Fedca có lôi kéo được vài ba công nhân hành động trực tiếp, con số cũng chỉ gồm năm người đó, bởi vì không có công nhân nào khác ở xưởng bị buộc vào một tội gì.

[Fyodor Dostoevsky] Lũ Người Quỷ ÁmWhere stories live. Discover now