II.ÔNG HOÀNG HARRI. SỰ MỐI MAI

21 0 0
                                    

Chương Hai

ÔNG HOÀNG HARRI. SỰ MỐI MAI
1
Người thứ nhì ở trên đời mà bà Varvara Petrovna Xtavroghina quyến luyến ngang với ông Verkhovenxki là cậu con trai độc nhất của bà tên là Nicolai Voxevolodovitr Xtavroghin. Chính ông Verkhovenxki được mời tới là để kèm cho cậu này học. Hồi ấy Nicolai mới lên 8 tuổi. Người cha vô trách nhiệm của cậu lúc đó đã sống riêng và cậu được giao phó hoàn toàn cho mẹ chăm sóc.

Để công bằng với ông Verkhovenxki, phải nói rằng ông biết cách làm sao để chiếm cảm tình của cậu học trò. Bí quyết của ông đơn giản lắm: chính ông là một đứa trẻ. Khi ấy tôi chưa đến ở gần, và bởi luôn luôn cần một người để trút bầu tâm sự, ông không ngại ngần tạo ngay một đứa con nít như thế thành bạn, và đứa trẻ càng lớn thì cái hố cách có thể có giữa hai người dường như cũng tiêu tan luôn. Ông bao lần giữa đêm khuya khoắt lay người bạn mười hay mười một tuổi đầu dậy rồi nước mắt dầm dề thổ lộ những tình tự bi thương của ông ra hoặc có khi còn chia sẻ cả bí mật gia đình với đứa trẻ - điều hẳn là hoàn toàn không thể tha thứ được. Rồi họ ôm nhau mà nức nở khóc. Cậu bé biết mẹ thương yêu mình, nhưng cậu không có vẻ hướng cảm tình về mẹ nhiều. Bà ta không chuyện trò nhiều với cậu và chẳng có mấy khi ngăn cản cậu làm cái gì cậu muốn, nhưng không hiểu sao cậu vẫn cảm thấy tia nhìn nặng trĩu của bà mẹ làm cậu khó chịu một cách nhức nhối. Dù sao thì bà Varvara cũng giao phó hoàn toàn việc giáo dục cũng như xây dựng cá tính cậu con trai cho ông Verkhovenxki.

Chúng ta có thể phỏng đoán rằng ông thầy phải gánh một phần trách nhiệm trong việc làm đảo lộn thần kinh đứa học trò, vì khi đứa nhỏ mười lăm tuổi được gửi đi học nội trú thì nó ốm nhom, xanh xao và khép kín một cách lạ lùng. Tuy vậy sau này cậu ta nổi tiếng là có sức mạnh thể chất đặc biệt. Chúng ta có thể đoán rằng những giọt lệ của đôi bạn đó khi ban đêm ôm nhau nức nở không phải bao giờ cũng do những vụ lộn xộn trong nhà gây ra. Ông Verkhovenxki đã chạm đến những sợi dây sâu thẳm nhất trong lòng đứa trẻ, tạo ra cái cảm giác đầu tiên, tuy còn mù mờ, về một nỗi vọng tưởng thiêng liêng khôn nguôi mà một tâm hồn siêu đẳng một khi đã nếm là sẽ không bao giờ chịu đánh đổi lấy sự thỏa mãn tầm thường, (Cũng có những người coi trọng nỗi vọng tưởng kia hơn là sự mãn túc triệt để nhất, dẫu điều đó có thể thực hiện được). Dù sao đi nữa, phân cách hai thầy trò sau rốt cũng là một ý tưởng tốt, mặc cho có khá muộn.

Trong hai năm đầu nội trú, cậu Xtavroghin về nhà trong những dịp nghỉ hè. Rồi, khi mẹ cậu và ông Verkhovenxki lên ở Petersburg, thỉnh thoảng cậu cũng đến dự các buổi họp mặt văn nghệ của họ, chỉ nhìn và lắng nghe. Cậu không nói nhiều, mà rụt rè và im lìm cũng như khi trước. Cậu vẫn đối xử với ông Verkhovenxki một cách thân ái, nhưng khép kín hơn, và rõ là ngần ngại trong việc thảo luận với ông những chuyện cao xa, đặc biệt là về quá khứ.

Theo đúng ước nguyện của mẹ, sau khi tốt nghiệp ở trường ra cậu gia nhập một trong những đoàn kị vệ bảnh bao nhất. Tuy nhiên, cậu không về nhà để cho mẹ cậu trầm trồ ngắm cậu trong bộ quân phục như bà đề nghị, và sau đó cậu chỉ năm thì mười họa mới gửi thư về nhà.

Bà Varvara hễ con muốn có bao nhiêu tiền là gửi bấy nhiêu liền, dù rằng ngay sau vụ giải phóng nông nô, lợi tức của bà rút lại chỉ còn có một nửa. Nhưng qua nhiều năm trước đó, bà cũng đã tích góp được một khoản vốn nào đó, không đến nỗi ít ỏi lắm. Bà rất trông mong cậu con thành công trong xã hội, và bà không phải thất vọng. Những nơi mà bà không nối lại được mối giao du, những sĩ quan vệ binh trẻ tuổi và giầu có thừa sức làm việc đó. Trên thực tế, cậu ta còn kết giao được với những chỗ bà không hề dám ước mơ tới nữa. Mọi người đều hoan hỉ đón tiếp cậu.

[Fyodor Dostoevsky] Lũ Người Quỷ ÁmDonde viven las historias. Descúbrelo ahora