Cáo tật thị chúng - Thiền sư Mãn Giác

406 15 0
                                    

Nguyên tác chữ Hán:

告疾示眾

春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。

Phiên âm Hán Việt:

Cáo tật thị chúng

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch thơ:

Có bệnh bảo mọi người

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai.

[Bản dịch của Ngô Tất Tố]

----------

Thời gian có tính chu kỳ, tuần hoàn dựa trên sự dịch chuyển của nhật nguyệt, tinh tú, mùa màng và những dấu hiệu của vạn vật. Thời gian còn là biểu trưng cho sự sống bất diệt, an nhiên tự tại và bình tĩnh vượt qua những chướng ngại tinh thần khi đối diện với sinh - trụ - dị - diệt. Mùa xuân và hoa mai là một trong những thể nghiệm của người đời, là bước đi của thời gian vô hạn trong không gian hữu hạn, là sự tiếp nối lạc quan, là sự giác ngộ khi làm chủ được mình trong biến dịch vô thường của trần hoàn tạo vật. "Cáo tật thị chúng" của Thiền sư Mãn Giác là một đại diện vượt thời gian như thế.

Xuân đi thì trăm hoa rụng, xuân đến thì trăm hoa nở, việc đời đuổi rượt qua trước mắt, tuổi già tìm đến trên mái đầu. Nhưng đừng tưởng xuân tàn là hoa sẽ rụng hết, đêm qua trước sân một cành mai mới nở. Trong "Bát Nhã Tâm Kinh" có câu "qua đi, qua đi, qua bờ bên kia đi, hoàn toàn qua bờ bên kia đi, thì giác ngộ" - đó chính là bước đi của thời gian chiêm nghiệm đời người để mà thông suốt, tỉnh táo để mà bước qua bờ bên kia. Đó cũng là sự viên giác của đấng giác ngộ. Thiền sư Mãn Giác là người thế.

Mãn Giác tên thật là Nguyễn Trường, sinh năm 1052, thân phụ ông là Hoài Tố làm chức Trung thư viên ngoại lang. Thuở thiếu thời, vua Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu, Nguyễn Trường là người được học hỏi rất nhiều, tinh thông cả tam giáo nên được dự tuyển. Khi Lý Nhân Tông lên ngôi, vì mến chuộng tài đức của ông nên ban cho hiệu là Hoài Tín. Sau đó, vì muôn lẽ sự đời mà ông dâng biểu xin được xuất gia học Phật rồi tứ hải vân du. Tháng 11 năm 1096, ông lâm bệnh nặng, chúng đệ tử thương khóc thầy vì biết người sẽ ra đi vĩnh viễn. Trên giường bệnh, thiền sư Mãn Giác đã làm bài kệ "Cáo tật thị chúng" để khuyến hóa, an tâm học trò mình trước khi viên tịch.

Thơ Ca Việt NamWhere stories live. Discover now