Đàn bầu - Lữ Giang

164 6 0
                                    

Lắng tai nghe đàn bầu
Ngân dài trong đêm thâu
Tiếng đàn như suối ngọt
Cứ đưa hồn lên cao.

Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm như giọng cha

Đàn ngày xưa não ruột
Có người hát xẩm mù
Ôm đàn đi trong mưa...
Mưa hoà cùng nước mắt

Đưa hồn ta lên cao
Đàn bầu làm suối ngọt
Tình yêu quê dâng trào
Thay cho dòng nước mắt.

----------

Lữ Giang lần đầu được nghe tiếng đàn bầu vào năm 1944 khi bất chợt gặp một người hát rong mù trên phố Cầu Gỗ - Hàng Đào. Giữa đêm hè phố vắng, người hát rong so đàn rồi gảy một khúc "Hận Nam Quan". Tiếng đàn như than thở cho một kiếp mù lòa khác nào con chim lạc đàn trong buổi chiều hôm chạng vạng. Lữ Giang nghe từng cung thanh, cung trầm và thấy ông lão nhạt nhòa nước mắt. Lục túi chỉ còn mấy hào lẻ, Lữ Giang biếu hết người nghệ sĩ mù, cám ơn ông lão rồi về nhà trọ trong một tâm trạng suy tư buồn bã...

Lần thứ hai Lữ Giang nghe tiếng đàn bầu là trong đêm văn công ở Khu 4 cũ, hôm ấy có nghệ sĩ Đào Mộng Long ngâm bài thơ "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm.

Lần thứ ba được nghe tiếng đàn bầu cũng là lần đưa Lữ Giang đến những cảm xúc mạnh mẽ nhất. Một đêm tháng 9 năm 1954, nghe tin Hà Nội giải phóng, Lữ Giang đang ở Nghệ An liền cùng NSƯT Mai Châu đạp xe ra Hà Nội ngay trong đêm để kịp dự buổi biểu diễn của đoàn văn công quân đội do nhà thơ Hoàng Cầm chỉ đạo. Cũng trong đêm ấy, ông lại được nghe một nghệ sĩ chơi đàn bầu, tiếng đàn bầu gợi lại trong ông bao nỗi niềm của những lần nghe trước. Có lẽ đây là một đêm háo hức, xúc động nhất trong đời ông, nó được hòa vào sự vui sướng của cả Hà Nội ngày Thủ đô được giải phóng.

Sau buổi biểu diễn hôm đó, Lữ Giang về phòng ngồi vào bàn viết một mạch đến gần sáng và bài thơ "Đàn bầu" được viết xong. Sau này, bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc thành bài hát "Tiếng đàn bầu", góp thêm phần đưa "Đàn bầu" trở thành một bài thơ được nhiều người yêu thích.

Thơ Ca Việt NamNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ