Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử

269 7 0
                                    

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý - bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
"Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"

----------

Bài thơ "Mùa xuân chín" nằm trong chùm thơ "Hương thơm" (tập thơ "Đau thương") Hàn Mặc Tử đề tặng người bạn thơ Quách Tấn, cùng với các bài "Đà Lạt trăng mờ", "Tối tân hôn", "Huyền ảo".

Mùa xuân năm 1933, Hàn Mặc Tử tìm lên Đà Lạt thăm Quách Tấn. Chỉ có một buổi sáng Đà Lạt ấy, Hàn Mặc Tử nhìn xuống thung lũng xa, nhà thơ mới phát hiện ra những nét hoạ tiêu sơ mà cảm thức: "Trong làn nắng ứng khói mơ tan - Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng...", cùng với đó là một chút tâm trạng ngậm ngùi: "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy - Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi".

Buồn lắm, thương lắm mà yêu lắm, đó là tâm trạng người đọc sau khi đọc bài thơ Mùa xuân chín. Nhưng các nhà phê bình, các nhà thơ đều băn khoăn, tại sao Hàn Mặc Tử lại lấy tên bài thơ là "Mùa xuân chín"? Xuân sao lại "chín"? "Chín" thành quả rồi thì xuân có còn không? Hàn Mặc Tử viết "Mùa xuân chín" khi mới 21 tuổi. Thế mà cuộc sống đã khắc vào lòng thi sĩ những nghịch cảnh: Ở đây thì "Bao cô thôn nữ hát trên đồi", còn trong lòng tác giả lại "Chị ấy năm nay còn gánh thóc". Ở đây thì "Sóng cỏ trong xanh gợn tới trời", còn trong lòng tác giả lại "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". Những hình ảnh tương phản ấy lập nên cái ý tứ sâu thẳm của bài thơ. Tôi cho rằng chữ "chín" ở đây là "chín" trong tâm trạng tác giả. Xuân của đất trời tươi trẻ, "Hổn hển như lời của nước mây", nhưng xuân trong lòng thi sĩ đã chín thành quả, đã "chín" thành niềm hoài cảm khôn nguôi.

Vâng, chữ "CHÍN" ấy là bài thơ đã rụng vào hồn thi sĩ thành nỗi xót xa của tình yêu bất tử.

Thơ Ca Việt NamNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ